Vụ gọi điện 'khủng bố' để đòi nợ: Các đối tượng nắm rõ thông tin của người vay bằng cách nào?
Phần lớn các nạn nhân và người thân, bạn bè, đồng nghiệp của nạn nhân bị các đối tượng đòi nợ uy hiếp, đe dọa, dùng nhiều cách để bôi nhọ danh dự là do thông tin được chính nạn nhân cung cấp cho bên cho vay. Trước khi làm hồ sơ vay trên app, website…, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp ảnh chân dung, thậm chí cả tài khoản mạng xã hội và các thông tin nhạy cảm khác.
Một người vay tiền, hàng chục người bị vạ lây!
Ngày 04-3-2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TPHCM đã giải thích rõ tại sao các đối tượng đòi nợ trên không gian mạng có tính chất tín dụng đen lại nắm rõ thông tin của người vay lẫn thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp... của người này. Cụ thể, hành vi đòi nợ với thủ đoạn uy hiếp, đe dọa tinh thần người vay qua mạng và bằng cách gọi điện về bản chất có liên hệ mật thiết với các hoạt động tín dụng đen trên mạng. Tín dụng đen trên mạng là biến tướng của tín dụng đen truyền thống.
Trong thời đại khoa học, kỹ thuật phát triển, các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng môi trường mạng để hoạt động, nhằm tiếp cận nhiều nạn nhân hơn. Đây cũng là chiêu trò để các đối tượng đối phó, tránh né việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Đặc biệt, thay vì cho vay lãi nặng trực tiếp bằng tiền mặt như trước đây, các băng nhóm tín dụng đen trên mạng thường núp bóng danh nghĩa công ty tài chính, công ty công nghệ, công ty tư vấn luật... để hoạt động. Từ đây, nhóm đối tượng sử dụng nhiều app, website để cho vay lãi nặng trực tuyến; tổ chức mua bán, thu hồi nợ bằng hình thức khủng bố tinh thần người vay và những người thân quen của người này.
Để tiếp cận nhiều nạn nhân, các đối tượng sử dụng không gian mạng như một kênh quảng cáo đắc lực, "giăng bẫy" nạn nhân bằng những cách như: hứa hẹn lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng, không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản, giấy tờ... Nhiều nạn nhân bị dẫn dụ, rơi vào vòng xoáy tín dụng đen liên hồi, không lối thoát, mất khả năng chi trả. Có trường hợp ban đầu chỉ vay vài triệu đồng để giải quyết nhu cầu tiêu dùng cấp bách, nhưng sau đó mắc nợ lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng và không thể trả nổi khoản vay gốc lẫn lãi.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TPHCM cho biết, phần lớn các nạn nhân và người thân, người quen của họ bị các đối tượng đòi nợ uy hiếp, đe dọa tinh thần từ thông tin do chính nạn nhân cung cấp. Khi làm hồ sơ vay trên app, website..., người vay phải điền đầy đủ thông tin về bản thân, cung cấp hình ảnh của mình, thậm chí cả tài khoản mạng xã hội hay các thông tin nhạy cảm khác.
Không vay được tiền vẫn bị truy lùng, đòi nợ
Đặc biệt, khi người vay tải app cho vay thì app sẽ yêu cầu phải cấp quyền truy cập, khai thác trên thiết bị điện tử các thông tin quan trọng gồm: danh bạ, kho ảnh, bộ nhớ, nội dung hoặc dữ liệu khác... Sau đó, nhóm cho vay sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng của người vay. Phần lớn các đối tượng sẽ buộc người vay phải cung cấp chính xác các thông tin trên thì mới được giải ngân.
Việc người vay "cho, tặng" những thông tin thuộc bí mật cá nhân để được các đối tượng hoạt động tín dụng đen giải ngân đồng nghĩa với việc họ đã rơi vào "bẫy liên hoàn", đối mặt với nguy hiểm dài lâu từ nhóm đối tượng cho vay. Những thông tin nhạy cảm của người vay sẽ bị nhóm cho vay khai thác, sử dụng để gây sức ép tinh thần, buộc phải trả nợ hoặc vay thêm để... trả nợ khoản vay trước. Mặt khác, các đối tượng còn liên hệ với thân nhân, người quen của người vay để chào mời cho vay hoặc buộc trả nợ thay. Có khi nhóm cho vay này trao đổi, mua bán với các băng nhóm tín dụng đen khác, để đưa người vay vào vòng vay lãi nặng.
