Vụ cô gái 21 tuổi đầu độc, giết chết cha ruột: Hành vi quá tàn nhẫn, mất tính người
Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi) mua chất độc xyanua về đầu độc chết người cha, đắp xi măng lên rồi gây cháy nhà để tạo hiện trường giả. Theo Ts. Ls. Đặng Văn Cường, hành vi của cô con gái trong vụ án này là rất tàn nhẫn, mất tính người, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình.
Với đạo lý của người Việt thì có hiếu với cha mẹ là tiêu chí đánh giá đạo đức một con người. Theo triết lý của nhà Phật thì tội lỗi lớn nhất của đời người chính là bất hiếu. Người bất hiếu thì không điều ác gì không dám làm. Bởi vậy hành vi đối xử tàn nhẫn với cha mẹ đã bị người đời cười chê, xã hội lên án, việc con giết cha đó là nghịch tử, là hành vi mất nhân và không gì có thể biện minh được.
Dưới góc độ pháp lý thì đây là tội ác, là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của cô gái này xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ đó là tính mạng con người và quyền sở hữu tài sản.
Với hành vi như vậy thì cô gái này sẽ phải đối mặt với 2 tội danh là tội giết người theo khoản 1, điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 bộ luật hình sự năm 2015, với hình phạt có thể đến 20 năm tù.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ động cơ gây án, diễn biến hành vi vi phạm pháp luật và hậu quả đã gây ra đối với tính mạng của người cha và thiệt hại đến tài sản của gia đình làm cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý của cô gái này theo quy định pháp luật.
Dù bất cứ nguyên nhân gì chăng nữa, dù mâu thuẫn trong gia đình đến đâu thì hành vi giết cha ruột của mình là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, khiến dư luận phẫn nộ bức xúc và cô gái này sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, phạm tội với người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc. Còn đối với hành vi đốt nhà, hủy hoại tài sản thì hành vi này cũng xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, hành vi này cô gái có thể đối mặt tối 20 năm tù. Trường hợp với tội giết người mà cô gái này bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân hoặc tử hình.
Dù hình phạt như thế nào chăng nữa thì có lẽ cô gái này sẽ rất ân hận về hành vi của mình, chỉ vì tính ích kỷ, vì động cơ đê hèn mà sẵn sàng sát hại cả người cha ruột đã sinh ra mình. Nếu không bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình thì cô gái này sẽ phải dằn vặt, ân hận suốt đời. Bản án của pháp luật thì có thể sẽ chấp hành xong nhưng bản án lương tâm thì sẽ đeo đẳng cô gái này đến suốt cuộc đời, sẽ rất khó có cơ hội để cô gái này làm lại cuộc đời nếu như cô gái này thoát tội chết trong vụ án này.
Cô gái gây án trong vụ án này đã 21 tuổi, là người đã thành niên, sống trong môi trường xã hội có giáo dục, có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học, tri thức, có cơ hội để tu dưỡng rèn luyện bản thân. Tuy nhiên với sự hẹp hòi, ích kỷ, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức dẫn đến cô gái này có những suy nghĩ, hành động lệch lạc, thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác.
Có lẽ nguyên nhân sâu xa khiến cô gái thực hiện hành vi tội ác với cha đẻ của mình là do cô gái này không có đạo đức, không biết ơn sinh thành của cha mẹ, không có ý thức trong việc tôn trọng, phụng dưỡng cha mẹ. Chỉ vì sĩ diện, nhỏ nhen, ích kỷ mà sẵn sàng xuống tay với cả người sinh ra mình. Theo một quy luật là suy nghĩ tạo ra hành động, hành động tạo thành thói quen, thói quen tạo ra tính cách và tính cách quyết định số phận. Để có những suy nghĩ chuẩn mực, phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội thì con người phải được giáo dục nhận thức. Việc giáo dục có thể thông qua cấp học phổ thông, giáo dục của cha mẹ, sự tương tác trong môi trường xã hội.
Trường hợp đứa trẻ không được giáo dục đầy đủ, sống trong môi trường có nhiều suy nghĩ hành động tiêu cực hoặc có sự nuông chiều thái quá của cha mẹ khiến đứa trẻ chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết nhận mà không biết cho, không thấy trách nhiệm của mình đối với xã hội. Có thể quá trình giáo dục hình thành nhân cách của cô gái này đã gặp phải những vấn đề, có thể sự nuông chiều của cha mẹ đã tạo ra những đứa con bất hiếu, chỉ biết đón nhận, hưởng thụ mà không biết cống hiến. Những đòi hỏi, ích kỷ bản thân khiến cho đối tượng cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại và sẵn sàng ra tay với bất kỳ ai, kể cả người đó là cha mình.
Để giảm thiểu những vụ án đau lòng như thế này, để giảm thiểu những vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người thì phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó giải pháp về lâu dài, căn cơ đó là giải pháp về giáo dục, cần phải đề cao giáo dục đạo đức, giáo dục ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác. Khi con người được giáo dục đầy đủ về đạo đức, có đạo đức, biết tôn trọng người khác, biết kiềm chế cảm xúc bản thân, biết hy sinh, biết đóng góp cho xã hội và giảm bớt cái tôi ích kỷ của mình thì những vụ việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác sẽ giảm đi, đạo đức xã hội được tăng cường và tội phạm sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Trong đạo đức con người thì cái hiếu là cái gốc. Khi người ta bất hiếu thì không chuyện gì người ta không dám làm. Bởi vậy, giáo dục đạo đức làm người trước tiên phải giáo dục chữ hiếu, phải biết kính hiếu cha mẹ. Sau đó là giáo dục đến Ý thức tôn trọng và lòng biết ơn. Cần phải biết tôn trọng người khác tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác, biết ý thức về bản thân mình, biết kiềm chế cảm xúc và tuân thủ các nguyên tắc trong đời sống xã hội. Liên tục ba vụ án rúng động dư luận xảy ra là vụ giết con của người tình ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và vụ án này cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng trong một bộ phận người dân. Chỉ vì ghen tuông, ích kỷ cá nhân, để thỏa mãn cái tôi cá nhân và các đối tượng sẵn sàng ra tay sát hại người khác, bất kể người đó là trẻ em, là con hay là cha của mình. Ba đối tượng thực hiện hành vi tội ác ở ba địa phương khác nhau, với những nạn nhân khác nhau nhưng đều có điểm chung là đã thực hiện hành vi tàn ác đối với người mà đáng ra mình phải yêu thương. Hành vi của các đối tượng này đều thể hiện sự suy thoái về đạo đức, tính ích kỷ và sự tàn nhẫn của con người đã ở mức độ đỉnh điểm do giáo dục đạo đức thất bại, tâm hồn khuyết tật gây ra.
Hé lộ nguyên nhân con gái giết cha ruột của minh