Sôi nổi lớp học chữ Thái dịp hè

Dịp hè, các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn huyện Yên Châu mở các lớp dạy chữ Thái, thu hút đông đảo học viên đủ mọi lứa tuổi tham gia.

Đầu tháng 6, câu lạc bộ văn hóa Thái xã Chiềng Sàng khai giảng lớp học chữ Thái với hơn 20 học viên là các em học sinh độ tuổi từ 5-16 tuổi. Lớp học do ông Hoàng Văn Dương giảng dạy, bắt đầu từ 8 giờ đến 10 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 4 trong tuần tại Trường THCS Chiềng Sàng.

Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông Dương vẫn hăng say đứng lớp, dạy cho các em nhỏ học chữ Thái. Ông Dương tâm sự: Hiện nay, nhiều người dân và trẻ em biết nói tiếng Thái, nhưng không biết đọc, không biết viết chữ Thái. Năm 2022, được sự ủng hộ của Câu lạc bộ văn hóa Thái Chiềng Sàng, tôi đã mở lớp dạy chữ Thái miễn phí cho học sinh.

Ông Hoàng Văn Dương hướng dẫn học sinh xã Chiềng Sàng đọc tiếng Thái.

Ông Hoàng Văn Dương hướng dẫn học sinh xã Chiềng Sàng đọc tiếng Thái.

Có kinh nghiệm là giáo viên tiểu học gần 40 năm, ông Dương đã vận dụng nghiệp vụ sư phạm vào truyền dạy chữ Thái các em nhỏ. Em Lò Thị Hải Yến, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Chiềng Sàng, nói: Là người dân tộc Thái, em rất thích tìm hiểu, học chữ viết của dân tộc mình. Sau một tháng được ông Dương chỉ dạy, em đã biết viết tên của mình và tên người thân trong gia đình, đọc được một số bài thơ tiếng Thái.

Các em học sinh say sưa tập viết chữ Thái.

Các em học sinh say sưa tập viết chữ Thái.

Không phải là học sinh trên địa bàn xã, nhưng em Hoàng Thị Yến Nhi, học sinh lớp 10, Trường THPT Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, cũng tham gia lớp học, chia sẻ: Hè này, em được bố mẹ cho về thăm ông bà nội đang sinh sống tại huyện Yên Châu. Thấy các bạn trong bản tham gia lớp học chữ Thái, em đã đăng ký theo học. Lớp học rất bổ ích, giúp em hiểu hơn về văn hóa của dân tộc Thái, góp phần lưu giữ văn hóa của dân tộc mình.

Lớp học chữ Thái tổ chức tại nhà sàn của Câu lạc bộ Thái cổ Mường Vạt, xã Chiềng Pằn.

Lớp học chữ Thái tổ chức tại nhà sàn của Câu lạc bộ Thái cổ Mường Vạt, xã Chiềng Pằn.

Còn tại xã Chiềng Pằn, hơn một tháng nay, đều đặn vào các ngày thứ 7, chủ nhật, trong không gian ngôi nhà sàn sinh hoạt chung của Câu lạc bộ Thái cổ Mường Vạt diễn ra lớp học chữ Thái của ông Lường Văn Chựa, lớp học thu hút gần 20 học viên.

Chuyên cần đến lớp học, không chỉ có học sinh tiểu học, trung học, có cả bà con trong bản độ tuổi 35-55 cũng đến nghe giảng. Không khí lớp học sôi nổi, hào hứng khi tiếng thầy đọc trước, học trò đồng thanh đọc sau. Ngoài việc dạy chữ, ông Chựa còn kể các câu chuyện về lịch sử người Thái, đưa các câu “khắp” (hát Thái) vào bài học, tạo sự hứng thú, chăm chú theo dõi lắng nghe.

Học viên tập viết chữ Thái dưới sự hướng dẫn của ông Lường Văn Chựa.

Học viên tập viết chữ Thái dưới sự hướng dẫn của ông Lường Văn Chựa.

Chia sẻ lý do mở lớp dạy chữ Thái tại xã, ông Chựa nói: Từ nhỏ, tôi đã được ông cha truyền dạy chữ viết. Càng học, càng say mê những nét đặc sắc văn hóa gửi gắm phía sau những câu chữ. Đó là những làn điệu dân ca, bài hát giao duyên tình tứ, kho tàng thành ngữ, tục ngữ rất cô đọng, triết lý; thể hiện đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng người dân tộc Thái xưa. Mong muốn bảo tồn nét đẹp văn hóa này, tôi đã đề xuất với các bản cho mượn nhà văn hóa và cùng với một số người bạn tổ chức dạy chữ Thái miễn phí cho bà con.

Ông Chựa đã vận động nhân dân đóng góp bàn, ghế, sách vở cho học sinh; phối hợp với Câu lạc bộ Thái cổ Mường Vạt nghiên cứu, biên soạn giáo án để học viên dễ học, dễ tiếp thu.

Các học viên lớn tuổi hào hứng tham gia lớp học.

Các học viên lớn tuổi hào hứng tham gia lớp học.

Bà Lò Thị Xuân, 57 tuổi, đang theo học lớp chữ Thái, tâm sự: Vì đã lớn tuổi, nên việc học chữ tương đối khó. Cách phát âm và ghép vần chữ Thái khác nhiều so với tiếng phổ thông. Nhưng được thầy chỉ bảo tận tình, tôi cố gắng học, biết viết chữ và đọc thông thạo chữ Thái, làm gương cho con cháu.

Bài giảng được các em nhỏ chú ý lắng nghe.

Bài giảng được các em nhỏ chú ý lắng nghe.

Hiện nay, các lớp học chữ Thái trên địa bàn huyện Yên Châu được mở linh hoạt, phù hợp tùy vào lứa tuổi, công việc của học viên. Đối với bà con, ban ngày bận rộn công việc, đồng áng, lớp học thường mở vào buổi tối; còn với học sinh, lớp học được mở cuối tuần; mỗi khóa học kéo dài 2-3 tháng, giúp học viên dịch, đọc và viết chữ Thái.

Việc truyền dạy chữ viết dân tộc Thái, không đơn thuần là học viết, học đọc, mà còn học cả kho tàng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những lớp học chữ Thái như của ông Lường Văn Chựa, ông Hoàng Văn Dương cần được quan tâm nhân rộng, phát huy hiệu quả hơn với cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/soi-noi-lop-hoc-chu-thai-dip-he-RqkJ3plIR.html