Vụ giết người bằng vũ khí sinh học đầu tiên tại Ấn Độ
Không muốn chia một nửa tài sản cho em cùng cha khác mẹ, Binoyendra (Ấn Độ), đã tìm cách sát hại người thân bằng thứ vũ khí nguy hiểm và khó kiếm.
Âm mưu đen tối
Vào thời điểm vụ giết người diễn ra, Ấn Độ đang nằm dưới thời cai trị của Anh. Vụ án đã được các phương tiện truyền thông thế giới đưa tin và bình luận sôi nổi bởi là vụ giết người bằng vũ khí sinh học đầu tiên tại Ấn Độ. Một số tờ báo nước ngoài còn gọi vụ án là “bí ẩn cánh tay bị hủy hoại”.
Nằm ở Santal Paragons, bang Jharkhand, Ấn Độ, Pakur là một điền trang nhỏ nhưng trù phú. Chủ điền trang, Hoàng thân Pratapendra Chandra Pandey, có 4 người con sau 2 cuộc hôn nhân.
Binoyendra, 22 tuổi, và Kananbala là con của người vợ đầu tiên. Còn Amarendra, 15 tuổi, và Bonobala là con của bà vợ thứ hai, người đã qua đời sau khi sinh đứa con thứ hai.
Năm 1929, khi Hoàng thân Pratapendra qua đời, tài sản được chia đều cho hai người con trai Binoyendra và Amarendra. Tuy nhiên, Binoyendra được giao giữ tài sản thay Amarendra đến khi cậu bé đủ 18 tuổi vì em đang ở tuổi vị thành niên.
Hai con trai của Hoàng thân Pratapendra có tính cách hoàn toàn trái ngược. Trong khi Binoyendra nổi tiếng là người ăn chơi trác táng thì Amarendra sống tình cảm, trầm tính. Nếu Binoyendra luôn có mặt trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng thì Amarendra lại chăm chỉ học hành. Ở Pakur, cậu em được mọi người yêu mến hơn hẳn.
Năm 1932, khi Amarendra tròn 18 tuổi và đang học đại học, cậu em gửi đơn đề nghị được thừa kế tài sản hợp pháp. Ban đầu, Binoyendra tỏ ra không muốn đưa lại tài sản cho em trai cùng cha khác mẹ nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận.
Một ngày nọ, Binoyendra đến thăm nơi ở của em trai tại Calcutta, cách Pakur hơn 300km, trong sự ngỡ ngàng của mọi người vì họ biết rằng người anh này vốn không ưa gì Amarendra. Dù có phần bất ngờ, Amarendra vẫn vui vẻ chào đón và thể hiện sự hiếu khách.
Sau bữa tối, Binoyendra rủ Amarendra ra vườn đi dạo và lấy ra một cặp kính mắt tặng em trai. Đó là loại kính Pince-nez, không có gọng đeo tai, chỉ có phần kim loại ở hai mắt kính gắn chặt vào sống mũi.
Binoyendra còn khăng khăng tự đeo kính cho em nhưng khiến chiếc kính cứa nhẹ vào sống mũi Amarendra, gây ra một vết xước nhỏ rỉ máu. Amarendra nhanh chóng quên đi chuyện này vì vết thương không làm cậu đau đớn.
Sau 3 ngày, vết xước nhỏ đã lành lại nhưng toàn bộ khuôn mặt của Amarendra bị sưng tấy. Bác sĩ chuẩn đoán chàng trai trẻ bị uốn ván và tiêm thuốc ngay lập tức. Hay tin, Binoyendra liền cử một bác sĩ riêng đến khám cho em vì nghe danh người này y thuật “rất giỏi và giàu kinh nghiệm”. Thế nhưng dù bác sĩ mới đã thay đổi liều thuốc, bệnh tình của Amarendra vẫn chưa thuyên giảm mà càng tồi tệ hơn.
Nghi ngờ vị bác sĩ mà Binoyendra cử đến có vấn đề, những người xung quanh Amarendra đã mời bác sĩ khác và không cho phép Binoyendra đến gần giường của em trai.
Nhờ sự chăm sóc ngày đêm của đội ngũ y tế, Amarendra dần khỏe lại nhưng sức khỏe bị tổn hại nặng nề. Anh gần như không thể đọc, không thể đi lại mà chỉ có thể nằm một chỗ. Thời điểm này, Binoyendra vẫn không được phép đến thăm em trai dù anh ta nhiều lần ngỏ ý.
