Vụ HS tử vong ở Trường Phổ thông Quốc tế VN: Lời ân hận muộn màng của GV
Thầy giáo trong vụ HS đuối nước ngày 22/8 ân hận vì bản thân sơ ý dẫn đến sự việc đau lòng. Theo Hiệu trưởng, đó là buổi luyện tập bơi để đi thi, HS đều biết bơi.
Lời ân hận muộn màng của thầy giáo dạy bơi
Liên quan đến vụ nam sinh đuối nước dẫn đến tử vong tại bể bơi của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông (thành phố Hà Nội) đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Trần Lâm Thắng (sinh năm 1999, giáo viên môn bơi lội của nhà trường) về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù đã có kinh nghiệm làm việc khoảng 3 năm tại các môi trường khác, song, tuổi đời còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm, và đây là buổi nhận lớp đầu tiên của Trần Lâm Thắng tại Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, nên đã không kịp thời bao quát, để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Thuật lại diễn biến sự việc chiều ngày 22/8, Thắng cho biết, có tiết dạy bơi lội từ 13 giờ 20 phút đến 14 giờ cho các em học sinh tại bể bơi của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông). Đây là buổi thực hành bơi lội đầu tiên dưới bể bơi của lớp.
Tuy nhiên, do cá nhân sơ ý, không quan sát học sinh và sử dụng điện thoại trong quá trình dạy, nên đã để xảy ra sự việc đau lòng.
Thắng kể lại: “Theo quy định của nhà trường, mỗi tiết dạy bơi thực hành sẽ có 1 giáo viên phụ trách bộ môn và 2 nhân viên cứu hộ.
Tuy nhiên, do quá tự tin vào bản thân nên trong buổi chiều 22/8, khi khu vực bể bơi chưa mở cửa, chỉ để mở một lối cửa sau, tôi đã dẫn học sinh vào. Trong quá trình này, cũng chưa có ban quản lý bể bơi và nhân viên cứu hộ, tôi đã cho nhóm học sinh vào, hướng dẫn tắm tráng và xuống bể, tuy nhiên không hướng dẫn rõ là đối tượng nào không biết bơi ở đâu, hay ai biết bơi thì ở khu vực nào, chỉ cho bơi tự do...
Cũng theo quy trình, khi dạy phải phát phao bơi, nhưng do ngày hôm đó, có một mình tôi quản lý quá nhiều học sinh nên chưa kịp phát phao cho các em.
Hôm đó, là buổi đầu tiên tôi trực tiếp dạy các em này, tôi cũng chưa nắm được học sinh nào biết bơi, học sinh nào chưa biết bơi. Tôi chỉ quan sát học sinh và dựa vào năng lực của mình để phán đoán năng lực các em”.
“Khi nghe tin học sinh Phạm Hải A. chìm dưới đáy bể, tôi cùng một số giáo viên nhanh chóng cứu vớt em A. lên bờ và tiến hành các biện pháp sơ cứu, rồi nhanh chóng đưa em đến bệnh viện.
Tuy nhiên khi đến bệnh viện, các bác sĩ đã thông báo, em A. tử vong ngoại viện. Để xảy ra sự việc, với tư cách một giáo viên, tôi rất buồn và cắn rứt lương tâm.
Bản thân tôi nhận thức được hành vi của mình là sai, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc đến gia đình nạn nhân, chia sẻ nỗi đau cùng họ…” - Trần Lâm Thắng rơi nước mắt khi nhắc lại sự việc.
Thắng ngậm ngùi gửi lời xin lỗi và chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân: “Bản thân tôi hiểu rõ nỗi đau mất mát này, nên rất mong gia đình có thể bớt đau buồn...”.
Buổi học bơi không nằm trong chương trình học của trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam cho hay: “Khi biết tin sự việc xảy ra, tôi như bàng hoàng, chạy đến bể bơi thì thấy cảnh mọi người đang ra sức sơ cứu cho học sinh Hải A. và đưa đi cấp cứu.
Ngay sau đó, nhà trường đã liên hệ với gia đình của Hải A., đến tận nhà đưa đón đến tận nơi. Chúng tôi hết sức đau buồn và cũng rất chia sẻ với nỗi mất mát của gia đình. Chúng tôi coi các em học sinh như con cháu trong nhà. Nhà trường cố gắng ở bên động viên gia đình và tìm mọi cách để hỗ trợ gia đình vun vén hậu sự”.
Nữ Hiệu trưởng cũng thông tin thêm: “Trong chương trình học chính khóa của nhà trường không có môn bơi lội, chỉ tổ chức một số câu lạc bộ. Tuy nhiên, hằng năm, vào mỗi dịp chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường thường tổ chức một cuộc thi bơi mang tên “Đường đua xanh” cho học sinh giao lưu, những học sinh biết bơi, bơi tốt của các lớp sẽ đăng ký tham gia. Chiều ngày 22/8 là buổi ôn luyện của nhóm học sinh này sau kỳ nghỉ hè, để chuẩn bị cho cuộc thi vào cuối tháng 8”.
Chia sẻ về nam giáo viên liên quan đến vụ việc, cô Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhà trường mới tuyển dụng vào cuối năm học 2022-2023. “Quá trình tuyển dụng cũng thông qua phỏng vấn, dự giờ, đánh giá đúng quy trình... Tuy nhiên, xảy ra sự việc đáng tiếc, nhà trường tạm dừng việc giảng dạy của thầy ngay lập tức. Đồng thời, chúng tôi cũng lưu ý, nhắc nhở đến giáo viên toàn trường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng dừng mọi hoạt động bơi cũng như dừng tổ chức cuộc thi bơi lội này lại” - nữ Hiệu trưởng thông tin.
Qua trao đổi với một đại diện khác của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, được biết, mặc dù bể bơi nằm bên trong khu vực khuôn viên trường, nhưng lại do một đơn vị khác quản lý. “Bể bơi do một đơn vị khác có chuyên môn quản lý, vì sẽ có chuyên môn hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nước, khu vực bể, phao cứu hộ, có nhân viên cứu hộ hỗ trợ...” - vị này lý giải.
Tuy nhiên, qua quan sát của phóng viên tại khu vực bể bơi vào sáng ngày 24/8, nước trong bể có màu khá đục, đứng trên bờ không thể quan sát được dưới đáy bể bơi.
Thông tin thêm với phóng viên về vụ việc, Trung tá Ngô Ngọc Nam - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông cho biết, đây là vụ việc nghiêm trọng, hậu quả rất đau lòng.
Trung tá Ngô Ngọc Nam nhấn mạnh: “Thầy giáo dạy môn bơi đã thiếu tinh thần trách nhiệm. Khi cho học sinh vào bể bơi thực hành đã không thực hiện đúng các quy định như phổ biến hướng dẫn trước khi bơi, không phát phao bơi. Trong quá trình học sinh bơi dưới bể, thầy giáo không quản lý giám sát chặt chẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra”.