Vụ đông 2019, các tỉnh phía bắc phấn đấu sản xuất đạt 400 nghìn ha

Ngày 12-9, tại TP Vinh (Nghệ An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2019 cho 28 tỉnh, thành phố phía bắc. Theo đó, các tỉnh phía bắc phấn đấu sản xuất đạt 400 nghìn ha, tăng 15 nghìn ha so vụ đông năm 2018, với tổng giá trị phấn đấu đạt 30 nghìn tỷ đồng (khoảng 75 triệu đồng/ha).

Đại diện T.Ư Hội Chữ thập đỏ trao quà hỗ trợ gia đình có người thân bị lũ cuốn tại xã Minh Hương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Đại diện T.Ư Hội Chữ thập đỏ trao quà hỗ trợ gia đình có người thân bị lũ cuốn tại xã Minh Hương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh tiếp tục triển khai chính sách phù hợp, hỗ trợ bà con sản xuất vụ đông hiệu quả, trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình với các giống cây trồng có khả năng thích ứng với thời tiết ngày càng cực đoan và phòng sâu bệnh hiệu quả; hỗ trợ các mô hình kinh tế hợp tác, HTX sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi, bảo đảm đầu ra bền vững; quan tâm đến công tác bảo vệ thực vật, nhất là sâu keo mùa thu phá hại trên cây ngô.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trên khu vực Hòa Bình đến Thanh Hóa có một ổ mây đối lưu phát triển gây mưa to ở nam Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Ðịnh. Lượng mưa đo được trong hai giờ tại Chi Nê (Lạc Thủy) là 49 mm, Thanh Hà (Lạc Thủy) 48,6 mm, Ðồng Giao (Ninh Bình) 43,4 mm, Liễu Ðề (Nam Ðịnh) 52 mm. Cảnh báo, khu vực nêu trên tiếp tục có mưa, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ cao xảy ra tại một số nơi thuộc phía nam tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và một số huyện phía tây nam của tỉnh Nam Ðịnh.

* Hiện nay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Dự báo, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Ðến ngày 15-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên 3,5 m (BÐ1); trên sông Hậu tại Châu Ðốc lên 3 m (BÐ1), sau đó xuống chậm. Ðến ngày 20-9, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,3 m; trên sông Hậu tại Châu Ðốc ở mức 2,7 m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao và sạt lở bờ sông tại các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp.

* Ðoàn công tác của Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang vừa trao 500 triệu đồng hỗ trợ đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở Hà Tĩnh.

* Sáng 12-9, đoàn công tác của MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đến thăm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang 100 triệu đồng khắc phục hậu quả mưa lũ. Theo đó, trao sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng cho gia đình có ba người bị chết do mưa lũ tại xã Minh Hương (Hàm Yên); tặng 50 suất quà trung thu cho các cháu Trường Mầm non xã Minh Hương (Hàm Yên).

* Trong hai ngày 11 và 12-9, đoàn công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang đã đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Yên Minh và hỗ trợ mỗi gia đình có nhà bị cuốn trôi năm triệu đồng. Hiện nay, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử hơn 100 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện tập trung giải quyết các vấn đề về nước sinh hoạt, dọn dẹp đất đá, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Ðặc biệt, ưu tiên các trường học, bệnh viện, giúp dân tại nơi ở tạm và có phương án làm nhà ở mới cho người dân.

* Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Tuyên Quang, đến chiều tối 11-9, đã tìm thấy thi thể cháu bé trong gia đình có ba người bị lũ cuốn trôi tại xã Minh Hương, huyện Hàm Yên. Ðược biết, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hơn 90 ha lúa và 81 ha ngô, rau màu bị nước tràn qua, gãy đổ; sạt lở hơn 13 ha ao nuôi cá và một số gia súc, gia cầm bị cuốn trôi…

* Nắng nóng kéo dài đã làm 260 hộ dân xã Ba Ðộng, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) thiếu nước sạch trầm trọng; gần 95 ha lúa hè thu bị thiệt hại nặng. Xã Ba Ðộng đã dùng giếng khoan còn nước bơm vào các thùng chứa cỡ lớn, vận chuyển đến phân phối cho các hộ có nhu cầu. Ngoài ra, xã vận động những gia đình có nước sạch chia sẻ với những hộ không có nhằm hạn chế việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh.

* Cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau) được nạo vét đưa vào sử dụng cuối năm 2018, tuy nhiên đến nay lại bị bồi lấp, khiến việc mua bán, trao đổi hàng hóa gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao. Gần đây nhất vào ngày 3-9, một tàu của ngư dân đã mắc cạn, bị chìm gây thiệt hại tài sản. Hiện cửa biển Khánh Hội có hơn 375 tàu cá đăng ký và hơn 500 phương tiện xuồng máy hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều tàu thuyền của các tỉnh lân cận ra vào.

* Ngày 12-9, theo UBND xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), trên địa bàn xã vừa ghi nhận việc xuất hiện hai con voi rừng. Hai con voi rừng này đã phá hoại nhiều cây cối, hoa màu của một số hộ dân tại bản Na Xén, xã Châu Hạnh.

Chính quyền xã Châu Hạnh đã thành lập đoàn kiểm tra có mặt tại hiện trường thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ các hộ dân có diện tích hoa màu bị voi rừng phá hoại; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp thủ công, truyền thống để bảo vệ tính mạng và tài sản; tiến hành xua đuổi voi trở lại rừng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41547302-vu-dong-2019-cac-tinh-phia-bac-phan-dau-san-xuat-dat-400-nghin-ha.html