Vụ đốt kinh Koran: Người biểu tình Iraq xông vào Đại sứ quán Thụy Điển
Đám đông xông vào Đại sứ quán Thụy Điển sau lời kêu gọi hành động của một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng ở Iraq.
Video: Người biểu tình náo loạn Đại sứ quán Thụy Điển ở Iraq. Nguồn: Haber Lutfen Youtube
Hàng chục người ngày 29/6 đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển tại thủ đô Baghdad của Iraq để thể hiện sự bất bình về hành vi đốt kinh Koran ở Thụy Điển 2 ngày trước.
Đám đông tụ tập trước Đại sứ quán Thụy Điển sau lời kêu gọi hành động của giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng ở Iraq - Muqtada al-Sadr.
Ban đầu, đám đông phát truyền đơn bằng cả tiếng Ả Rập và tiếng Anh với nội dung: "Hiến pháp của chúng tôi là kinh Koran. Thủ lĩnh của chúng tôi là al-Sadr".
Họ cũng phun sơn dòng chữ "Hãy chấp nhận kinh Koran" lên cổng của Đại sứ quán Thụy Điển trước khi xông vào bên trong, chiếm giữ cơ sở này trong thời gian ngắn. Sau 15 phút, đám đông rời đi trong yên bình khi lực lượng an ninh có mặt.
Người biểu tình xông vào chiếm Đại sứ quán Thụy Điển ở Iraq, liên quan tới vụ đốt kinh Koran ở Stockholm ngày 28/6. Ảnh: Newsdrum
Bộ Ngoại giao Thụy Điển nói với đài truyền hình địa phương rằng các nhân viên Đại sứ quán ở Iraq đều an toàn và Bộ đã liên lạc được với họ. Tất cả đều đã rời khỏi Đại sứ quán an toàn.
Ngày 28/6, giáo sĩ al-Sadr kêu gọi trục xuất đại sứ Thụy Điển tại Iraq, cáo buộc ông này đại diện cho một quốc gia "thù địch với đạo Hồi". Giáo sĩ nổi tiếng ở Iraq con yêu cầu Stockholm tước quyền công dân của Salwan Momika (công dân Iraq di cư tới Thụy Điển) - người đốt kinh Koran ở Thụy Điển - và đưa đến Baghdad để xét xử.
Faiq Zaidan, Chánh án Tòa án Tối cao Iraq, cũng kêu gọi Thụy Điển dẫn độ Momika. Chính phủ Iraq lên án việc đốt kinh Koran, gọi đây là hành vi "phân biệt chủng tộc" và kích động "bạo lực, hận thù".
Ngày 28/6, Salwan Momika giẫm chân lên kinh Koran, đốt cháy vài trang của cuốn kinh và thực hiện một số hành động bị người theo đạo Hồi coi là báng bổ nghiêm trọng. Hành động này diễn ra trước sự chứng kiến của đám đông bên ngoài nhà thờ Hồi giáo lớn ở Stockholm, trong đó có nhiều cảnh sát Thụy Điển.
Nhiều quốc gia Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Jordan, Ma rốc chỉ trích và lên án hành động này. Nga và Mỹ cũng phản đối và lên án hành vi đốt kinh Koran ở Stockholm. Duma Quốc gia Nga tuyên bố rằng chính quyền Thụy Điển hoàn toàn nhận thức được rằng việc cho phép các nhà hoạt động chống Hồi giáo đốt kinh Koran sẽ dẫn đến căng thẳng tôn giáo và sắc tộc. Ông Putin gọi việc cố tình xúc phạm niềm tin tôn giáo là một tội ác.
“Đốt các kinh sách tôn giáo là hành động thiếu tôn trọng và gây tổn thương”, ông Vedant Patel, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bình luận về vụ việc. Theo ông Patel, việc giới chức Thụy Điển không can thiệp khi Momika đốt kinh Koran là “không phù hợp”.