Vụ hiệu trưởng bị phụ huynh bắt quỳ: Cần bảo vệ giáo viên trước hành vi hung hăng!
Việc bảo vệ trẻ khỏi những hành động bạo hành và bạo lực học đường là việc rất quan trọng nhưng bảo vệ giáo viên khỏi những hành vi lệch chuẩn từ học sinh, bảo vệ giáo viên từ nguy cơ những phụ huynh hung hăng cũng quan trọng không kém.
Trước đó, như báo chí phản ánh, chiều ngày 31.10, ông Võ Văn Đ. (phụ huynh có 2 con đang theo học tại Trường Tiểu học Sơn Lâm) ngang nhiên vác dao xông vào trường, đe dọa nhiều giáo viên, bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi. Sự việc chỉ dừng lại khi có lực lượng công an đến can thiệp.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh), Phan Đình Thống cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc một phụ huynh vác dao xông vào trường đe dọa giáo viên, bắt hiệu trưởng xin lỗi xuất phát từ việc trường thu Bảo hiểm Y tế bắt buộc chưa đạt chí tiêu nên đã phát loa ở trường nêu tên các học sinh chưa nộp tiền.
"Bản thân cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước việc bị phụ huynh vác dao, bắt quỳ xin lỗi. Cũng xin rút kinh nghiệm về hành xử khi đã phát loa gọi tên các em trước trường. Nhưng dù vậy, nhà trường cảm thấy áp lực khi thu bảo hiểm chưa đủ chỉ tiêu" - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) bày tỏ.
Đặt lên vai giáo viên quá nhiều trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh: “Qua vụ việc đơn lẻ này và những vụ việc học sinh hỗn hào với thầy cô, phụ huynh có hành vi ứng xử không đẹp trong nhà trường thì việc bảo vệ trẻ khỏi những hành động bạo hành và bạo lực học đường là việc rất quan trọng nhưng bảo vệ giáo viên khỏi những hành vi lệch chuẩn từ học sinh, bảo vệ giáo viên từ nguy cơ những phụ huynh hung hăng cũng quan trọng không kém”.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, chúng ta đang yêu cầu và đặt lên vai của người giáo viên rất nhiều trách nhiệm trong công cuộc đổi mới giáo dục. Họ được kỳ vọng là hình mẫu, là những tấm gương, phải hành xử mô phạm…
Nhưng hãy nhớ cho rằng Giáo viên cũng là con người:
Họ có quyền riêng của họ.
Họ cũng được phép không hoàn hảo như bất cứ ai trong số chúng ta.
Họ cũng cảm thấy mệt mỏi.
Họ có gia đình riêng của họ để chăm sóc.
Họ có những vấn đề riêng của họ cần được thấu hiểu.
Họ có điểm mạnh và điểm yếu riêng.
Họ cần cuộc sống xã hội của riêng họ.
Vì không thấu cảm được những điều này, dường như sau đại dịch, nhiều phụ huynh căng thẳng, mất kiểm soát hành vi bốc đồng nên thương trút giận lên giáo viên chỉ từ những việc rất nhỏ nhặt.
Và dường như cha mẹ đang ngày càng hoang mang hơn khi sống trong một thế giới có quá nhiều sự bất định và biến động. Tiếp xúc với quá nhiều mối nguy trên mạng, họ trở nên cực kỳ ám ảnh và với việc tìm một trường học, ám ảnh với cách ứng xử của giáo viên, sự phù hợp của chương trình nhà trường với con cái của họ… Khi stress càng nhiều, họ phản ứng càng bốc đồng hơn.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, đối với những phụ huynh quá nhạy cảm và ám ảnh về “danh dự”, nhạy cảm quá mức với sự sỹ diện thì luôn lo lắng về mọi nguy cơ “mất mặt” và thường sẽ hành xử mang tính hung hăng, không nhượng bộ để đáp trả ngay lập tức trả thù một tình huống nguy cơ bị xúc phạm hay đe dọa. Giáo viên cũng phải nhận diện và có cách ứng xử phù hợp với nhóm đối tượng này.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh quấy rối và bắt nạt giáo viên bằng lời nói chỉ trích trực tiếp các cuộc gọi phàn nàn. Họ cũng có thể quấy rối hoặc qua văn bản (như hàng tràng tin nhắn, email đề nghị yêu cầu vô lý, đe dọa sẽ kiện lên người quản lý cấp trên), thậm chí là hành vi hung hăng, xâm hại (như hành vi đập phá đồ đạc của họ hoặc tấn công trực tiếp như trong vụ việc này)… Tất cả đều gây thêm những áp lực và cảm xúc tiêu cực lên giáo viên.
Nhiều phụ huynh cũng có thể bắt nạt giáo viên khi chỉ đứng về phía con cái và bênh vực chúng khi chúng làm điều sai trái. Đe dọa bằng các tuyên bố sẽ kiện lên cấp cao hơn.
Cần trả lại đúng vai cho giáo viên
Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội), PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường cần phải được chuyển tải vào mọi hoạt động của Nhà trường chứ không phải chỉ để trong ngăn kéo.
Trong đó, phải nhấn mạnh nội quy hành xử của phụ huynh, khách đến trường phải theo quy tắc: đúng mực, tôn trọng, không bịa đặt thông tin, không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm. Những gì không được làm, những gì không được mang.
Thứ hai, cần phải xem xét lại vấn đề công tác an toàn ra vào trường học. Ngành giáo dục đào tạo đã ban hành các cẩm nang an toàn trường học rồi nhưng dường như chưa được triển khai tại các trường. Trong vụ việc cụ thể này, nếu một phụ huynh mang vũ khí có thể ra vào tự do trong trường học, lên thẳng phòng hiệu trưởng khống chế thì rất nhiều nguy cơ về tấn công, bạo lực có thể xảy ra với học sinh mà nhà trường hoàn toàn không thể phát hiện và ngăn cản.
Thứ ba, trong vụ việc cụ thể này, cần thấu hiểu cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục họ đang đứng trong một mâu thuẫn làm những gì mà họ cảm thấy đúng cho nhà trường và học sinh (do the right things) và phải làm đúng theo những mệnh lệnh, nhiệm vụ cấp trên giao (do the things right). Vì mệnh lệnh cấp trên giao khiến họ đã phải làm những việc không “đúng vai” dẫn đến những phiền phức không đáng có.
“Muốn đổi mới giáo dục, cần bảo vệ giáo viên, cần trả lại “đúng vai” cho họ” – PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Xúc phạm nhà giáo, học sinh, sinh viên bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng
Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã quy định rõ các mức phạt tiền về các hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo và người học tại điều 26 như sau:
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục; vi phạm quy định về chính sách đối với nhà giáo bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm sự.
Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại quy định trên, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có thể yêu cầu không xin lỗi công khai.
Điều 28 của Nghị định quy định về vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định trên.
Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/10/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, mục 7 nói về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo, người dạy và người học.
Cụ thể, Nghị định quy định phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền 10-15 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.