Vũ khí 'bất khả chiến bại' của Nga sẽ được đặt tại Belarus
Quan chức Nga thông báo, tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik sẽ được triển khai tại Belarus theo các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước.
Hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Alexey Polishchuk, Vụ trưởng phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) thuộc Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai (3/2) cho biết: "Tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik của Nga sẽ được triển khai tại Belarus theo thỏa thuận của tổng thống hai nước trước đó".
Quan chức này lưu ý, theo các nghĩa vụ đồng minh đã được ghi nhận trong Khái niệm An ninh Liên bang và Thỏa thuận song phương giữa hai nước về bảo đảm an ninh năm 2024, Nga sẵn sàng cung cấp cho Minsk sự hỗ trợ cần thiết và thực hiện các bước để bảo vệ không gian phòng thủ chung.
Cuối tháng 1/2025, Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố, Belarus sẽ sớm nhận được tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik của Nga, và vũ khí này được triển khai gần Smolensk (thành phố của Nga, nằm cách biên giới Belarus khoảng 60km về phía đông). Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng tên lửa Oreshnik có thể được đặt ở một nơi khác sau này.
Quyết định triển khai tên lửa Oreshnik ở Belarus cho thấy mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Minsk và Moscow ngày càng sâu sắc hơn. Hai nước đã đồng ý mở rộng các chương trình phòng thủ chung, bao gồm việc cung cấp những loại vũ khí mới nhất và tập trận chung.
Oreshnik đã được thử nghiệm thực chiến tại Ukraine vào tháng 11/2024, mục tiêu là nhà máy quân sự Yuzhmash ở Dnepr. Cuộc tấn công của Nga nhằm đáp trả việc Ukraine dùng tên lửa tầm xa ATACMS phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Truyền thông Nga cho biết, Oreshnik là một trong những loại vũ khí mới nhất của nước này, có thể đạt tốc độ gấp hơn 10 lần âm thanh, tương đương gần 11.000km/h. Tên lửa không thể bị đánh chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ hiện có nào.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine đánh giá, Oreshnik mang theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn có một cụm 6 đầu đạn con. Thời gian bay của đạn từ lúc phóng ở khu vực Astrakhan đến Dnepr là 15 phút, tốc độ ở giai đoạn cuối trên Mach 11 (khoảng 13.600 km/h).