Vũ điệu của vàng – cần một cách tiếp cận khác?

Chính sách tích trữ vàng dường như an toàn hơn xét theo dài hạn, đó cũng là lý do mà ngày càng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bằng cách liên tục mua vàng trong những năm qua. Đến các tổ chức còn như vậy, người dân ưa thích tích trữ vàng cũng là điều dễ hiểu.

Giá vàng miếng trong nước đã có những màn nhảy múa sôi động, khi lao dốc nhanh rồi bật mạnh và sau đó lại tiếp tục chìm sâu. Ảnh: LÊ VŨ

Giá vàng miếng trong nước đã có những màn nhảy múa sôi động, khi lao dốc nhanh rồi bật mạnh và sau đó lại tiếp tục chìm sâu. Ảnh: LÊ VŨ

Vũ điệu của vàng

Chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi lên cao kỷ lục đến 20 triệu đồng/lượng trong những ngày cuối năm 2023, khiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã sẵn sàng giải pháp can thiệp bình ổn thị trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường.

Trước những thông tin này, giá vàng miếng trong nước đã có những màn nhảy múa sôi động, khi lao dốc nhanh rồi bật mạnh và sau đó lại tiếp tục chìm sâu. Tính đến đầu tuần này (1-1-2024), giá vàng miếng SJC mua vào chỉ còn quanh 70 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi cũng thu hẹp chỉ còn quanh 12 triệu đồng/lượng.

Kể từ khi Nghị định 24 với chủ trương “chống vàng hóa” nền kinh tế được ban hành vào năm 2012, nguồn cung vàng trong nước ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng, khi NHNN nắm quyền sản xuất vàng miếng và chỉ chấp nhận mỗi thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC. Ngoài ra, trước lo ngại nguồn dự trữ ngoại tệ bị hao hụt, NHNN trong những năm qua đã không sản xuất thêm vàng miếng và cũng không nhập vàng nguyên liệu, trong khi nguồn cung vàng từ hoạt động khai thác trong nước vẫn hạn chế.

Ở phía cầu, là một quốc gia châu Á có truyền thống ưa thích tích trữ vàng, sử dụng vàng như một món quà tặng phổ biến trong các sự kiện quan trọng, nhu cầu sở hữu vàng của người dân Việt Nam luôn duy trì xu hướng đi lên qua các năm.

Đáng lưu ý, một lượng vàng trong nước đã bị tuồn ra nước ngoài dưới hình thức vàng nữ trang ở những thời điểm giá trong nước thấp hơn giá thế giới, khiến cung cầu vàng ngày càng mất cân đối trầm trọng.

Bên cạnh đó, với nguồn cung chủ yếu tập trung vào một số “tay chơi” lớn trên thị trường, lượng sở hữu của các cá nhân nhỏ lẻ thường mang tính chất nắm giữ lâu dài bất chấp biến động giá, nên thị trường vàng miếng SJC trong nước dễ dàng bị thao túng chỉ bằng một lực cầu nhỏ tại bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là trong những giai đoạn thị trường vàng thế giới tăng vọt kéo theo hiệu ứng FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ cơ hội). Hệ quả là những nhà đầu tư vào thị trường vàng theo kiểu lướt sóng nhanh dễ bị nếm “trái đắng” và bất đắc dĩ trở thành những nhà đầu tư dài hạn.

Dù vậy, thực tế cũng cho thấy nếu kiên nhẫn nắm giữ, các nhà đầu tư này rồi cũng lấy lại được những gì đã mất, tuy chi phí cơ hội bị mất không hề nhỏ. Như những người từng mua vàng miếng SJC ở đỉnh cao 46 triệu đồng/lượng cách đây 12 năm và giờ nếu vẫn còn nắm giữ, có thể sẽ tiếp tục nuôi thêm hy vọng và ngày càng trung thành hơn với kim loại quý này.

Cần một cách tiếp cận khác?

Điều này cũng đồng nghĩa với cung cầu vàng sẽ chỉ ngày càng mất cân đối nhiều hơn, gây áp lực lên giá cả và kéo chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới theo xu hướng rộng dần. Trước tình hình này, không loại trừ khả năng thời gian tới hoạt động nhập khẩu vàng có thể được nối trở lại, như là giải pháp linh hoạt giúp bình ổn thị trường.