Sau thời gian ngắn điều dưỡng, Amarendra phải trở lại Pakur quản lý công việc của điền trang vì Binoyendra không chịu làm lụng. Cả ngày hắn ta chỉ ăn chơi, tổ chức những buổi tiệc linh đình và thuê vũ nữ về tiêu khiển.
Cảnh báo nguy hiểm
Ngày 18/11/1933, Amarendra nhận được bức điện từ dì ruột ở Calcutta. Trong bức điện, dì Suryavathi viết: “Có vấn đề liên quan đến thuế. Cháu hãy về Calcutta ngay”. Anh nhanh chóng rời điền trang ở Pakur để về lại Calcutta.
Tuy nhiên, khi về đến nơi, Amarendra nhận ra bức thư là giả mạo và mọi việc ở Calcutta vẫn được dì Suryavathi quán xuyến bình thường.
Trong lần trở về này, dì Suryavathi liên tục nhắc nhở Amarendra phải đề phòng Binoyendra vì anh ta có ý đồ không trong sạch. Sau lần Amarendra đổ bệnh và may mắn qua khỏi, họ nghi ngờ Binoyendra sẽ tìm cách giở trò.
Amarendra không phải không biết chuyện này. Trong quá trình quản lý điền trang ở Pakur, anh phát hiện Binoyendra đã bòn rút tiền từ ngân sách chung để thỏa lòng ăn chơi. Tuy nhiên, vì không muốn phá vỡ đoàn kết gia đình, Amarendra giả vờ như không hay biết.
Ngày 25/11/1933, Amarendra quyết định rời Calcutta trở lại Pakur. Tối hôm đó, Binoyendra đột ngột xuất hiện, hỏi thăm tình hình sức khỏe và giờ tàu chạy. Sáng hôm sau, khi Amarendra ra ga cùng bạn bè, Binoyendra cũng đang ở đó. Anh ta thậm chí ân cần tiễn em trai lên tàu.
Giữa nhà ga đông đúc, Amarendra không may bị một người mặc đồ đen rách rưới va phải và chọc thứ gì đó sắc nhọn vào tay cậu rồi bỏ đi rất nhanh. Vì thế, Amarendra không kịp nhìn mặt người này. Khi anh kêu toáng lên vì cảm giác đau nhói như bị kim châm ở cổ tay, kẻ lạ mặt đã mất hút trong đám đông. Tất cả diễn ra trong chớp mắt nên không ai kịp phản ứng.
Từ vết thương của Amarendra, một chất dịch không màu chảy ra dù có vẻ không nghiêm trọng. Bạn bè khuyên nhủ Amarendra nên hoãn chuyến tàu về Pakur và đi khám ngay lập tức. Nhưng Binoyendra lại giục em trai khẩn trương không để lỡ chuyến tàu và có thể đến Pakur khám.
“Chúng ta là những chàng trai dòng dõi hoàng gia. Không việc gì phải cuống lên vì một chuyện cỏn con như vậy”, hắn ta quở trách em trai.
Vì công việc tại Pakur còn bộn bề, Amarendra quyết định lên chuyến tàu trở về điền trang. Khi lên tàu, anh nhận thấy vùng xung quanh vết đâm đang lở loét, máu và chất dịch chảy ra ngày một nhiều.
Thân nhiệt Amarendra lên cao tới 40 độ C. Anh ngất xỉu ngay khi về đến Pakur và được đưa thẳng đến bệnh viện. Tuy nhiên, Amarendra đã không qua khỏi và ra đi vào ngày 4/12 sau nhiều ngày hôn mê sâu.
Là người thân gần nhất của Amarendra, Binoyendra đã sắp xếp thủ tục để thi thể em được hỏa táng mà không cần khám nghiệm tử thi. Tuy nhiên, trước đó bác sĩ đã lấy máu của Amarendra để xét nghiệm.
Kết quả cho thấy Amarendra chết vì bệnh dịch hạch. Điều này khiến cả bệnh viện bất ngờ vì trong vòng 3 năm trở lại đây, bệnh dịch hạch đã không còn xuất hiện ở khu vực này.
Dịch hạch là bệnh lây lan từ loài gặm nhấm và côn trùng sang người. Giữa năm 1896 đến 1918, Ấn Độ trải qua một đợt bùng phát dịch bệnh cướp đi sinh mạng của hơn 125 triệu người dân Ấn Độ và các nước lân cận.
Truy tìm sự thật
Cái chết của Amarendra khiến cảnh sát nghi ngờ nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Trong khi đó, bạn bè Amarendra đều có chung một suy nghĩ rằng chính Binoyendra đã sát hại em trai mình nhưng không có đủ bằng chứng để tố cáo.
