Vụ GD&ĐT dạy nghề Ban Tuyên giáo T.Ư làm việc tại tỉnh ta
Chiều 24.10, Đoàn công tác Vụ GD&ĐT dạy nghề Ban Tuyên giáo T.Ư do đồng chí Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT dạy nghề làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Lao động – TBXH, Sở GD&ĐT nhằm nắm bắt kết quả thực hiện chính sách GD&ĐT đối với đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm đến công tác GD&ĐT, trong đó đặc biệt chú trọng đến vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, cùng với đó là thực hiện nghiêm túc, đúng, đủ kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước cho các đối tượng được thụ hưởng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 4.408 học sinh trường dân tộc nội trú được hỗ trợ theo Thông tư liên tịch của Bộ Tài Chính, Bộ GD&ĐT, ngày 29.5.2009 với kinh phí 60.772 triệu đồng; 50.138 học sinh bán trú được hỗ trợ theo Nghị định 116, ngày 18.7.2016 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí hỗ trợ 263.330 triệu đồng; học sinh được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86, ngày 2.10.2015 của Chính phủ với kinh phí 90.197 triệu đồng; học sinh được hưởng theo Nghị định 57, ngày 9.5.2017 của Chính phủ về chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với học sinh, sinh viên dân tộc ít người là 3.750 học sinh với kinh phí hỗ trợ trên 16 tỷ đồng…
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ giáo viên như, chính sách tiền lương, phụ cấp nghề, thâm niên nhà giáo, chế độ trả lương dạy thêm giờ, giáo viên công tác tại các huyện vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân tham gia các lớp xóa mù chữ và vận động đưa trẻ đi học đúng độ tuổi. Đến nay, toàn tỉnh có 195/195 xã đạt chuẩn xóa mù chữ, trong đó có 64 xã đạt chuẩn mức độ 1 và 131 xã đạt chuẩn mức độ 2.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành của tỉnh kiến nghị với Đoàn công tác và các bộ, ngành T.Ư một số nội dung liên quan như: Khi tinh giản biên chế cần tính đến đặc thù của giáo dục miền núi, vùng biên giới; tiếp tục đầu tư kinh phí kịp thời để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học mầm non, tiểu học giai đoạn 2017 - 2020; cần có chính sách hỗ trợ đối với học viên học văn hóa, cán bộ quản lý, giáo viên tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; ban hành chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học có hộ khẩu thường trú ở vùng KT- XH đặc biệt khó khăn khi thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày bắt buộc; cần quy định cụ thể về định mức thuê nhân viên nấu ăn tại các trường PTDT nội trú.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT dạy nghề mong muốn các cấp, ngành của tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực GD&ĐT của Đảng, Nhà nước gắn với vận dụng linh hoạt, lồng ghép với chính sách của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT của tỉnh; có đề án xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng đến việc xóa mù chữ cho người dân; cùng với sự đầu tư của T.Ư, tỉnh cần dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học, nhất là đối với các trường PTDT bán trú, nội trú...