Vụ động đất ở Kon Tum: Một nhà máy thủy điện lắp đặt 8 trạm quan trắc để theo dõi
UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các nhà máy thủy điện theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất. Đáng chú ý, một thủy điện đã lắp đặt 8 trạm quan trắc để theo dõi động đất.
Xây dựng và ban hành kế hoạch, phương án ứng phó động đất
Ngày 29/7, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Kon Plông rà soát, xây dựng và ban hành kế hoạch, phương án ứng phó động đất.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các chủ đập thủy điện trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng tránh khi xảy ra động đất. Củng cố lực lựng xung kích cấp xã trong việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" tại cơ sở, để kịp thời hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Công ty cổ phần thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh, Công ty cổ phần thủy điện Thiên Tân theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất, kịp thời thông báo đến cơ quan chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng ngừa ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, các thủy điện này phải tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình động đất tương ứng đến mực nước dâng hồ thủy điện do đơn vị quản lý, báo cáo về Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, tổ chức kiểm tính ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường tại công trình thủy điện. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.
Chủ động ứng phó
Ngày 29/7, PV Người Đưa Tin đã có mặt tại xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) nơi tâm chấn động đất để ghi nhận. Theo quan sát của PV, sau động đất cuộc sống sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Trao đổi với PV, anh A Đơi (28 tuổi, ở làng Vi Rinh, xã Đăk Tăng) cho biết, trước đây, dân làng sinh sống ở gần lòng sông Đăk Snghé. Sau khi thủy điện thượng Kon Tum được đầu tư, xây dựng, dân làng mới chuyển về đây theo diện tái định cư vào năm 2015.
"Tuy nhiên kể từ năm 2021, khi thủy điện tích nước thì những trận động đất mới bắt đầu xảy ra. Thời gian gần đây thấy động đất ngày một nhiều và mạnh hơn. Nhưng 3 năm qua người dân chúng tôi đã quen với động đất nên cũng không còn hoảng sợ", anh A Đơi cho hay.
Ông Nguyễn Văn Lại (ngụ thôn Vi Ring 2) cho biết, ông đã chứng kiến rất nhiều trận động đất, nhưng trận động đất trưa ngày 28/7 là mạnh nhất. Ông Lại cho biết: "Động đất bình thường thì bà con nơi đây không lo, chỉ sợ càng về sau động đất ngày một lớn hơn. Người dân mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp để đảm bảo an toàn cho dân".
Ông Phạm Thanh Bình, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Kon Plông, cho biết hiện chưa có thiệt hại về người sau các vụ động đất liên tiếp.
Theo thống kê, tại xã Măng Bút, một hộ dân bị rung chấn khiến ti vi bị rơi vỡ, hư hỏng hoàn toàn. Tại xã Đăk Ring có 2 trụ sở bị rạn nứt các vách ngăn tường. Tại xã Đăk Nên, điểm trường mầm non, phòng làm việc công an xã có vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Công Đàm, Giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum cho biết: "Thủy điện đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt 8 trạm quan trắc để nghiên cứu, theo dõi động đất. Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước từ năm 2020, phát điện từ năm 2021. Sau trận động đất mạnh 5,0 độ ngày 28/7, cán bộ kỹ thuật đã phối hợp kiểm tra hồ chứa, thân đập và hệ thống máy móc vận hành đều đảm bảo, đúng quy định".
Phó Thủ tướng gửi công điện cho tỉnh Kon Tum
Ngày 29/7, liên quan đến vụ việc động đất liên tục xảy ra ở tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có Công điện số 73/CĐ-TTg gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).
Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.