Vụ hộp cơm thịt chuột: Xác định được người đăng tin sai sự thật

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã xác định được người đăng tin sai sự thật về hình ảnh bữa cơm với thịt chuột tại huyện Nam Giang.

Ngày 6/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết, đã xác định được người đăng tin và hình ảnh sai sự thật về hộp cơm chỉ có thịt chuột của các em học sinh huyện miền núi Nam Giang.

Cụ thể, sau khi fanpage “Quảng Nam - Đà Nẵng” đăng tải bài viết “Xót xa trước hộp cơm của các em học sinh vùng cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam”, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND huyện Nam Giang vào cuộc xác minh và khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Đồng thời phối hợp Công an tỉnh Quảng Nam mời quản trị (admin) fanpage nói trên đến làm việc.

Qua xác minh, fanpage đăng bài viết trên có tên “Quảng Nam - Đà Nẵng” của ông H. N. S. - Giám đốc Công ty Cổ phần liên kết marketing CGB, có địa chỉ tại đường Trường Chinh, phường Hòa Phát, Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành các bước để xử phạt theo quy định.

Bài viết gây xôn xao mạng xã hội được fanpage chia sẻ

Bài viết gây xôn xao mạng xã hội được fanpage chia sẻ

Như Báo Công Thương đưa tin trước đó, hồi tháng 9/2022 trên mạng xã hội facebook, nhiều tài khoản người dùng cá nhân, fanpage, group đã đăng tải hình ảnh một hộp cơm thịt chuột với nội dung được cho là của các em học sinh vùng cao tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Các bài viết thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng với hàng chục nghìn lượt cảm xúc, chia sẻ và bình luận.

Nội dung bài viết ghi rằng: “Không phải một bữa cơm đầy đủ thịt cá, không phải hộp cơm đẹp đẽ được mẹ chuẩn bị cẩn thận mỗi buổi sớm trước khi đến lớp. Dưới đây là hình ảnh hộp cơm của một em học sinh vùng cao tại Nam Giang, Quảng Nam khiến nhiều người phải xót xa, không khỏi chạnh lòng.

Mới đây, tài khoản của một cô giáo đã chia sẻ khoảnh khắc bé học sinh với bữa trưa đạm bạc, đầy thương xót. Hình ảnh ghi lại hộp cơm chỉ vỏn vẹn cơm trắng và món “chuột” chế biến sơ sài được em tranh thủ ăn vội lúc ở trường đã khiến nhiều người nhói lòng.

“Thực đơn” không hề có rau xanh, không có thịt cá mà chỉ là một hộp cơm nguội lạnh thế mà các em vẫn ăn một cách ngon miệng, nhìn vào những hình ảnh này thật khó ai có thể kiềm lòng. Đặc biệt, các em hầu hết đều là những học sinh lớp 1 lớp 2, thậm chí là mầm non.

Mặc dù, đó chỉ là một bữa cơm không đủ dinh dưỡng nhưng đối với các em đó là một bữa ăn thịnh soạn, một bữa ăn khiến lũ trẻ hạnh phúc. Cảm xúc thật khó tả khi nhìn khuôn mặt ngây thơ, non nớt, lấm lem, xúc vội miếng cơm ấy.

Thực sự, các em học sinh ở những vùng sâu vùng xa, vùng miền núi khó khăn phải chịu rất nhiều thiệt thòi, bữa cơm đầy đủ thức ăn thịt rau cá củ quả hay một bữa ăn no thật sự là điều không dễ dàng. Nhìn cảnh các em ăn uống vui vẻ khiến nhiều người rơi nước mắt.

Hi vọng sau khi hình ảnh được đăng tải sẽ có nhiều nhà hảo tâm và mạnh thường quân liên hệ và giúp đỡ các em một phần nào. Đó chính là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cho các em trong những ngày tựu trường”.

Qua xác minh, UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã ra thông tin chính thức về sự việc này. Qua đó xác định, hình ảnh trên được chụp vào thời điểm tháng 12/2019 tại một điểm trường thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ khi Trường mầm non thị trấn Thạnh Mỹ tổ chức hoạt động “Ngày Tết quê em”, trong đó có hoạt động lễ hội ẩm thực truyền thống. Theo nội dung các hoạt động có phần thi chế biến, trưng bày các món ăn đặc sản truyền thống các dân tộc sinh sống trên địa bàn nên giáo viên đã vận động phụ huynh mang theo các thực phẩm, các món ăn ẩm thực truyền thống của địa phương đến trường để cùng nhau chế biến, trưng bày trong hội thi. Trong đó, có phụ huynh đã mang theo cơm với thịt chuột rừng (món ăn dân dã của đồng bào) và cô giáo chụp lại để làm kỷ niệm. Trong thời gian qua, cô giáo có chia sẻ trong nhóm và người dùng mạng xã hội mượn hình ảnh này đăng tải thông tin không trung thực về sự việc, ngữ cảnh diễn ra.

Hạ Vĩ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-hop-com-thit-chuot-xac-dinh-duoc-nguoi-dang-tin-sai-su-that-222335.html