Vụ doanh nghiệp khó gia hạn thuê đất vì bị 'ngâm' sổ đỏ: Agribank Khánh Hòa vẫn kiên quyết giữ bản gốc GCN đã hết hạn
Vụ việc diễn ra ở Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh (Cam Ranh Seafoods). Cam Ranh Seafoods được UBND tỉnh Khánh Hòa cho thuê 20.715,9m2 đất trong 20 năm (trả tiền thuê đất hàng năm) để thực hiện dự án Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đông lạnh Cam Ranh tại xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, hết hạn thuê đất vào tháng 2-2022.
Như SGGP đã từng phản ánh, Cam Ranh Seafoods đã tiến hành các thủ tục gia hạn thuê đất nhưng không được Sở TN-MT Khánh Hòa giải quyết vì thiếu bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCN). Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) đã giữ bản gốc GCN khi Cam Ranh Seafoods thế chấp tài sản trên đất để vay vốn (không thế chấp GCN). Hiện nay, Cục Thi hành án dân sự (THADS) Khánh Hòa đang thi hành án theo phán quyết của tòa án về việc vay vốn giữa Công ty Cam Ranh Seafoods và Agribank Khánh Hòa.
Theo đó, Cam Ranh Seafoods nhiều lần đề nghị Agribank Khánh Hòa mượn bản gốc GCN để tiến hành các thủ tục gia hạn thuê đất nhưng bị Agribank Khánh Hòa từ chối.
Ông Võ Ngọc Hiệp, Tổng Giám đốc Cam Ranh Seafoods, cho biết: “Bản gốc GCN của công ty do Agribank Khánh Hòa giữ nên công ty nhiều lần đề nghị ngân hàng cho mượn lại để làm hồ sơ gia hạn thuê đất. Đồng thời cam kết, khi hoàn thành thủ tục sẽ nộp lại bản đã được gia hạn cho ngân hàng hoặc vào thời điểm công ty làm thủ tục tại bộ phận một cửa Sở TN-MT, đại diện ngân hàng đem nộp bản chính cho bộ phận kể trên nhưng không được chấp thuận”.
Phóng viên Báo SGGP đã làm việc với ông Ngô Thanh Hùng, Phó Giám đốc Agribank Khánh Hòa về vụ việc trên. Tại buổi làm việc, phóng viên Báo SGGP đã đặt ra các câu hỏi: “Cơ sở pháp lý nào để ngân hàng giữ bản gốc GCN của Cam Ranh Seafoods? Hơn một năm qua, Agribank Khánh Hòa không hợp tác với Cam Ranh Seafoods trong việc đăng ký biến động và gia hạn thuê đất, nếu Sở TN-MT Khánh Hòa tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất, dẫn đến doanh nghiệp phá sản, giải thể, thì ngân hàng sẽ gánh chịu những rủi ro gì?...”.
Agribank Khánh Hòa có công văn trả lời Báo SGGP, nêu lý do không hợp tác với Cam Ranh Seafoods là dựa vào ý kiến của Sở TN-MT Khánh Hòa. Trong công văn này nêu: “Theo văn bản phúc đáp số 1178/VPĐKĐĐ-ĐKCGCN ngày 2-12-2021 của Sở TN-MT Khánh Hòa: “Tài sản đang trong quá trình thi hành án và có quyết định kê biên của cơ quan thi hành án dân sự phải tạm dừng hoặc dừng thực hiện các yêu cầu liên quan đến tài sản”. Chính vì những nội dung trên, Agribank Khánh Hòa đã bàn giao giấy tờ tài sản cho Cục THADS Khánh Hòa để đảm bảo công tác thi hành án theo quy định của pháp luật”.
Thế nhưng, liên quan đến vụ việc, Cục THADS Khánh Hòa đã nêu trong văn bản số 1551/CTHADS-NV ngày 24-8-2021 trả lời Agribank Khánh Hòa: “Cam Ranh Seafoods gia hạn quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm theo hình thức trước đó thì sẽ không gây trở ngại cho việc kê biên, xử lý tài sản thế chấp để thi hành án”.
Như vậy, Agribank Khánh Hòa không thể hợp tác với Cam Ranh Seafoods để gia hạn thuê đất vì căn cứ theo văn bản phúc đáp số 1178/VPĐKĐĐ-ĐKCGCN của Sở TN-MT Khánh Hòa. Còn Sở TN-MT Khánh Hòa thì không thể cho gia hạn thuê đất vì thiếu bản gốc GCN mà Agribank Khánh Hòa đang giữ. Bản gốc GCN này đã hết hạn và không phải là tài sản thế chấp để Cam Ranh Seafoods vay vốn. Trong khi đó, Cục THADS Khánh Hòa lại cho rằng, gia hạn quyền sử dụng đất thuê không gây trở ngại cho việc kê biên, xử lý tài sản thế chấp để thi hành án.
Qua vụ việc nêu trên, cơ quan nào ở Khánh Hòa sẽ giải quyết cho “Doanh nghiệp khó gia hạn thuê đất vì bị ngâm sổ đỏ” nhằm ổn định sản xuất liên quan trực tiếp đến hàng trăm người lao động? Được biết, Cam Ranh Seafoods đang sử dụng hơn 500 lao động, trong đó gần 300 là người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Báo SGGP sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.