Vụ dùng 'chim mồi' để lừa bán đất: Nạn nhân bị sập bẫy thế nào?

Theo cáo buộc, khi dụ dỗ được 'con mồi' đến công ty, nhóm nhân viên sẽ nhanh chóng 'diễn kịch' việc giao dịch bất động sản để lừa bán đất.

Ngày 22-7, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo là lãnh đạo Công ty Lộc Phúc, Vạn Phúc (đều ở TP.HCM) và các bị hại trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 160 tỉ đồng.

Làm nghề mua bán bất động sản vẫn bị ‘sập bẫy’

Tại phiên tòa, bà Thu Hương (một trong số 165 người bị hại, ngụ TP.HCM), cho biết bà có nhu cầu bán căn nhà ở TP.HCM. Sau đó, có người gọi điện thoại giới thiệu là nhân viên công ty bất động sản Lộc Phúc nói có khách muốn mua nhà. Sau đó, nhân viên hẹn đến một khách sạn gặp khách vì "khách này ở ngoài Hà Nội vào".

Sau đó, bà Hoàng đến điểm hẹn thì nhân viên của công ty này lại nói khách chờ lâu quá nên ra gara xe ô tô. Sau đó, hẹn hôm sau đến công ty để gặp khách. Khi bà Hương đến công ty thì gặp người khách (sau này mới biết đó là "chim mồi" của công ty) nói muốn mua căn nhà và vài nền đất của công ty Lộc Phúc tại dự án ở Đồng Nai.

 HĐXX hỏi các bị cáo là nhân viên của công ty. Ảnh: VH.

HĐXX hỏi các bị cáo là nhân viên của công ty. Ảnh: VH.

Lúc này bà Hương thắc mắc tại sao không mua đất trực tiếp của công ty thì người khách này đưa ra nhiều lý do để tránh thuế, làm thủ tục dễ hơn. Cùng lúc này, một người khách khác (cũng là "chim mồi" của công ty) mang một bịch tiền 500 triệu đồng đến để mua nhà bà Hương và mua đất nền.

"Người của công ty nói đất dự án cạnh sân bay Long Thành, rất đẹp ở cạnh đó lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai mua rất nhiều để đầu tư vì tiềm năng. Vì vậy, khách mua nói rất muốn mua nhà và 2 nền đất của tôi cùng một lúc để tiện làm thủ tục. Nhân viên công ty Vạn Phúc (cùng chủ với công ty Lộc Phúc -PV) liền viết hai giấy đặt cọc 500 triệu để đặt cọc mua căn nhà nhưng lại giữ lại toàn bộ số tiền để đặt cọc cho tôi mua 2 nền đất", bà Hương kể lại.

Bà Hương cho biết thêm, sau đó nhóm nhân viên công ty nói chuyển khoản thanh toán tiền để làm thủ tục làm hợp đồng sang tên hai lô đất nền. Nhóm này làm thủ tục mua bán rất nhanh, làm việc cả ban đêm. Hai nền đất tổng giá gần 5,7 tỉ đồng nhưng sau khi sang tên thì tôi phát hiện sổ đỏ đất không phải chỗ mà công ty giới thiệu là đất dự án và có giá thấp chỉ bằng nửa giá trị thực.

"Sau khi biết công an bắt người của Lộc Phúc, tôi mới biết rằng tất cả nhân viên đều dùng tên giả, giấy tờ giả và khách đến mua đất cũng là "chim mồi" của công ty. Tôi cũng làm nghề mua bán bất động sản rồi lại trở thành nạn nhân của công ty lừa đảo này. Biết bao gia đình lâm vào cảnh nợ nần, có nhiều người còn tan cửa nát nhà, vợ chồng ly hôn vì mâu thuẫn tiền bạc. Chúng vào dụ dỗ, dạy cho nhiều nhiều sinh viên vừa ra trường đã đi lừa đảo. Vì vậy, kính đề nghị HĐXX xử nghiêm minh", bà Hương nói trước tòa.

Trong vụ án này có nhiều nạn nhân bị lừa mua đất số tiền từ 5 đến gần 8,5 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch giá mua đất thường cao hơn gấp đôi so với định giá tài sản tại thời điểm chuyển nhượng.

Chủ mưu không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới

Tại phiên tòa, các bị cáo là nhân viên của công ty Lộc Phúc đều khai nhận khi vào làm việc thì không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm, lương khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng và hưởng hoa hồng khi bán được đất. Khi vào làm việc sẽ được lãnh đạo, quản lý của công ty nói dùng tên giả, sim điện thoại rác liên hệ khách hàng để sau này có chuyện gì thì khách không làm phiền.

 Bị cáo Huỳnh Hữu Tường cho rằng mình không chỉ đạo nhân viên dùng chiêu trò để bán đất lừa khách hàng. Ảnh: VH.

Bị cáo Huỳnh Hữu Tường cho rằng mình không chỉ đạo nhân viên dùng chiêu trò để bán đất lừa khách hàng. Ảnh: VH.

“Để kiếm khách, các bị cáo tìm kiếm các số điện thoại, tìm thông tin cá nhân người có nhu cầu mua đất rồi lên mạng xã hội vào các trang mua bán bất động sản, Chotot.com… tải hình ảnh và giá bán của các căn nhà đẹp trên mạng xã hội rồi đăng bán, đưa giá thấp thu hút khách. Khi khách liên hệ thì các bị cáo sẽ dụ dỗ khách đến công ty rồi thực hiện theo kịch bản dụ dỗ khách mua đất nền công ty”, các bị cáo khai trước tòa.

Tuy nhiên, trả lời HĐXX, bị cáo Huỳnh Hữu Tường (người thành lập Công ty TNHH đầu tư môi giới bất động sản Vạn Phúc, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc rồi thuê Nguyễn Văn An làm giám đốc) lại không thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố.

Bị cáo Huỳnh Hữu Tường khai nhận bản thân không chỉ đạo nhân viên cấp dưới “đạo diễn” các thủ đoạn lừa bán đất. Bị cáo Tường cho rằng bản thân không đưa ra chủ trương và cũng không họp bàn về việc tổ chức thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.

Còn việc thuê diễn viên “chim mồi” đóng giả làm khách hàng trong vụ án, theo bị cáo Tường là muốn làm cho thị trường mua bán bất động sản sôi động mà không nhằm mục đích lừa đảo khách hàng. Bị cáo Tường chỉ đưa các sổ đất đã hợp pháp xuống cho cấp dưới yêu cầu bán, còn việc bán đất như thế nào, phương thức thực hiện ra sao thì bị cáo không chỉ đạo và cũng không biết.

Theo cáo buộc, dưới sự chỉ đạo của Huỳnh Hữu Tường, từ tháng 12-2021 đến tháng 8-2023 với phương thức, thủ đoạn như trên các nhân viên đã thực hiện 159 vụ lừa đảo và đã chiếm đoạt tài sản của 165 bị hại với tổng số tiền hơn 255 đồng.

Trong khi đó, định giá 73 thửa đất là gần 82 tỉ đồng và phía công ty đã trả cho các bị hại trong thời gian còn hoạt động và số tiền gia đình Tường khắc phục là hơn 15,5 tỉ đồng. Như vậy số tiền các bị hại còn bị chiếm đoạt là gần 160 tỉ đồng.

VŨ HỘI

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-dung-chim-moi-de-lua-ban-dat-nan-nhan-bi-sap-bay-the-nao-post861662.html