Vụ đông xuân ở Nam Bộ thắng lợi toàn diện

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn nhưng vụ đông xuân 2019 - 2020 ở khu vực Nam Bộ vẫn đạt thắng lợi toàn diện khi sản lượng, năng suất đều tăng cao. Có được những kết quả này là do các bộ, ngành và địa phương đã lường trước được những khó khăn để chủ động xuống giống sớm 'tránh' hạn, mặn.

Nông dân tỉnh Long An thu hoạch lúa vụ đông xuân 2019-2020.

Nông dân tỉnh Long An thu hoạch lúa vụ đông xuân 2019-2020.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn nhưng vụ đông xuân 2019 - 2020 ở khu vực Nam Bộ vẫn đạt thắng lợi toàn diện khi sản lượng, năng suất đều tăng cao. Có được những kết quả này là do các bộ, ngành và địa phương đã lường trước được những khó khăn để chủ động xuống giống sớm “tránh” hạn, mặn.

Điều chỉnh hợp lý khung thời vụ

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng cho biết, vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn vùng Nam Bộ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, giảm 68.500 ha; năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt hơn 11 triệu tấn. Do được dự báo trước, vụ đông xuân gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn cho nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chủ động điều chỉnh khung thời vụ cho từng địa phương, từng vùng hợp lý nhằm tránh hạn, mặn. Theo đó, các địa phương đã xuống giống sớm hơn từ 10 đến 30 ngày so với vụ đông xuân trước. Việc xuống giống sớm, sử dụng giống ngắn ngày, gieo cấy tập trung trong tháng 10 và 11 đã đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, thời tiết cũng thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Khi lúa trổ không bị mưa trái mùa dẫn đến tỷ lệ đậu hạt và năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.

Trong vụ đông xuân 2019 - 2020, nông dân tỉnh Tiền Giang đã xuống giống được hơn 57 nghìn ha, giảm 7.256 ha so với vụ trước do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện cắt vụ, chuyển vụ nhằm tránh hạn, mặn ở những địa bàn khó khăn. Theo đánh giá chung, mặc dù sản xuất trong điều kiện khó khăn nhưng nông dân địa phương đã vượt qua thách thức nhờ phát huy khoa học - công nghệ, chủ động sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời chính quyền địa phương đã quan tâm kiện toàn mạng lưới thủy lợi phục vụ tưới tiêu chống hạn cứu lúa, có giải pháp phù hợp ứng phó thiên tai cho từng vùng đặc thù. Chính vì vậy, vụ đông xuân năm nay, năng suất bình quân đạt 76,5 tạ/ha và sản lượng hơn 388.800 tấn lúa. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho biết, vụ đông xuân này, thành phố xuống giống hơn 79 nghìn ha, đến nay đã thu hoạch xong với năng suất đạt khoảng 72 tạ/ha, sản lượng hơn 1,3 triệu tấn. Điều đáng nói, năm nay năng suất và giá lúa đều tăng, nông dân thu lợi nhuận hơn 40%, cao nhất trong vòng bốn năm trở lại đây.

Đến thời điểm này, tỉnh Hậu Giang cũng thu hoạch cơ bản xong gần 78 nghìn ha lúa đông xuân với năng suất bình quân đạt khoảng 76 tạ/ha; ước sản lượng đạt 583.600 tấn. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết, để có vụ lúa đạt kết quả tốt, thời gian qua bên cạnh việc phối hợp các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống hạn, mặn, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân ở những vùng có nguy cơ hạn, mặn xâm nhập cao xuống giống sớm hoặc hạn chế gieo sạ lúa để chuyển sang cây trồng khác phù hợp hơn. Do xuống giống sớm, người dân đã chủ động tích trữ được nước ngọt để tưới lúa cho năng suất khá cao và giá bán cũng tốt.

Dồn sức cho các vụ tiếp theo

Mùa khô năm nay, toàn bộ các cửa sông ở đồng bằng sông Cửu Long có độ mặn đã vượt so với mức lịch sử năm 2015 - 2016 và sâu hơn từ 7 km đến 10 km. Dự báo mùa mưa năm nay sẽ đến muộn hơn khoảng hai tuần so với trung bình nhiều năm. Từ nay đến giữa tháng 5, tình hình nguồn nước ở khu vực còn khá khó khăn cho nên vụ hè thu sẽ gặp bất lợi. Do đó, việc xuống giống vụ hè thu có thể thực hiện đồng loạt từ tháng 4, đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi nhưng cũng cần đề phòng thiếu nước đầu vụ nếu mưa xuất hiện muộn; những khu vực bị ảnh hưởng bởi mặn phải rửa mặn, phèn thật kỹ trước khi xuống giống.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, vụ hè thu 2020, vùng Nam Bộ dự kiến sẽ gieo sạ hơn 1,6 triệu ha, phấn đấu năng suất 56,41 tạ/ha và sản lượng đạt 9,18 triệu tấn. Khi bắt đầu thu hoạch khoảng 65% diện tích vụ đông xuân, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan liên quan đánh giá lại toàn bộ các diện tích, điều kiện nguồn nước của khu vực, từ đó chủ động bố trí thời vụ cho vụ hè thu sớm. Trên cơ sở đó, những vùng thượng, vùng trung có thể gieo trồng sớm, những vùng ven biển sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế, điều kiện nguồn nước để có những điều chỉnh vụ hè thu 2020 cho phù hợp. Với phương án bố trí gieo trồng sớm hơn và khi chủ động được sản xuất vụ hè thu, sẽ sớm chủ động xây dựng được kế hoạch sản xuất vụ thu đông.

Để bảo đảm sản xuất vụ hè thu thắng lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu cho biết, tỉnh xây dựng kế hoạch xuống giống từng thời điểm cho từng khu vực, bố trí thời vụ để tránh hạn, mặn cho cả vụ đông xuân tới với những vùng có nguy cơ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành thường xuyên thông tin thời tiết, nguồn nước để xuống giống đúng thời vụ; theo dõi tình hình hạn, mặn ở các đầu mối thủy lợi để chủ động lấy nước phục vụ sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh, vụ hè thu, thu đông là vụ sản xuất quan trọng nhưng dự tính sẽ còn gặp khó khăn, bởi tình hình hạn, mặn có thể diễn biến phức tạp, nhất là đầu vụ hè thu. Do đó, vụ hè thu sẽ được chia làm hai vùng. Trong đó, vùng ngọt sẽ đẩy mạnh xuống giống sớm để kịp thời bố trí vụ thu đông; vùng ven biển đang chịu ảnh hưởng của hạn, mặn sẽ phải bảo đảm nguyên tắc hết mặn và thau chua, rửa mặn xong mới xuống giống. Do đó, vùng này không vội xuống giống khi chưa an toàn. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp các địa phương bám sát thời vụ, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, sử dụng nguồn nước hiệu quả, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Theo Bộ NN và PTNT, năm 2020 toàn vùng Nam Bộ có kế hoạch gieo sạ hơn 4,2 triệu héc-ta, phấn đấu năng suất hơn 60 tạ/ha, sản lượng gần 26 triệu tấn. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ khoảng bốn triệu héc-ta, năng suất 60,76 tạ/ha, sản lượng hơn 24 triệu tấn.

HẢI HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43997102-vu-dong-xuan-o-nam-bo-thang-loi-toan-dien.html