Khi người vay đến hạn trả nợ, các đối tượng sẽ nhắn tin, gọi điện buộc trả nợ. Nếu người vay không trả thì các đối tượng tiếp tục nhắn tin, gọi điện đe dọa, uy hiếp cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp... của người vay, yêu cầu trả nợ thay. Có một số nhóm cho vay còn cắt ghép hình ảnh người vay, thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp của họ, nhằm vu khống để tạo áp lực buộc người vay phải trả nợ. Thậm chí có nhiều trường hợp mới làm hồ sơ vay tiền nhưng không vay hoặc không được duyệt hồ sơ, vẫn bị bên cho vay gọi điện đe dọa, đòi nợ.
Dùng cả quan tài, dọa cho nổ nhà để đòi nợ thuê
Mới đây nhất, trưa 14-02-2023, hơn 120 cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an phối hợp các Cục nghiệp vụ của Bộ, Công an TPHCM, Công an tỉnh Tiền Giang ập vào khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty luật TNHH Pháp Việt (gọi tắt là Công ty luật Pháp Việt) tại tòa nhà "T&T Dancesport" (số 7 Lê Văn Huân, P13Q.Tân Bình, TPHCM). Lúc này, có hàng trăm đối tượng nam, nữ đang gọi điện, nhắn tin để đòi nợ nhiều người vay.
Tại hiện trường, lực lượng Công an tạm giữ 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, hơn 300 ĐTDĐ và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cưỡng đoạt tài sản. Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã triệu tập làm việc 133 đối tượng liên quan, phát hiện có nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn chứa nội dung liên quan đến việc đòi nợ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhóm nhân viên của Công ty luật Pháp Việt đã dùng phương thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố tinh thần đến những tổ chức, cá nhân liên quan đến các nạn nhân, với hành vi như: đe dọa giết vợ, con, người thân của người vay, dọa sử dụng quan tài, bình gas... để uy hiếp tinh thần, buộc các nạn nhân phải trả nợ. Tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương, gồm: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ, TPHCM, Hà Nội...
Ngày 18-02-2023, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự "cưỡng đoạt tài sản" để điều tra, làm rõ. Hai ngày sau, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng: Hà Thị Hiệp (nhân viên của Công ty Luật TNHH Pháp Việt; là đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khủng bố tinh thần tại Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu, P1TX.Cai Lậy, Tiền Giang) và Nguyễn Thanh Hải (nhóm trưởng của Hà Thị Hiệp), cùng về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Cùng ngày, cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với 13 đối tượng khác và đang củng cố chứng cứ, truy bắt các đối tượng khác liên quan.
Chân dung các "trùm" băng nhóm núp bóng công ty luật
Tại cơ quan điều tra, bước đầu, các đối tượng đã khai nhận Công ty luật Pháp Việt là tổ chức tội phạm hoạt động núp bóng công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính, dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (cùng là Phó Giám đốc Công ty luật Pháp Việt) cầm đầu. Các đối tượng này đều không có văn bằng chuyên ngành luật mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty.
Tổ chức tội phạm này có sự phân công cụ thể công việc cho từng nhân viên của công ty thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng. Trung bình mỗi tháng, công ty nhận của một số ngân hàng, công ty tài chính từ 141.000 - 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả, rồi phân chia cho nhân viên đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố tinh thần người vay.
Công ty luật Pháp Việt được một số ngân hàng, công ty tài chính trả từ 25-35% trên tổng số tiền thu được. Về số tiền này, Ban Giám đốc Công ty luật Pháp Việt dùng một phần để trả lương cho nhân viên và mua công cụ, phương tiện phục vụ việc đe dọa, khủng bố tinh thần người vay còn nợ tiền. Với lợi nhuận rất lớn từ hành vi cưỡng đoạt tài sản, số đối tượng này sử dụng đủ mọi thủ đoạn để buộc các nạn nhân phải trả tiền. Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định được hàng nghìn nạn nhân trong phạm vi cả nước.
Ngày 22-02-2023, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Châu, Hồ Quốc Hùng và Nguyễn Đình Thành (Trưởng phòng kiêm nhóm trưởng). Cơ quan điều tra kêu gọi các đối tượng liên quan đến Công ty luật Pháp Việt sớm trình diện, hợp tác, khai nhận hành vi phạm tội để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng kêu gọi các nạn nhân của Công ty luật Pháp Việt cung cấp thông tin qua cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.
(Còn tiếp...)