Vũ điệu gốm Chăm
Ninh Thuận có làng Bàu Trúc nổi tiếng một dòng gốm Chăm đặc sắc. Mỗi khâu, mỗi nét trong nghề gốm ở đây đều đặc sắc: nguồn gốc lâu đời, nguyên liệu đất và cách pha chế, cách nung và tạo màu men, tính độc bản của từng sản phẩm… Nhưng độc đáo hơn cả là cách những người phụ nữ ở đây tạo ra gốm - họ 'đánh vòng'.
Lâu đời và nhiều nét độc đáo
Theo hướng Bắc - Nam trên đường thiên lý, qua Phan Rang chừng mươi km về phía Nam là đến làng Bàu Trúc. Làng nằm gần bên quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.
Người Chăm ở làng Bàu Trúc nhận mình là con cháu của Po Klong Chang, một quan cận thần của vua Chăm Po Klong Garai (1151-1205) - vị hoàng đế đã để lại khu đền tháp mang tên ông, di sản kỳ vĩ ở Phan Rang. Họ kể rằng: Po Klong Chang là người đã đưa dân chuyển từ vùng đồi núi đến cánh đồng “Hamu Trok” để sinh sống và dạy cho người Chăm lấy đất sét bên bờ các sông, suối tại đây để làm ra gốm. Vợ chồng ông Po Klong Chang còn dạy cho dân làng cách trồng trọt, đánh bắt và buôn bán. Sau khi về sinh sống tại vùng đất mới, người Chăm tại vùng này ngày càng phát triển nghề làm gốm. Đến nay người Chăm ở Bàu Trúc vẫn làm lễ lớn để tưởng nhớ Po Klong Chang là vị tổ của dân làng và của nghề.
Năm 1832 (thời vua Minh Mạng) tên gọi “Paley Hamu Trok” được đổi thành Vĩnh Thuận. Trận lụt lớn năm 1964 cuốn trôi nhiều nhà cửa, trâu bò của người Chăm ở làng cũ. Họ lại dời làng về khu đất cao hơn. Ở đây có nhiều cây trúc cạnh một cái ao lớn nên đồng bào gọi luôn tên làng là Bàu Trúc (trong tiếng Chăm, “bàu” có nghĩa là ao, hồ). Tên gọi đó “định vị” trong trí nhớ và trong cả các văn bản cho đến hôm nay.
Du khách đã đến (và cả chưa đến) Ninh Thuận đều muốn đến thăm Bàu Trúc vì đây là làng nghề gốm truyền thống đã tồn tại và phát triển hơn 7 thế kỷ, được xếp trong số những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á, lưu giữ nhiều nét đặc sắc trong nghệ thuật làm gốm, nhiều hình bóng của văn hóa Chămpa xưa. Khác những loại gốm ở nhiều làng khác, gốm Bàu Trúc không tráng men, không kén nguyên liệu cao lanh, cũng không có lò nung hiện đại dùng than hay dùng gas. Gọi là gốm cho sang trọng cũng được, gọi là đất nung thắp lửa như cách nói của các nhà chuyên môn cũng chẳng sao.
Nguyên liệu làm gốm ở Bàu Trúc là đất sét được lấy từ bờ sông Quao, sau đó đem về đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được sử dụng để trộn với đất sét được nghệ nhân ước định tùy thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Sau khâu tạo hình hoàn tất là bắt đầu “công đoạn” trang trí hoa văn. Đa phần, gốm Bàu Trúc được trang trí hoa văn thể hiện sông nước, chấm vỏ sò, thực vật hay những hình ảnh về tự nhiên, đất trời. Có thể dập hoa văn trang trí lên thân gốm, cũng có thể để trơn, hong khô trước khi đem nung đốt ở trong vườn, ở ngoài đồng rìa làng.
Sản phẩm gốm của Bàu Trúc được tạo nên từ cốt đất nguyên sơ của quê hương rồi đem đốt cũng bằng rơm bằng trấu của chính mảnh đất này. Gốm Bàu Trúc khác biệt với các dòng gốm khác là không nung trong lò mà nung lộ thiên. Sau thời gian nung khoảng 6 tiếng, gốm được lấy ra để phun màu lên sản phẩm khi còn chưa nguội rồi được tiếp tục nung lại trong khoảng 2 giờ nữa. Loại màu men này có nguồn gốc thực vật, được chiết ra từ trái dông, trái thị và một số loại lá rừng. Gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, có nhiều vệt nâu đẹp mắt. Mỗi sản phẩm gốm đều lung linh vẻ đẹp văn hóa Chămpa xưa. Đặc biệt hơn, mỗi sản phẩm khi ra lò đều có màu riêng không trùng lẫn với nhau dù nung chung một ngọn lửa. Đây cũng chính là một trong những điều làm cho dòng gốm này đặc sắc.
“Đánh vòng” tạo dáng gốm
Kỹ thuật nung, cách tạo màu men đã rất độc đáo nhưng điều đặc biệt nhất của gốm Bàu Trúc lại là khâu tạo hình. Các sản phẩm gốm của người Chăm ở đây hoàn toàn không dùng bàn xoay như bất cứ dòng gốm nào khác. Họ “đánh vòng” để làm gốm.
