Vụ du khách Trung Quốc nghi nhiễm viêm phổi lạ: Chuyển bệnh phẩm xét nghiệm tại Đại học Oxford
Viện Pasteur Nha Trang vừa chuyển tiếp mẫu bệnh phẩm của du khách Trung Quốc nghi nhiễm viêm phổi lạ đến một đơn vị nghiên cứu của Anh thuộc Đại học Oxford ở TP HCM để xét nghiệm chủng virus nCoV gây bệnh viêm phổi cấp tính ở TP Vũ Hán (Trung Quốc).
Cụ thể, sau khi tiếp nhận mẫu bệnh phẩm của du khách Xiong Tianzuo (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc, thường trú tại Vũ Hán) bị nghi mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A và được theo dõi cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng, Viện Pasteur Nha Trang đã sử dụng kỹ thuật Multiplex RT-PCR để xét nghiệm các loại virus SARS-CoV, Coronavirus OC43, 229E, NL63, HKU1, Flu C, EV, Rhinovirus, cúm A, B, MERS-CoV... Kết quả cho thấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Trung Quốc âm tính với các loại virus trên.
Tuy nhiên, do chưa có testkit phổ cập để xét nghiệm đối với chủng virus mới nCoV gây bệnh viêm phổi cấp tính ở TP Vũ Hán (Trung Quốc), nên Viện Pasteur Nha Trang đã chuyển tiếp mẫu bệnh phẩm đến một đơn vị nghiên cứu của Anh thuộc Đại học Oxford ở TP HCM để xét nghiệm thêm.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, trước diễn biến trên, hiện vẫn chưa thể kết luận người khách Trung Quốc có mắc viêm phổi cấp do virus nCoV hay không. Cho dù kết quả xét nghiệm âm tính với các loại virus kể trên, bệnh nhân có sức khỏe bình thường, nhưng trong khi chờ kết quả xét nghiệm, du khách vẫn tiếp tục điều trị cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Trước đó, như VietTimes đã đưa tin, ngày 14/1, qua máy kiểm tra thân nhiệt đặt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế TP Đà Nẵng) đã phát hiện 2 trường hợp du khách có triệu chứng sốt nhập cảnh qua cửa khẩu gồm: du khách Wang Hao Yu (SN 2016, quốc tịch Trung Quốc, thường trú tại Vũ Hán) và Xiong Tianzuo (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc, thường trú tại Vũ Hán), cùng nhập cảnh vào Đà Nẵng lúc 02h30 sáng ngày 14/1 trên chuyến bay VJ8375.
Tuy nhiên, du khách Xiong Tianzuo có những triệu chứng nghi mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A nên đã được nhanh chóng sách ly và giám sát tình trạng bệnh tại Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng). Sau 2 ngày theo dõi, điều trị và xét nghiệm bệnh phẩm, bệnh nhân cho kết quả âm tính với các chủng virus SARS-CoV, Coronavirus OC43, 229E, NL63, HKU1, Flu C, EV, Rhinovirus, cúm A, B, MERS-CoV...
Được biết, bệnh viêm phổi cấp tính tại Vũ Hán khởi phát ngày 31/12/2019 với 41 người nhập viện. Bệnh nhân chủ yếu buôn bán ở chợ hải sản địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 2 người tử vong và bệnh đã lây lan nhanh đến các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.
Chủng vi rirus được xác định là một chủng virus chưa từng biết đến thuộc họ corona. Họ virus này gây bệnh hô hấp và tiêu hóa, trong đó có chủng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, MERS... Virus mới được đặt tên là nCoV và hiện chưa có phác đồ điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới cho hay bệnh có thể lây từ người sang người và khuyến các các nước nên có những biện pháp phát hiện, ứng phó kịp thời.
Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca bệnh nào, tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã ra văn bản yêu cầu Sở Y tế các địa phương, nhất là các địa phương có cửa khẩu quốc tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng, thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện (EBS); tổ chức giám sát chặt bằng máy đo thân nhiệt từ xa, quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Đặc biệt, lưu ý khai thác tiền sử bệnh nhân đi về từ các khu vực đang có các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại Trung Quốc để chủ động áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh xâm nhập vào Việt Nam.