Vụ ĐH Y Dược Hải Phòng: SV phản ánh có cơ sở nhưng Sở Y tế không đề xuất xử lý
Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ ra phản ánh của sinh viên về khoản 'kinh phí đào tạo' của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng là có cơ sở, song Sở này không đề xuất xử lý.
Ngày 19/2, thông tin từ Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Y tế đã có báo cáo kết quả kiểm tra việc phản ánh của sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng phải nộp khoản “kinh phí đào tạo” 21 triệu đồng/năm.
Báo cáo do ông Lê Minh Quang – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng ký thể hiện, “sinh viên phản ánh phải nộp thêm 21 triệu đồng sau giảm học phí” là có cơ sở.
“Tuy nhiên do việc thay đổi mức học phí, kinh phí đào tạo của nhà trường theo Nghị quyết 165 ngày 20/12/2022 của Chính phủ dẫn đến một số cá nhân chưa hiểu đầy đủ về việc thu học phí, kinh phí đào tạo năm 2022-2023”, báo cáo của Sở Y tế nêu.
Điều đáng nói là, báo cáo của Sở Y tế gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng không có kiến nghị, đề xuất xử lý sau khi Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có dấu hiệu “lạm thu”.
Trước đó, phản ánh tới các cơ quan báo chí, một số sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, khi các em nhập học, đại diện nhà trường thông báo thu học phí 2,45 triệu đồng/tháng (24,5 triệu đồng/năm) và không có bất cứ khoản nào khác.
Một số ngành đào tạo khác có mức học phí từ 1,85-2,775 triệu đồng/tháng. Học phí này được nhà trường ban hành theo Quyết định số 1089 ngày 7/7/2022.
Ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 về học phí đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập năm học 2022-2023 để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, gia đình có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức học phí năm 2022-2023 bằng mức thu học phí năm 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm 2021-2022 đã quy định tại Nghị định này.
Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 165 cuối năm 2022 nhưng đến tháng 2/2023, thầy Nguyễn Văn Khải – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng mới ký quyết định giảm học phí.
Nói là giảm học phí nhưng thực tế nhà trường thu học phí 14,3 triệu đồng/10 tháng kèm “kinh phí đào tạo” 21 triệu đồng/10 tháng đối với hệ đào tạo chính quy, chính quy tập trung ngành y, điều dưỡng và 23 triệu đồng/10 tháng đối với ngành dược.
Việc giảm học phí từ 24,5 triệu đồng xuống 14,3 triệu đồng theo Nghị định 165 của Chính phủ nhưng nhà trường lại tận thu thêm 21 triệu đồng/sinh viên/năm khiến nhiều sinh viên rất bức xúc.
Sau phản ánh, các cơ quan báo chí vào cuộc, ngày 8/2/2023, nhà trường đã hủy thu khoản kinh phí đào tạo.
Như vậy, nếu sinh viên không có kiến nghị, báo chí không thông tin, phản ánh thì mỗi sinh viên nộp oan hàng chục triệu đồng.
Tại cuộc làm việc với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, khoản “kinh phí đào tạo” không phải chỉ năm học 2022-2023 mới thu mà nhà trường thực hiện thu từ nhiều năm trước đây.
Tuy nhiên, phóng viên đặt câu hỏi về căn cứ để nhà trường thu khoản “kinh phí đào tạo” và khoản này gồm những khoản gì, đại diện nhà trường từ chối lý giải.
Chính vì điều này, các sinh viên (đặc biệt là sinh viên hệ liên thông ngành Y Khoa) và dư luận đặt nghi vấn về dấu hiệu “lạm thu” của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng nhiều năm qua, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
“Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế, các ngành chức năng thành phố Hải Phòng cần thanh tra, kiểm tra, làm rõ khoản thu “kinh phí đào tạo” gồm những khoản gì và thu nhằm mục đích gì?
Trong quá thanh tra, nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm và hoàn trả lại số tiền sinh viên đã đóng những năm trước đó”, sinh viên H.S nói.