Thật ra, có lẽ đã đến lúc cần một cách tiếp cận khác đối với thị trường này. Việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, tăng lượng cung vàng miếng ra thị trường vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vừa giúp giá vàng trong nước và thế giới liên thông tốt hơn, hạn chế những tác động tiềm tàng có thể gây bất ổn lên vĩ mô, mà tỷ giá là một trong số những khu vực bị tác động đáng kể bởi biến động giá vàng.

Theo nguyên lý, tiền tốt sẽ đẩy lùi tiền xấu. Và tiền xấu được hiểu là những đồng tiền bị mất giá trị nhanh vì lạm phát cao. Tuy nhiên, những năm qua Việt Nam đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định được giá trị đồng nội tệ, vì vậy sẽ không cần quá lo ngại như những năm trước khi lạm phát phi mã và đẩy tỷ giá tăng vọt. Do đó, chỉ cần kiểm soát ổn định giá trị tiền đồng, nhà điều hành không cần phải quá lo ngại về hiện tượng “vàng hóa” trong nền kinh tế như giai đoạn trước.

Cũng cần lưu ý rằng để giữ giá trị sức mua cho tài sản, nếu không thể nắm vàng vì lo ngại rủi ro chênh lệch giá quá cao đến từ việc hạn chế nhập vàng, người dân có thể lựa chọn tích trữ các ngoại tệ khác, đặc biệt là đô la Mỹ. Tuy nhiên, với các đồng tiền pháp định dù là ngoại tệ mạnh như đô la Mỹ, Mỹ muốn in thêm bao nhiêu mà không được, theo đó nguồn cung đô la Mỹ tất yếu ngày càng tăng từ các chính sách nới lỏng, tài trợ cho các gói kích thích, hỗ trợ của nền kinh tế số 1 thế giới.

Vì vậy, tích trữ vàng dường như an toàn hơn xét theo dài hạn, đó cũng là lý do mà ngày càng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bằng cách liên tục mua vàng trong những năm qua. Đến các tổ chức còn như vậy, người dân ưa thích tích trữ vàng cũng là điều dễ hiểu. Khi lượng vàng do người dân tích trữ tăng dần, nguồn lực tài chính của quốc gia theo đó cũng được cải thiện.

Phong trào “Góp vàng” của người dân Hàn Quốc giúp chính phủ nước này trả nợ nước ngoài do hậu quả để lại từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997, đã giúp nước này qua cơn nguy kịch, sớm trả hết nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để thoát khỏi các liều thuốc “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt của IMF, rồi sau đó vươn lên mạnh mẽ. Đó là minh chứng cho thấy tiềm lực tài chính của quốc gia có sự gắn kết và phụ thuộc vào tài sản tích trữ của người dân tại đất nước đó như thế nào.

Dĩ nhiên, vàng cũng chỉ là một tài sản tích trữ ưa thích của một bộ phận, khi hiện nay đã có nhiều kênh đầu tư thu hút khác, từ chứng khoán, bất động sản, cho đến các dự án khởi nghiệp sôi động. Do đó, vàng chỉ đứng ở vai trò tích lũy, lưu trữ giá trị tài sản là chủ yếu, nên dù giá tăng hay giảm những người theo khuynh hướng giữ vàng cũng vẫn mua đều đặn. Ít ai chọn vàng miếng như là kênh đầu tư chính, vì những người muốn đầu tư vào vàng sẽ tìm cách đầu tư qua vàng tài khoản với đòn bẫy cao và các lệnh mua bán dễ dàng hơn.

Do đó, giải pháp tốt nhất kiểm soát thị trường vàng miếng là ngoài cho phép nhập khẩu vàng để cân bằng cung cầu, triệt tiêu tâm lý lướt sóng, cần có thêm các chính sách kiểm soát lực lượng đầu cơ trên thị trường này, mà ở đây thường là các đại lý kinh doanh vàng.

Một trong những giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu gần đây là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Phía NHNN mới đây cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vàng nghiêm túc báo cáo giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên, nhằm nhận diện mức độ rủi ro về rửa tiền.

Về việc hao hụt ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu vàng, những năm về trước đây là điều đáng lo ngại, nhưng những năm gần đây nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam đã gia tăng rất mạnh, do đó có lẽ không cần phải quá dè chừng. Thực tế là dù không nhập chính ngạch, nhưng mỗi khi giá vàng trong nước tăng vọt và chênh cao so với giá thế giới, vẫn kích thích một lực lượng gom ngoại tệ trên thị trường để nhập lậu vàng nhằm ăn chênh lệch giá.

Thụy Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vu-dieu-cua-vang-can-mot-cach-tiep-can-khac/