Vụ hết thuốc giải độc Botulinum: Nhà nước cần dự trữ thuốc hiếm
Cả 3 nạn nhân trong vụ ngộ độc Botulinum đang rơi vào tình trạng nguy kịch phải thở máy để duy trì sự sống vì không có thuốc giải độc. Vấn đề dự trữ thuốc hiếm là yêu cầu đang được đặt ra rất cấp bách.
Chờ thuốc hiếm
Ngày 23/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM cho biết, cả 3 nạn nhân bị ngộ độc Botulinum dù đã được chăm sóc, điều trị tích cực nhưng tình trạng vẫn chưa cải thiện và có xu hướng chuyển biến xấu. Nếu trước đó chỉ có 2 bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi phải thở máy thì đến nay bệnh nhân 26 tuổi cũng đã phải thở máy. Các bệnh nhân hiện tại đã rơi vào tình trạng yếu liệt cơ mức độ nặng, không thể vận động và tự thở được. Sự sống của người bệnh đang lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là những trường hợp rất đáng tiếc vì hệ thống y tế vừa sử dụng 2 liều thuốc giải Botulinum cuối cùng tại Việt Nam để cứu 3 cháu bé bị ngộ độc, điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM). “Với tình trạng thiếu thuốc giải như hiện nay, chúng tôi chỉ có thể điều trị hỗ trợ cho người bệnh bằng phương pháp nuôi ăn và thở máy để duy trì sự sống. Chất độc Botulinum đã khiến các bệnh nhân bị tổn thương thần kinh dẫn tới liệt cơ. Việc thở máy chỉ là giải pháp tình thế, nếu không sớm có thuốc giải bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều biến chứng, tình huống xấu nhất là tử vong” - TS.BS Quốc Hùng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề đáp ứng khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum, ngày 23/5 trao đổi với PV, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã có văn bản khẩn gửi đến Bộ Y tế trình bày về tính cấp thiết phải có thuốc BAT điều trị cho người bệnh.
“Mỗi liều thuốc giải BAT có giá khoảng 8.000 USD. Tuy nhiên, đối với sinh mạng con người, chúng ta không thể ngồi chờ để tính toán đắt hay rẻ. Với các loại thuốc hiếm, cần phải thực hiện ngay phương án dự trữ. Nếu cả năm không phải dùng đến chúng thì phải thấy đó là điều đáng mừng vì không xảy ra dịch bệnh và các trường hợp ngộ độc nguy hiểm”.
PGS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội TPHCM
“Chỉ có thuốc giải BAT mới giúp trung hòa độc tố Botulinum còn lại trong máu, ngăn không tấn công vào hệ thần kinh và giảm độ nặng triệu chứng cho các bệnh nhân. Những trường hợp được xác định ngộ độc Botulinum thì việc chỉ định sử dụng thuốc giải độc BAT càng sớm sẽ càng hiệu quả. Trong ngành y, việc dự phòng tốt hơn là điều trị nên khi phát sinh ca mới chúng ta cần phải có ngay thuốc giải để cứu mạng người” - BS Thanh Việt nói.
Không thể loại trừ thời gian tới sẽ phát sinh thêm nhiều trường hợp ngộ độc Botulinum vì một chuỗi 6 ca bệnh từ trẻ em đến người lớn đã liên tiếp ghi nhận. Nguồn thực phẩm nhiễm độc tố Botulinum có thể vẫn còn trong cộng đồng nhưng chúng ta chưa xác định được để có giải pháp xử lý nên nguy cơ ngộ độc luôn tiềm ẩn. Do đó, thuốc giải độc BAT cần phải được khẩn cấp mua về để xử trí cho các ca ngộ độc và dự phòng trong điều trị.
“Tôi cho rằng, việc dự phòng - dự trữ đối với các mặt hàng thuốc hiếm nói chung và Botulinum nói riêng là vai trò cấp quốc gia. Nhà nước cần chấp nhận những nguy cơ thuốc hết hạn và sử dụng các nguồn quỹ phù hợp để chi trả. Việc dự trù số lượng thuốc hiếm, thuốc giải độc BAT cần nhập tùy thuộc vào Bộ Y tế. Nếu bệnh viện phải nhập thuốc về dự trữ với cơ chế tự chủ thì sẽ rất khó khăn vì không đủ kinh phí” - BS Thanh Việt nói.
WHO hỗ trợ tìm thuốc hiếm điều trị
Ngày 23/5, tin từ Cục Quản lí dược (Bộ Y tế) cho hay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục để khẩn trương tiếp nhận lô thuốc điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.
Ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM ngày 21/5 về 3 trường hợp ngộ độc Botulinum, Cục Quản lí dược đã khẩn trương liên hệ, trao đổi và làm việc với WHO để hỗ trợ giải quyết. Ngoài ra Cục cũng đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, nhà cung ứng để có thêm nguồn cung ứng thuốc. Cục Quản lí Dược cho biết WHO có thể cung cấp khẩn cấp một số liều cho nhu cầu cấp bách của Việt Nam. Hiện, WHO và các cơ quan liên quan của Bộ Y tế, các bệnh viện có bệnh nhân cần điều trị ngộ độc Botulinum đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục, khẩn trương tiếp nhận lô thuốc này để điều trị cho các bệnh nhân.
Đại diện Cục Quản lí Dược thông tin thêm, thuốc giải độc tố Botulinum (thuốc BAT) rất hiếm. Vì mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ. Tuy nhiên nguồn cung thuốc BAT vẫn có, các bệnh viện sẽ liên hệ để đặt hàng.