Vụ Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế cầm quyền trượng ở lễ tốt nghiệp: Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nói gì?
Hình ảnh Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, cầm quyền trượng, khoác áo thụng, đeo vòng cổ, dẫn đầu các thầy cô giáo đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Liên quan vụ Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế cầm quyền trượng ở lễ tốt nghiệp, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề nghị báo cáo sự việc.
Theo báo Người lao động, tối ngày 31/7, ĐH Quốc gia Hà Nội gửi công văn đến Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, đề nghị báo cáo tình hình tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp ngày 29/7 vừa qua gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận được nhiều ý kiến thể hiện sự không đồng tình với trang phục lễ phục mà Trường ĐH Kinh tế sử dụng trong Lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên và học viên của trường năm 2022.
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế phải báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đang gây tranh cãi trước ngày 2/8 tới. Đồng thời, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng trường này phải chỉ đạo rà soát và điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp để tránh lặp lại tình trạng tương tự.
Trước đó, báo Vietnamnet đưa tin, ngày 29/7, Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Tại đây, Trường ĐH Kinh tế đã ra mắt bộ lễ phục mang dấu ấn và thương hiệu của mình. Theo đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, cầm quyền trượng, khoác áo thụng, đeo vòng cổ, dẫn đầu các thầy cô giáo.
Hình ảnh này đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Có quan điểm cho rằng đây là màu mè, vẽ vời. Việc hiệu trưởng khoác bộ lễ phục, mình đeo tràng hạt, tay cầm quyền trượng là hình thức lai căng. Tại sao không nghĩ ra nghi thức tốt nghiệp khác sinh động, bình dị mà có ý nghĩa hơn?
Một tài khoản trên mạng xã hội facebook cho rằng việc tạo ra một hình thức ấn tượng trong lễ trao bằng tốt nghiệp cũng là chấp nhận được, để ghi dấu ấn kỷ niệm với sinh viên ra trường. Nhưng ghi dấu ấn như thế nào thì lại là một vấn đề liên quan đến sự thẩm thấu văn hóa.
Người phụ nữ ròng rã cưu mang hàng nghìn con chó, mèo từ lò mổ