Họ đã viết một lá thư cho Giám đốc Bệnh viện Y học Nhiệt đới Ấn Độ để xem liệu khuẩn dịch hạch được bơm và truyền qua đường kim tiêm, có thể truyền bệnh và gây tử vong không. Câu trả lời là hoàn toàn có thể.
Đây cũng là chi tiết khiến cảnh sát chú ý vì vi khuẩn dịch hạch không có ở Calcutta nên giả sử việc Amarendra bị kim đâm và dẫn đến mắc bệnh là có thật, hung thủ sẽ lấy vi khuẩn từ đâu? Qua truy sát, cảnh sát phát hiện tại Ấn Độ, vi khuẩn dịch hạch chỉ được lưu tại Viện Đào tạo, Nghiên cứu và Thử nghiệm Haffkine, Bombay, dành cho mục đích nghiên cứu.
Kết quả điều tra chỉ đến Taranath Bhattachrji, nhà vi khuẩn học làm việc tại Viện Nghiên cứu Haffkine. Trùng hợp thay, người này cũng là bạn thân của Binoyendra. Taranath chỉ làm việc tại đây đúng 5 ngày và biến mất vào hôm Amarendra lên tàu. Cảnh sát ngay lập tức phát lệnh truy nã Taranath và Binoyendra.
Ít lâu sau, Binoyendra bị bắt ngay tại nhà ga với tấm vé tàu vượt biên còn đang cầm trên tay. Hắn ta thừa nhận đã bắt đầu lên kế hoạch giết em trai kể từ ngày cha mất. Phương án đầu tiên là truyền huyết thanh uốn ván qua chiếc kính Pince-nez rồi Binoyendrase sẽ cố tình làm Amarendra bị thương.
Nhưng vết thương chưa đủ mạnh nên Binoyendrase ấp ủ một kế hoạch lớn hơn. Trong đó, hắn ta sẽ sử dụng một loại vũ khí mạnh và nhanh hơn để em trai trở tay không kịp. Đó là lúc hắn tìm đến Taranath.
Thực tế, Taranath không phải là một bác sĩ mà chỉ là trợ lý nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cung ứng y tế. Khi nghe câu chuyện của Binoyendrase, Taranath đã nghĩ đến việc sử dụng vi khuẩn dịch hạch như một vũ khí giết người.
Đầu tiên, hắn ta gửi một bức điện tín đến Viện Nghiên cứu Haffkine, yêu cầu họ gửi mẫu trực khuẩn dịch hạch đến Calcutta để phục vụ mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, phía viện đã từ chối rằng họ không thể tự tiện trích xuất mẫu trực khuẩn nếu không có sự cho phép của Tổng Y sĩ tại Calcutta.
Vì vậy, Binoyendrase đã hối lộ Tổng Y sĩ tại Calcutta để người viết thư đề nghị nhưng phía viện vẫn tiếp tục từ chối. Kiên trì theo đuổi kế hoạch này, Binoyendrase đã di chuyển đến Bombay, ở lại đây vài tuần và làm quen với hai bác sĩ từ Viện Haffkine.
Hắn ta mua chuộc hai bác sĩ bởi những bữa ăn, cuộc vui chơi tại khách sạn đắt tiền. Nhờ vậy, hai người này đã gửi mẫu trực khuẩn cho Binoyendrase và đồng bọn.
Khi vụ án được đưa ra tòa, phía công tố đã thu thập đầy đủ lời khai của nhân chứng, giấy tờ di chuyển của Binoyendrase, hóa đơn khách sạn tại Bombay hay các bức điện gửi đến phòng thí nghiệm. Binoyendrase và Taranath bị kết án treo cổ nhưng Tòa án Tối cao đã giảm án cho Binoyendrase xuống mức tù chung thân.
Khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947, các tù nhân chính trị được ân xá. Dù Binoyendrase không nằm trong diện này nhưng bằng cách nào đó, hắn ta đã được tha bổng và trở về sống tại điền trang Pakur.
Dù vậy, hắn ta luôn ở trong trạng thái tâm lý cáu kỉnh, bất an. Binoyendrase chỉ thích ở một mình, không muốn mọi người xung quanh lại gần. Một ngày nọ, khi nảy ra tranh cãi với vợ, Binoyendrase đã vơ lấy khẩu súng và dọa giết tất cả mọi người trong nhà. Hắn ta sau đó thiệt mạng trong cuộc đấu súng với cảnh sát. Còn Taranath được cho là đã phát điên trong tù và không có thông tin gì thêm.
Theo Crime Flies