Vụ gian lận điểm thi: Sau Sơn La, phiên tòa ở Hà Giang cũng bị hoãn do vắng 2/3 người làm chứng
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tuyên bố hoãn phiên tòa do vắng mặt quá nhiều người làm chứng bởi sự vắng mặt này ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 14 -16.10 tại TAND tỉnh Hà Giang.
Ngày 18.9, TAND tỉnh Hà Giang đưa vụ án gian lận thi cử THPT năm 2018 ra xét xử công khai. Theo lệnh triệu tập, TAND tỉnh Hà Giang đã triệu tập 177 người làm chứng.
Tuy nhiên, trong ngày đưa vụ án ra xét xử, chỉ có 55/177 người có mặt; 60 người có đơn xin xét xử vắng mặt; 62 người vắng mặt không lý do, trong đó có 12 người làm chứng mà tòa án chuyển thư đến và được báo lại là không có người nhận.
Về phía cơ quan tố tụng, theo đại diện Viến kiểm sát (VKS), qua xem xét số liệu, việc vắng mặt của những người làm chứng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều bị cáo nên phía VKS đề nghị hoãn phiên tòa. Ngoài ra, đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử, VKS đề nghị triệu tập thêm bà Vũ Thị Kim Chung - Hiệu trưởng Trường chuyên Hà Giang và là cô ruột của bị cáo Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng Khảo thí), Sở GD-ĐT Hà Giang.
Ngoài ra, luật sư Hoàng Văn Hướng (luật sư của bị cáo Triệu Thị Chính) rất quan ngại khi chỉ có 55 người /176 người làm chứng; trong 62 người vắng mặt không lý do, ông Hướng rất quan tâm đến việc nếu người được triệu tập mà chưa nhận được thông tin thì cần xem xét tính hợp pháp trong trường hợp này.
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm - Ảnh: T.A
Trong vụ án này, VKS truy tố các bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT và Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng Khảo thí về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.
Hai bị cáo Phạm Văn Khuông - Phó giám đốc Sở GD-ĐT và Lê Thị Dung - Phó đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an Hà Giang bị truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.
Riêng bị cáo Triệu Thị Chính - Phó giám đốc Sở GD-ĐT bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị cáo Hoài đã bàn bạc và thống nhất với Lương việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh. Bị cáo Vũ Trọng Lương đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi được nâng điểm. Riêng bị cáo Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Phó giám đốc Sở GD-ĐT đã chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi.
Theo cáo trạng, Cơ quan An ninh điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có vụ lợi hay tiền bạc trong vụ án. Công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không ai khai nhận đưa tiền hay vật chất để nhờ nâng điểm.
Trước đó, ngày 16.9, TAND tỉnh Sơn La đưa 8 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, HĐXX TAND tỉnh Sơn La đã tuyên bố hoãn phiên tòa với lý do vắng mặt quá nhiều người tham gia tố tụng, chỉ có mặt hơn 10 người/hơn 90 người được tòa triệu tập. Vụ án gian lận thi cử tại Sơn La sẽ được mở lại vào ngày 15.10.2019.