Vũ khí bí mật nào Trung Quốc sẽ sử dụng trong xung đột biên giới với Ấn Độ?
Truyền thông Trung Quốc liệt kê loạt vũ khí, như xe tăng, pháo tự hành, máy bay trực thăng sẽ được quân đội nước này sử dụng trong xung đột biên giới với Ấn Độ.
Kể từ đối đầu biên giới Ấn – Trung tại khu vực Doklam năm 2017, Bắc Kinh đã mở rộng kho vũ khí của mình với nhiều vũ khí hiện đại. Trong đó có xe tăng Type 15, trực thăng Z-20 và máy bay không người lái Wing Loong II (GJ-2), mang lại lợi thế chiến đấu cho Trung Quốc trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Năm 2019, trong cuộc diễu binh mừng Quốc khánh, Trung Quốc lần đầu tiết lộ dòng xe tăng Type 15 và pháo tự hành PCL-181 bí mật này.
Các chuyên gia cho rằng, với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và pháo chính xuyên giáp cỡ nòng 105 mm, xe tăng hạng nhẹ Type 15 có thể áp đảo mọi phương tiện bọc thép hạng nhẹ của đối thủ ở các cao điểm.
Theo đó, tăng Type 15 nặng 30 tấn, có vận tốc tối đa 70 km/h, tầm hoạt động 400 km. Ngoài ra xe tăng này có thể leo được dốc nghiêng 60 độ, vượt vật cản cao 0,8m, vượt hào rộng 2,5m và lội nước ở độ sâu 1 m.
Trong khi đó, pháo tự hành PCL-181 có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn dẫn đường bằng laser và đạn pháo dẫn đường vệ tinh với tầm bắn tối đa 50km.
PCL-181 có thể mang theo 27 đạn pháo và 15 thùng nhiên liệu. Với trọng lượng 25 tấn, PCL-181 nhẹ hơn, nhanh hơn và hoạt động lâu hơn so với pháo tự hành 40 tấn trước đây.
2 loại vũ khí quân sự mới nhất của Trung Quốc này được phát hiện tại Khu tự trị Tây Tạng của Tây Nam (Trung Quốc) vào tháng 1, cách không xa với khu vực Ladakh của Ấn Độ.
Trong cuộc diễu binh ngày 1/10 năm ngoái, hệ thống ống phóng tên lửa đa nòng mới của Trung Quốc cũng được ra mắt. Loại vũ khí này sử dụng khung gầm cơ động cao có bánh xe 8x8 và mang theo 2 bộ đạn pháo 370mm, giúp nó có thể tác chiến ở độ cao lớn.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng ra mắt dòng máy bay trực thăng đa năng Z-20 và máy bay trực thăng vận tải lớn Z-8G đầu năm 2020.
Máy bay trực thăng Z-20 có khả năng thích nghi với mọi loại địa hình và thời tiết, có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ chở binh sỹ và vận chuyển hàng hóa, tìm kiếm cứu nạn và trinh sát.
Chen Chen Guang, phó Tổng giám đốc công ty Avicopter, chi nhánh trực thăng của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) khẳng định: “Z-20 có thể hoạt động ở các cao nguyên, với điều kiện ít oxy nhờ vào động cơ tự chế mạnh mẽ”.
Tập trung vào các hoạt động ở khu vực cao nguyên, Z-8G là dòng trực thăng vận tải đầu tiên của Trung Quốc có thể cất cánh từ độ cao 4.500 m so với mực nước biển, với trần cao hơn 6.000 m.
Theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc, các vũ khí được thiết kế đặc biệt này tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc ở các khu vực cao điểm, cho phép họ chiếm ưu thế vượt trọi trước đối thủ.