Du khách đến Bàu Trúc đều ngạc nhiên vì đi khắp cả làng mà không thấy nhà nào có bàn xoay, một công cụ gần như đặc trưng của các làng nghề gốm. Cô gái Chăm chỉ cần đất được nhồi kỹ và một mặt phẳng là đủ các điều kiện để chế tác sản phẩm. Họ uyển chuyển đi vòng tròn quanh khối đất. Đất thì nằm yên còn họ thì khoan thai, đều đặn di chuyển vòng quanh và thao tác từ tốn bằng đôi tay. Để tạo ra một chiếc bình, cô gái Chăm chầm chậm đi quanh khối đất nguyên liệu. Đôi bàn tay cô ve vuốt nhẹ nhàng. Chỉ sau vài vòng đi của cô, dáng hình của chiếc bình đã dần dần hiện ra. Du khách ngẩn ngơ bởi vũ điệu khoan thai, thô phác mà dịu dàng. Chẳng cần lời ca, chẳng cần đèn, cần nhạc, bao đời nay, hàng ngày những cô gái ở làng gốm Chăm vẫn múa. Họ trình diễn một cách hồn nhiên vũ điệu của lao động, của cuộc sống bình dị. Vừa đi quanh vừa nặn gốm, vài sợi tóc xõa vương trên khuôn mặt đang cúi chăm chú, khuôn ngực trẻ căng tròn thấp thoáng qua những vòng xoay, eo hông uyển chuyển trên mỗi bước đi… Ngôn ngữ hình dáng cơ thể của người con gái như giao hòa, đồng điệu với dáng dấp chiếc bình mà cô sắp tạo ra.
Mọi người ở đây đều nôm na gọi cách đi quanh để làm gốm là “đánh vòng”. Cách “đánh vòng” của phụ nữ Chăm làm gốm thật giản dị, năng suất lao động có vẻ không cao như làm gốm bằng bàn xoay nhưng trên từng sản phẩm của họ, dấu vết lao động còn in hằn rõ nét. Màu của gốm cũng chất phác, giản dị như màu đất quê hương. Những chiếc vò, chiếc lu của người Bàu Trúc được làm nên bởi kỹ thuật “đánh vòng” đã phục vụ cho đời sống đồng bào Chăm bao đời. Chẳng biết do đâu mà nước đựng trong những chiếc lu giữa vùng đất ít mưa, nhiều nắng, nhiều gió mà lúc nào cũng mát như để trong tủ lạnh.
Truyền tải giá trị văn hóa và giúp bà con làm giàu
Nghề làm gốm gắn liền với phụ nữ Chăm từ lúc nhỏ. Phụ nữ được “phân công” tạo hình các sản phẩm gốm trong khi đàn ông làm những công việc khác nặng nhọc hơn. Có lẽ trời đã phú cho những người con gái Chăm cái năng khiếu cảm nhận đặc biệt qua đôi bàn tay về sự đều đặn, về sự tròn trịa để đôi tay của họ có thể thay được cả chiếc bàn xoay trên mỗi bước vừa đi quanh vừa nặn gốm. Nhịp điệu của chuyển động, độ nông sâu, nặng nhẹ của từng nét vuốt ve… chỉ có những cô gái Chăm mới có thể hiểu được. Không dùng bàn xoay nhưng những sản phẩm ở đây vẫn đạt độ tròn gần như tuyệt đối. Cái khả năng cảm nhận tinh tế đó từ bàn tay mẹ truyền qua bàn tay con gái, đời nối đời, chưa bao giờ dứt. Kinh nghiệm truyền qua nhiều đời đã hòa vào dòng máu của từng người con gái Bàu Trúc.
Những chiếc lu, chiếc vò và vũ điệu “đánh vòng” giản dị đã làm nên nét bản sắc văn hóa của một vùng dân tộc. Những sản phẩm gốm Bàu Trúc từ lâu đã thân thuộc với các gia đình đồng bào Chăm và cả đồng bào Kinh không chỉ ở Ninh Thuận mà còn tới nhiều vùng quê khác. Nay chị em làm gồm ở Bàu Trúc còn biết “đánh vòng” để làm thêm nhiều sản phẩm khác - những sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ du lịch, thương mại và cả xuất khẩu. Nghệ nhân Đàng Thị Phan còn được mời đi trình diễn cách làm gốm ở nhiều nơi trên thế giới. Bây giờ những sản phẩm gốm mỹ nghệ ở Bàu Trúc đã là một nguồn thu đáng kể. Mỗi sản phẩm đều có giá bán nhất định nhưng trước hết và cao hơn là những giá trị văn hóa ẩn chứa ở trong đó.
Nghệ thuật chế tác gốm truyền thống của người Chăm ở làng Bàu Trúc đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng bào Chăm rất tự hào về điều này. Làng gốm Bàu Trúc đã trở thành điểm nhấn du lịch của Ninh Thuận, tạo nên nguồn thu không nhỏ cho địa phương và giúp bà con làm giàu từ nghề gốm. Mỗi du khách đến đây đều chọn cho mình một vài sản phẩm làm đồ lưu niệm. Họ muốn mang về, chiêm ngưỡng và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của một làng, của một nghề và của những con người bình dị nơi đây. Và còn nhiều người mang theo cả nỗi nhớ cô gái Chăm “đánh vòng” làm nên gốm…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/vu-dieu-gom-cham-tintuc455951