Chọn tổ hợp môn học lớp 10 có ảnh hưởng khi thi tốt nghiệp THPT?

Theo chuyên gia giáo dục, khi các em học sinh bước vào lớp 10 cần được tăng cường năng lực tìm hiểu nghề nghiệp, hướng nghiệp và lựa chọn môn học.

Gặp khó nếu chọn sai tổ hợp môn học

Năm nay là năm thứ 3 thực hiện chương trình GDPT mới ở bậc THPT. Theo chương trình GDPT năm 2018, học sinh lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Giáo dục của địa phương và Lịch sử.

Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên dạy Hóa học tại Hà Nội cho rằng, ở chương trình mới, bậc THPT được phân định rõ là bậc học định hướng nghề nghiệp, do đó các em phải nghiêm túc nghiên cứu và lựa chọn làm sao hạn chế sai sót, vì sửa sẽ rất khó.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2024.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2024.

Để gỡ khó cho các em, năm nay công tác tư vấn chọn môn được các trường triển khai cẩn trọng và phụ huynh cũng chủ động hơn trong việc hỗ trợ con lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với thiên hướng và mục tiêu của mình.

Theo ông Hoàng Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), dù là năm thứ 3 thực hiện chương trình mới nhưng trước khi nhập học, nhà trường vẫn phải tư vấn để phụ huynh hiểu rõ trước khi lựa chọn các môn học tổ hợp.

Khi tư vấn, giáo viên trao đổi với phụ huynh, căn cứ năng lực của con cũng như định hướng ngành nghề trong tương lai phù hợp với nhóm môn học nào để có sự lựa chọn trúng nhất. "Nhiều phụ huynh đã hiểu được, với chương trình mới, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn và các ngành nghề nào sẽ phải học môn gì phù hợp".

Theo quy định của Bộ GD&ĐT cho phép học sinh nếu chọn sai có thể đổi tổ hợp môn nhưng việc đó chỉ được thực hiện khi hết chương trình học lớp 10. "Trên thực tế, việc này khó khăn cho học sinh bởi sau 1 năm học, nếu muốn chuyển sang tổ hợp khác, lớp học khác, các em sẽ phải tự bổ trợ kiến thức để vượt qua bài kiểm tra của nhà trường. Về việc này, trong chương trình tư vấn từ khi vào lớp 10, phụ huynh được nghe để hiểu rõ, đồng thời nhà trường cũng cho các em khoảng thời gian từ 2 tuần đến 1 tháng đầu năm học có thể thay đổi nguyện vọng một lần nữa", ông Thuận cho biết..

Thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi và các tổ hợp xét tuyển đại học

Theo thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên dạy Sinh học tại Hà Nội cho biết, từ năm 2025, học sinh sinh năm 2007 và các thế hệ sau sẽ chính thức bước sang kỳ thi tốt nghiệp THPT theo định dạng mới về môn thi và cấu trúc đề. Thế hệ 2007 là thế hệ đầu tiên sản phẩm của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh chỉ cần thi 4 môn bao gồm: Toán (bắt buộc) + Văn (bắt buộc) + Môn tự chọn 1 (tự chọn bắt buộc) + Môn tự chọn 2 (tự chọn bắt buộc). Như vậy, hai môn tự chọn sẽ được thí sinh chọn trong 9 môn các em học ở trường phổ thông. Lưu ý, hai môn này các em bắt buộc phải học ở chương trình lớp 12, nếu lớp 12 các em không học môn học nào sẽ không được dùng để thi tốt nghiệp môn đó. Về mặt lý thuyết thuyết, sẽ có 9C2 = 36 tổ hợp môn thi khác nhau cho học sinh sinh từ năm 2007 (như bảng trong ảnh).

36 tổ hợp môn thi khác nhau cho học sinh sinh từ năm 2007.

36 tổ hợp môn thi khác nhau cho học sinh sinh từ năm 2007.

Thầy Công cho rằng, việc chọn tổ hợp môn học khi vào lớp 10 có ảnh hưởng quyết định đến việc chọn tổ hợp môn thi khi thi tốt nghiệp THPT.

Các khối thi truyền thống như A00, A01, B00, C00, D01… chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số nhưng các trường đại học vẫn có thể dùng các tổ hợp này để xét tuyển như những năm vừa qua. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của "màu xanh" hy vọng là các tổ hợp khối "chưa được đặt tên" hoặc được đặt tên nhưng hiếm khi các trường đại học dùng.

Đối với những thí sinh theo các tổ hợp môn học "nghèo" các khối thi truyền thống cần theo dõi sát sao phương án tuyển sinh của các trường để biết môn mình học có phù hợp với trường muốn thi tuyển hay không.

Có vẻ học sinh Hà Nội với giai đoạn cấp 2 chỉ học Toán, Văn, Anh để thi vào 10 sẽ lựa chọn tổ hợp thi Toán, Văn, tiếng Anh và Vật lí sẽ có được 2 khối thi truyền thống là A01 và D01 để xét tuyển vào các ngành thuộc khối Kinh tế…

"Nếu thí sinh chỉ giới hạn phương án vào đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến cơ hội vào đại học của các em bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, các em cần nghiên cứu các kỳ thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy, các phương án xét tuyển bằng học bạ, học bạ phối hợp với các chứng chỉ chuẩn hóa… điều này khiến gia đình phải đầu tư tốn kém hơn, chịu khó tìm hiểu về tương lai nghề nghiệp của mình hơn và có trách nhiệm hơn với các lựa chọn của mình.

Suy cho cùng, chẳng ai có thể chịu trách nhiệm cho tương lai của mình bằng chính bản thân mình. Do vậy, các em học sinh bước vào cấp 3 cần được tăng cường năng lực tìm hiểu nghề nghiệp, hướng nghiệp và lựa chọn môn học", thầy Công khuyên.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chon-to-hop-mon-hoc-lop-10-co-anh-huong-khi-thi-tot-nghiep-thpt-169240709135252199.htm