Vũ khí bí mật của Hitler: Ông của bom thông minh
Fritz X, một trong những loại bom bí mật nhất của trùm phát xít Adolf Hitler, được coi là ông của bom thông minh ngày nay.
Fritz X là vũ khí dẫn đường chính xác đầu tiên trên thế giới được triển khai trên chiến trường và là vũ khí đầu tiên đánh chìm một con tàu trên chiến trường. Cùng với Azon của Mỹ cùng thời kỳ, Fritz X là tiền thân của vũ khí dẫn đường chính xác và tên lửa chống tàu hiện đại.
Bom lượn Fritz X được dẫn đường bằng sóng radio, có khả năng đánh trúng những mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt như tàu chiến, tàu tuần dương hạng nặng… Fritz X có thể xuyên qua thép dày hơn 76 cm và có thể được thả từ độ cao 6,1 km.
Fritz X có phần đầu mang tính khí động học cao hơn các loại bom khác cùng thời, 4 cánh ngang, phần đuôi hình hộp. Bom lượn được thả từ độ cao tối thiểu 4km.
Fritz X do nhà khoa học Đức Max Kramer thiết kế, được sử dụng trong hai năm 1943-1944. Bom nặng 1.362 kg, dài 3,32 m, rộng 1,4m, đường kính 85,3 cm, đầu đạn nặng 320 kg. Bom có tốc độ rơi 343 m/giây, 1.235 km/h. Fritz X sử dụng hệ thống dẫn đường Kehl-Straßburg FuG 203/230; MCLOS.
Fritz X được thả lần đầu tiên vào ngày 21/7/1943 trong một trận không kích vào bến cảng Augusta ở Sicily (Ý). Sau đó, bom tiếp tục được thả quanh khu vực Sicily và Messina nhưng dường như quân đồng minh không biết được rằng, loại bom lớn mà Đức quốc xã đang thả là vũ khí dẫn đường bằng sóng vô tuyến.
Ngày 9/9/1943, Đức quốc xã gặt hái thành công lớn nhất với Fritz X. Sau khi Thống chế Pietro Badoglio công bố Ý đình chiến với quân đồng minh vào ngày 8/9/1943, đội tàu rời thành phố La Spezia, hướng về Tunisia. Để ngăn đội tàu này rơi vào tay quân đồng minh, Đức quốc xã cho xuất kích sáu máy bay Do 217K-2, mỗi chiếc mang theo một quả bom lượn Fritz X.
Tàu chiến Roma, soái hạm của Ý bấy giờ, trúng hai quả Fritz X và chìm sau khi kho đạn dược trên tàu phát nổ. Tổng cộng 1.393 người, bao gồm đô đốc Carlo Bergamini thiệt mạng.
Sau các vụ tấn công ban đầu bằng Fritz X, quân đồng minh bắt đầu tập trung phát triển các thiết bị gây nhiễu vì loại bom lượn của Đức quốc xã hoạt động dựa vào liên lạc vô tuyến giữa bom và đơn vị điều khiển. Biện pháp đối phó điện tử đầu tiên được áp dụng vào cuối tháng 9/1943. Hệ thống gây nhiễu đạt được một số thành công nhưng phức tạp và không hiệu quả nếu nhiều bom được thả cùng một lúc.
Đến đầu năm 1944, Anh bắt đầu triển khai máy phát Type 650 sử dụng biện pháp mới để can thiệp liên kết vô tuyến FuG 203/230 trên Fritz X. Máy phát này tự động đánh bại bộ phận tiếp nhận sóng vô tuyến bất chấp Đức quốc xã dùng tần số radio nào cho bom lượn.