Vụ đưa hối lộ Thanh tra giao thông Cần Thơ: Các bị cáo chỉ bị phạt tiền
Trong phần tranh luận, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đề nghị xử phạt các bị cáo bằng hình thức phạt tiền.
Ngày 13/8, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ mở phiên tòa sơ thẩm đưa 7 bị cáo trong vụ án đưa hối lộ Thanh tra giao thông (Sở GTVT TP Cần Thơ) ra xét xử.
Các bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Thọ Điền (SN 1967, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lộc Phát An Giang), Huỳnh Anh Duy (SN 1986, Quản lý Công ty TNHH SX TM Thái Dương), Nguyễn Bá Kiệt (SN 1972, Chủ DNTN Minh Khang), Tống Thanh Triều (SN 1973, nguyên Giám đốc Tổng vụ Công ty CP vận tải xi măng Tây Đô), Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1989, Giám đốc Công ty CP Bình Vinh chi nhánh Cần Thơ), Âu Thị Trúc Mai, nguyên điều hành xe Công ty TNHH Thủy Hồng Phát), Nguyễn Thành Phong (SN 1976, quản lý Công ty TNHH Thuận Thành Phong), cùng bị truy tố về tội Đưa hối lộ.
Theo cáo trạng, trên cơ sở điều tra, Công an TP Cần Thơ phát hiện từ năm 2012 đến năm 2016 có 8 cán bộ Thanh tra giao thông TP Cần Thơ (thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ) và 2 đồng phạm đã nhận hối lộ của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến kinh doanh vận tải để không bị kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc bị xử lý nhưng với lỗi nhẹ hơn.
Đối với hành vi đưa hối lộ của các cá nhân, doanh nghiệp, qua điều tra xác định việc đưa hối lộ cho lực lượng Thanh tra giao thông để không bị xử phạt xe vi phạm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kinh doanh vận tải.
Đơn cử, khoảng năm 2012, xe của Nguyễn Thọ Điền chở bia cho một hợp tác xã từ khu công nghiệp Trà Nóc đến An Giang thường xuyên bị Đội Thanh tra cơ động (Thanh tra giao thông Cần Thơ) kiểm tra, lập biên bản xử phạt.
Qua thông tin, Điền làm quen với Bùi Văn Minh (Đội trưởng). Trong một lần đi nhậu, Điền nhờ Minh “giúp đỡ” cho những xe gắn logo Lộc Phát 3, biển số An Giang (xe của công ty Điền), Minh đồng ý đồng thời gợi ý Điền phải chi tiền cho Minh để xe không bị kiểm tra, xử phạt khi qua địa bàn TP Cần Thơ.
Tương tự, xe của Công ty cổ phần Bình Vinh chi nhánh Cần Thơ do bị can Nguyễn Thị Kim Dung làm Giám đốc khi lưu thông xuống Cảng Cái Cui (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thường xuyên bị kiểm tra, lập biên bản vi phạm phạt lỗi vỏ mòn, bình chữa cháy hư,…
Dung nhận được điện thoại từ Nguyễn Văn Cần (cò) xưng là thanh tra giao thông đặt điều kiện bồi dưỡng tiền cà phê, tiền nhậu cho đội. Sau đó, đôi bên thống nhất hàng tháng chi 8 triệu đồng cho thanh tra giao thông TP Cần Thơ.
Với thủ đoạn, động cơ mục đích nói trên, cáo trạng quy kết, để thuận lợi trong hoạt động kinh doanh vận tải, nhóm 7 bị cáo đã chi cho nhóm thanh tra số tiền hơn 2,1 tỷ đồng thông qua hình thức nhận tiền mặt trực tiếp hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng.
Trong đó, Nguyễn Thọ Điền chi số tiền hơn 345 triệu; Hà Anh Duy chi hơn 147 triệu đồng; Nguyễn Bá Kiệt chi 131 triệu đồng; Tống Thanh Triều chi 154 triệu đồng; Nguyễn Kim Dung chi 136 triệu đồng, Âu Thị Trúc Mai chi 297 triệu đồng, Nguyễn Thành Phong chi hơn 892 triệu đồng.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời cho biết việc chi tiền cho Thanh tra giao thông là vì không muốn bị làm “khó dễ”, thuận lợi cho việc kinh doanh.
