Vụ cư dân Rạch Chiếc tố bị lùa vào trạm thu phí: Thanh tra sở Giao thông TPHCM vào cuộc
Đường dân sinh dưới dạ cầu Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức, TPHCM) ngang nhiên bị một doanh nghiệp chặn lại để ép các phương tiện giao thông phải đi qua trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội.
Ngày 4/7, ông Lê Văn Thường- Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TPHCM đã cùng tổ công tác làm việc với các cư dân khu Rạch Chiếc (phường Phước Long A- TP Thủ Đức- TPHCM) về việc đường dân sinh dưới dạ cầu Rạch Chiếc ngang nhiên bị một doanh nghiệp chặn lại để ép các phương tiện giao thông phải đi qua trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội.
Theo những người dân tại khu Rạch Chiếc, đường dân sinh hiện hữu dưới dạ cầu Rạch Chiếc đã được xây dựng cách đây hơn 10 năm và là đường chính để người dân khu vực Rạch Chiếc đi vào trung tâm thành phố. Đoạn đường này tuy ngắn chỉ vài trăm mét nhưng rất thuận tiện bởi trước đó, khi chưa có đoạn đường này, muốn vào trung tâm thành phố các phương tiện giao thông phải đi thêm gần 2 km vòng qua Ngã tư MK, vốn thường xuyên kẹt xe.
Tuy nhiên sau khi trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội được đưa vào sử dụng, tháng 4/2021, đoạn đường dưới dạ cầu Rạch Chiếc bị chặn lại nhằm ép các phương tiện giao thông từ khu Rạch Chiếc phải qua trạm thu phí khi vào trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Vận, một cư dân sống trong khu Rạch Chiếc cho biết, ban đầu doanh nghiệp chỉ dùng đất đá để lấp đường, sau này khi thấy nhiều xe vẫn đi qua được họ đã dùng những tảng bê tông lớn để chặn hẳn lại. Nhiều người dân đi xe máy đã bị té ngã, nhiều xe ô tô hư gầm khi đi qua chỗ chặn này. "Tôi nghĩ họ chặn đường này chỉ mục đích ép phương tiện giao thông đi qua trạm thu phí để thu tiền”, ông Vận nói.
Trong thời gian vừa qua, đã nhiều lần người dân khu Rạch Chiếc đã có đơn gửi các cấp chính quyền, cho rằng việc tự ý chặn lối đi của người dân dưới dạ cầu Rạch Chiếc để ép các phương tiện đi qua trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội là hoàn toàn trái phép bởi trạm thu phí này được xây dựng để hoàn vốn cho đoạn đường xa lộ Hà Nội từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (cách cầu Rạch Chiếc khoảng 10km), các phương tiện giao thông của cư dân Rạch Chiếc đi vào trung tâm thành phố không sử dụng đoạn đường trên nên không có nghĩa vụ phải nộp phí.
Ngoài ra việc tự ý chặn đường dân sinh hiện hữu để ép các phương tiện phải qua trạm thu phí cũng gây thêm ách tắc, cản trở giao thông của nhiều phương tiện khác khi di chuyển vào trung tâm thành phố.
Ông Võ Quốc Bình, đại diện cho cư dân Rạch Chiếc đã yêu cầu chính quyền làm rõ một số vấn đề. Cụ thể là dạ cầu Rạch Chiếc thuộc đường dân sinh hiện hữu của người dân khu vực này nhưng đơn vị nào ngang nhiên phá đường, chặn đường, không cho dân đi. Đồng thời lấp tất cả các đường hiện hữu vào đường dạ cầu, ép buộc dân muốn đi vào hướng Cầu Sài Gòn phải vòng qua trạm thu phí BOT trả phí, dù dân không sử dụng; Đơn vị chức năng cần rà soát lại các biển báo đường 1 chiều hai bên dạ cầu là của đơn vị nào cắm có đúng quy hoạch, có ai quyết định phù hợp pháp luật hay không?
Đại diện những người dân của khu Rạch Chiếc nêu 4 kiến nghị bao gồm: Trả lại đường cho dân sử dụng theo đúng nhu cầu thực tế và chức năng đường dân sinh; Điều chỉnh các biển báo phù hợp quy định pháp luật về quy hoạch giao thông và an toàn giao thông; Xử lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân tự ý chặn đường, phá đường, cướp đường, cắm biển báo sai quy định, ngang nhiên xâm phạm lợi ích hợp pháp của người dân; Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra khởi tố hình sự vụ án theo quy định của pháp luật.
Được biết tại buổi làm việc, tổ Thanh tra giao thông đã lập biên bản ghi nhận những kiến nghị của người dân và hứa sẽ sớm giải quyết.