Vụ Ethanol Phú Thọ: Hôm nay, tòa tuyên án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
Ngày 15/3, TAND TP Hà Nội sẽ tiến hành tuyên án 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ethanol Phú Thọ. Trước đó, đại diện VKSND đã đề nghị 12-13 năm tù với ông Đinh La Thăng và 21-23 năm tù đối với Trịnh Xuân Thanh...
Dự kiến chiều nay (15/3), TAND TP Hà Nội sẽ tiến hành tuyên án 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại 543 tỷ đồng. Trong số các bị cáo, có ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN) và Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) cùng 10 bị cáo khác.
Các bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hội đồng xét xử gồm 5 người (2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân) do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Đinh La Thăng 12-13 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị 11-12 năm tù cùng về tội danh trên, 10-11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù.
Ông Thăng và ông Thanh còn bị đề nghị liên đới bồi thường hơn 543 tỷ đồng cho PVB. Riêng ông Thanh phải trả lại 3 tỷ đồng hưởng lợi cho PVC Kinh Bắc và liên đới bồi thường hơn 13 tỷ đồng cho PVC. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 30 tháng tù đến tám năm tù về một trong hai tội danh, đồng thời liên đới bồi thường thiệt hại cho các công ty liên quan.
Theo cáo buộc của VKS, ông Đinh La Thăng với tư cách chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trưởng ban chỉ đạo dự án, đã chỉ đạo cấp dưới chỉ định thầu cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện dự án dù công ty này không đủ năng lực.
Trong phần tranh luận, đại diện VKS nhiều lần khẳng định chủ trương chỉ định thầu nhằm phát huy nội lực các cơ sở sẵn có trong Tập đoàn PVN là không sai. Tuy nhiên, khi triển khai thì bắt buộc phải tuân thủ đúng theo quy định pháp luật, không được tùy tiện, áp đặt duy ý chí.
Biết rõ tình hình tài chính PVC đang khó khăn, công ty này cũng chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol nhưng ông Thăng vẫn ra chủ trương, chủ trì nhiều cuộc họp, quyết liệt chỉ đạo thuộc cấp thực hiện chỉ định thầu cho PVC. Tiếp đó, khi chỉ định thầu, ông Thăng loại bỏ các tiêu chí về năng lực của liên danh nhà thầu, yêu cầu PVC chỉ cần chấp nhận giá mà PVB đưa ra. Hậu quả, dự án phải dừng thi công khi chưa có hạng mục nào hoàn thành, bàn giao theo cam kết.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) biết rõ liên danh của PVC không đủ năng lực, hoàn toàn có thể chủ động thực hiện hoặc không thực hiện dự án nhưng vì chịu sức ép nên vẫn chấp nhận chỉ định thầu.
Tại tòa, đại diện VKS nhấn mạnh: “Từ bị cáo Thăng đến các bị cáo tại PVC và PVB đều có một cơ cấu, tổ chức thống nhất. Các bị cáo tại PVC và PVB đều có sự tiếp nhận ý chí chung từ bị cáo Thăng về việc chỉ định thầu cho một đơn vị trong tập đoàn là PVC”. VKS cho rằng, giữa các bị cáo từ đứng đầu đến nhân viên cấp dưới có sự câu kết với nhau cùng thực hiện hành vi tội phạm, “đây là vấn đề nhóm lợi ích tiêu cực”.
Cũng theo vị đại diện VKS, quá trình thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, PVB sử dụng gần 1.500 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 754 tỷ đồng. Theo thỏa thuận giữa PVB và nhà thầu, dự án phải được bàn giao sau 18 tháng nhưng thực tế “đắp chiếu” tới nay đã gần 10 năm…
Xem thêm video: Nhiều bị cáo vụ Ethanol Phú Thọ xin giảm nhẹ hình phạt