Vụ học sinh nghỉ học bất thường tại huyện Mê Linh: Con trẻ chịu thiệt thòi nhiều nhất
Ngày 22/11, hàng ngàn học sinh tại 5 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn đang phải nghỉ học. Sự việc khiến cuộc sống của một bộ phận người dân bị đảo lộn. Nhưng chịu thiệt thòi nhiều nhất, có lẽ là những đứa trẻ không được đến trường.
Vẫn còn 1.543 học sinh nghỉ học
Sáng 22/11, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã về khảo sát tình hình tại địa bàn hai xã: Thanh Lâm và Tam Đồng. Ghi nhận cho thấy, tại 5 trường: Mầm non – Tiểu học – THCS thuộc xã Tam Đồng và 2 trường Mầm non Thanh Lâm A – Tiểu học Thanh Lâm A có nhiều học sinh đã đến trường. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trẻ hiện chưa đi học trở lại.
Đi qua các xã Thanh Lâm, Tam Đồng, không khó để nhận thấy nhiều trẻ trong độ tuổi đến trường tụ tập, vui chơi ven đường. Em Ng.Đ.Q, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Thanh Lâm A cho biết, gia đình có 3 chị em thì chỉ có chị đầu học lớp 7 đang đi học ở trường THCS Thanh Lâm A, còn lại chị thứ hai học lớp 5 và Q. thì vẫn nghỉ học. “Cháu nghỉ học từ thứ Hai. Bố mẹ nói là tuần sau sẽ cho đi học trở lại…” – cậu bé nhỏ xíu mới học lớp 2 chia sẻ.
Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mê Linh Trần Thị Lan cho biết, từ ngày 14/11/2019, tại các trường nêu trên xuất hiện tình trạng học sinh nghỉ học với số lượng lớn. Đến ngày 22/11, số lượng học sinh nghỉ học đã có chiều hướng giảm dần, nhưng không nhiều, hiện vẫn còn 1.543 em chưa đến trường trở lại.
Cụ thể, tại trường Mầm non Tam Đồng có 255/547 học sinh nghỉ học (chiếm 46,6%); trường Tiểu học Tam Đồng có 356/591 học sinh nghỉ học (chiếm 60,2%); trường THCS Tam Đồng có 217/476 học sinh nghỉ học (chiếm 45,5%); trường Mầm non Thanh Lâm A có 322/492 học sinh nghỉ học (chiếm 65,4%); và trường Tiểu học Thanh Lâm A có 384/1.046 học sinh nghỉ học (chiếm 36,7%).
Muốn cho con em đi học, nhưng…
Qua trao đổi với giáo viên một số nhà trường được biết, nhiều học sinh nghỉ học có kèm theo đơn xin “nghỉ ốm”. Tuy nhiên, thực tế nguyên nhân không phải như vậy. Trong những ngày các cháu nghỉ học, có tình trạng một số người dân chặn các ngả đường, không cho học sinh đến trường.
Cá biệt có trường hợp tự ý vào... tận lớp học yêu cầu các học sinh phải nghỉ học. Nguyên nhân là bởi một bộ phận người dân không đồng tình với việc triển khai Dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước.
Khi chúng tôi đề cập tới việc không cho trẻ đến trường bên cạnh việc ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, còn vi phạm quy định pháp luật về quyền trẻ em, không ít người cho biết, họ hiểu điều đó, tuy nhiên, không thể làm khác. Sở dĩ vậy là bởi “sống cùng làng cùng xóm, không thể không theo ý kiến chung…”
Ông Ng.V.T ở thôn Phú Hữu (xã Thanh Lâm) cho hay, mấy ngày qua, ông phải 1 tay chăm sóc cho 2 cháu ngoại, 1 cháu 5 tuổi, 1 cháu 2 tuổi. “Ngày thường bố mẹ cháu đi làm, gửi các cháu đi học ở trường Mầm non Thanh Lâm A. Nhưng gần 1 tuần nay, hai cháu phải ở nhà vì không sao khác được…” – ông T. cho hay.
Một số người dân khi được hỏi cũng chia sẻ, dù biết việc không đến trường sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của các cháu, nhất là khi học kỳ 1 đang bước vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, “dân làng bảo làm sao thì phải nghe vậy, sống cùng làng cùng xóm, không thể một mình một ý được…” - một phụ huynh ngậm ngùi nói.
Phải bảo vệ quyền lợi cho trẻ em
Dù số lượng học sinh nghỉ học có chiều hướng giảm, tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Mê Linh, mức tăng này còn chậm và diễn biến thời gian tới còn có thể phức tạp hơn. Chính vì vậy, địa phương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền trẻ em.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, đơn vị đang tiếp tục quán triệt các trường học trên địa bàn hai xã Thanh Lâm và Tam Đồng, cũng như toàn huyện nói chung về việc thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy. Bên cạnh đó là thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền trẻ em đã được luật pháp quy định như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục, Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em… Theo ông Tuấn, các hành vi cản trở trẻ em đến trường đều vi phạm các quyền của trẻ em và cần được xem xét, xử lý.
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trường học, huyện Mê Linh cũng đã phân công lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên phối hợp với ban giám hiệu nhà trường xuống từng nhà dân để vận động phụ huynh cho con em đến trường. Đồng thời, giao công an huyện có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xúi giục, kích động, ngăn cản phụ huynh đưa trẻ đến trường.
Nhấn mạnh việc phụ huynh không cho trẻ đến trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, đạo đức của học sinh và vi phạm quyền trẻ em, ông Hoàng Anh Tuấn đề nghị các bậc phụ huynh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không để bị lợi dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được đến lớp của con em, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.