“Xe bị cáo không vi phạm nhưng cứ suốt ngày bị chặn lại, làm lỡ thời gian, khách hàng phàn nàn, ảnh hưởng tiến độ giao hàng cho khách. Thời điểm bị cáo chi tiền không hề nghĩ rằng đây là hành vi sai pháp luật, chỉ nghĩ là giải quyết cho suôn sẻ. Chỉ khi bị cơ quan cảnh sát điều tra truy tố, bị cáo mới biết việc làm đó là sai”, bị cáo Dung trình bày.
Bước vào phần tranh luận, đại diện VKS giữ quyền công tố trước tòa đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội đưa hối lộ. Tuy nhiên xét về tính chất và mức độ vi phạm, đề nghị không cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo.
Sau phần nghị án, HĐXX nhận định, từ hồ sơ, chứng cứ vụ án cũng như lời khai tại tòa cho thấy, vì không muốn bị thanh tra giao thông làm khó dễ và xử phạt nên các bị cáo đã nhiều lần đưa tiền. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội Đưa hối lộ. Hành vi của các bị cáo đã trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, làm giảm lòng tin của người dân đối với cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo xuất phát từ hành vi nhũng nhiễu của các thanh tra giao thông khi thi hành nhiệm vụ, ở khía cạnh khác cho thấy các bị cáo là nạn nhân của sự tha hóa của một bộ phận cán bộ thanh tra giao thông.
Cũng theo HĐXX, các bị cáo là những người hoạt động kinh doanh vận tải, từ vụ án thấy được hành vi vòi vĩnh, tha hóa, biến chất của một bộ phận thanh tra giao thông. Các bị cáo không có ý thức chủ động về việc đưa hối lộ mà chỉ khi bị lực lượng thanh tra giao thông nhiều lần ngăn chặn xử phạt, vì muốn thuận lợi trong kinh doanh mà các bị cáo lựa chọn hình thức đưa hối lộ.
HĐXX xét thấy, các bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ theo quy định, đồng thời trong quá trình kinh doanh kinh vận tải của đơn vị, các bị cáo đã có đóng góp cho địa phương.
Đồng thời, thấy rằng nhằm thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, nhân đạo của Đảng và Nhà nước nên HĐXX quyết định tuyên phạt các bị cáo cùng phạm tội Đưa hối lộ. Tuyên phạt Nguyễn Thọ Điền số tiền 200 triệu đồng; Huỳnh Anh Duy, Nguyễn Bá Kiệt, Nguyễn Thị Kim Dung mỗi người 80 triệu đồng, Âu Thị Trúc Mai và Nguyễn Thành Phong mỗi người 120 triệu; Tống Thanh Triều 100 triệu đồng. Số tiền xử phạt được sung vào quỹ Nhà nước.
“
Liên quan đến vụ việc, tháng 10/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa đưa vụ án TTGT Cần Thơ nhận hối lộ ra xét xử phúc thẩm và tuyên phạt Đoàn Vũ Duy, nguyên Đội trưởng Đội TTGT số 11 tù chung thân; Dương Minh Tâm, nguyên Phó chánh TTGT 10 năm tù; Võ Hoàng Anh, nguyên Đội trưởng Đội TTGT số 3 bị phạt 13 năm tù; Lý Hoàng Minh, nguyên Đội phó Đội TTGT số 3 bị phạt 9 năm tù; Nguyễn Trần Lưu, nguyên Đội trưởng TTGT quận Thốt Nốt; Trần Lập Pháp, nguyên cán bộ Đội TTGT quận Cái Răng cùng 7 năm tù về tội Nhận hối lộ; hai "cò" Nguyễn Văn Cần 20 năm tù và Trần Tường An 7 năm tù cũng về tội Nhận hối lộ.
”