Vụ cô gái bị đuổi khỏi chung cư vì nuôi 19 con chó: Ban quản lý tòa nhà nói gì?
Theo đại diện Ban quản lý (BQL) chung cư R.P, cô gái nuôi 19 con chó đã vi phạm quy định chung, không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho cư dân khác.
BQL làm việc đúng quy trình
Ngày 5/4, chia sẻ với PV VietNamNet qua điện thoại, đại diện BQL chung cư R.P (phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) xác nhận, BQL đã cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh, văn bản liên quan vụ cô gái nuôi 19 con chó bị đuổi khỏi chung cư cho cơ quan chức năng xử lý.
Đại diện BQL khẳng định làm đúng quy trình, nghĩa vụ và trách nhiệm của BQL chung cư. Hiện tại, mạng xã hội lan truyền, phát tán nhiều video, hình ảnh đa chiều liên quan vụ việc. Thông qua đó, mọi người đã có những đánh giá, nhận định đúng sai của các bên.
“Đa số các chung cư đều không cho phép cư dân nuôi chó với số lượng lớn đến như vậy. Chung cư bao gồm nhiều căn hộ liền kề, giáp nhau mà mình nuôi 19 con chó thì ảnh hưởng rất nhiều.
Chúng tôi không cấm, cũng không khuyến khích nuôi thú cưng. Tuy nhiên, mỗi căn hộ được hỗ trợ nuôi 2 con và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn cho cư dân xung quanh”, đại diện BQL chung cư thông tin.
Theo quy định của chung cư, nếu có thú cưng thì cư dân mới đến sống phải làm cam kết và đăng ký thông tin vật nuôi.
Người nuôi phải cung cấp sổ chích ngừa của thú cưng, cam kết tuân thủ các quy định chung về sở hữu vật nuôi. Cụ thể, người nuôi không được thả rông thú cưng ở các khu vực sinh hoạt chung.
Khi di chuyển thú cưng, người chủ phải đảm bảo vật nuôi đi bằng thang máy chuyển hàng và rọ mõm, có dây xích cổ. Đối với thú cưng nhỏ, chủ phải bế trên tay hoặc cho vào túi. Chung cư có lối đi riêng dành cho thú cưng và người nuôi.
Đại diện BQL chung cư R.P chia sẻ: “Chị N.P (35 tuổi), người nuôi 19 con chó đã lén lút đưa vật nuôi vào chung cư mà không thông báo. Có lẽ, chị ấy đã bỏ thú cưng vào túi, che lại nên bảo vệ chung cư không nhìn thấy.
Khi mới vào chung cư, chị P. cũng không đăng ký có kèm vật nuôi. Sau đó, cư dân sống xung quanh căn hộ của chị P. nhiều lần phản ánh nghe tiếng chó sủa ồn ào và có mùi hôi khó chịu. Chúng tôi đã mời chị P. xuống làm việc, yêu cầu di dời đàn chó”.
Từ đầu tháng 1/2024, BQL chung cư đã có buổi làm việc đầu tiên với chủ nhân của 19 con chó. Thời điểm đó, chị P. cam kết kiểm soát tiếng ồn của đàn chó. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện, các hộ dân khác bức xúc, yêu cầu BQL giải quyết dứt điểm.
Sau nhiều lần làm việc, BQL buộc phải thông báo vụ việc cho chủ căn hộ mà chị P. đang thuê. Phía chủ căn hộ quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà với chị P. Dù vậy, chị P. vẫn không dọn khỏi căn hộ, dẫn đến vụ việc như các video lan truyền trên mạng xã hội.
Trao đổi cùng PV VietNamNet chiều 4/4, chị P. cho biết: “Tôi đang rất bức xúc. Tôi không làm gì sai. Nuôi chó là phạm pháp hay sao?”.
Chị xác nhận, chủ nhà đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê với lý do chị nuôi chó gây ồn ào. Hiện tại, chị sống tạm ở nhà người quen và nhờ một cơ sở chăm sóc thú cưng nuôi giúp 19 con chó.
Nên cấm nuôi chó mèo ở chung cư
Bên dưới bài viết Cô gái bị đuổi khỏi chung cư vì nuôi 19 con chó: “Tôi không làm gì sai” của VietNamNet, bạn đọc đã để lại bình luận bức xúc và đề xuất một số giải pháp liên quan vụ việc.
Bạn đọc H.H nhắn gửi đến chị P. như sau: “Chị nuôi 19 con chó trong căn hộ là quá sai, không đảm bảo mức tiếng ồn cho phép, tiếng ồn sau 22h, gây ô nhiễm mùi hôi của lông chó, chất thải… Với từng đó ảnh hưởng, chị nghĩ đã đủ vi phạm pháp luật chưa? Đó là còn chưa kể đến những quy định khác như: tiêm phòng, rọ mõm, chất thải, lông rụng bay vào nhà khác… Chị đã sai còn cãi, đã làm ảnh hưởng hàng xóm còn đổ lỗi cho BQL và chủ nhà”.
Bạn đọc H.N chia sẻ, hàng xóm nhà chị có một con chó bé xíu nhưng nó sủa suốt ngày ở ban công. Tiếng chó sủa khiến chị phát điên. Vì vậy, việc chị N.P. nuôi 19 con chó trong một căn hộ làm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng.
“Chị sống ở chung cư, nuôi tận 19 con chó mà chị bảo mình không sai? Chị có quản được mùi hôi không? Chị có quản được tiếng ồn không? Không hiểu chị bức xúc điều gì luôn?
Trong khi chung cư quy định nuôi không quá 2 con, chị vi phạm nội quy nên chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng là đúng rồi.
Mấy con chó của chị xinh xắn, đáng yêu thật nhưng đừng quá yêu chó mèo mà ảnh hưởng đến mọi người”, anh Đ.G bình luận.
Trước rắc rối của vụ việc, nhiều bạn đọc cho rằng, các chung cư cần đưa điều khoản cấm nuôi chó, mèo vào quy định chung. Bởi vì, chung cư có rất đông người sinh sống, không gian khép kín, rất dễ lây bệnh.
Anh Nguyễn Đình Hiệp đề nghị: “Pháp luật cần có quy định cụ thể về việc quản lý nuôi nhốt thú cưng. Đối với nuôi chó mèo, chủ vật nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường (tiếng ồn, mùi hôi) và an toàn cho người khác.
Người nuôi cảm thấy bình thường nhưng cộng đồng lại cảm thấy phiền, mệt mỏi khi nghe tiếng chó sủa, mèo kêu, nhất là vào ban đêm”.
Đa số bạn đọc mong muốn cơ quan chức năng áp dụng cách quản lý vật nuôi của các nước trên thế giới. Đã đến lúc, người nuôi thú cưng phải có trách nhiệm đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng.