'Vũ khí' công nghệ chống dịch Covid-19
Triển khai chiến lược phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: '5K + vắc-xin + công nghệ', tại hai điểm nóng Bắc Ninh và Bắc Giang, các lực lượng tham gia đang lấy công nghệ thông tin (CNTT) làm vũ khí để chống dịch Covid-19.
Triển khai chiến lược phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: “5K + vắc-xin + công nghệ”, tại hai điểm nóng Bắc Ninh và Bắc Giang, các lực lượng tham gia đang lấy công nghệ thông tin (CNTT) làm vũ khí để chống dịch Covid-19.
PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Phó trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT và TT) tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh thành lập Tổ phân tích thông tin để phân tích các nguồn dữ liệu, đề xuất việc truy vết, xét nghiệm và đánh giá nguy cơ lây lan, khuyến nghị kịp thời trong phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống tin nhắn được xây dựng nhằm triển khai nhanh chóng, kịp thời các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh tới tận các thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng. Mặt khác tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn cài đặt, sử dụng và khai báo y tế điện tử trên các ứng dụng Vietnam Health Declaration, NCOVI, Bluezone; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tạo lập quét mã QR code và tờ khai y tế tại trụ sở cơ quan, đơn vị, khu công cộng,...
Đến nay toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 580 nghìn người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, chiếm hơn 42% số dân tỉnh, đứng thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; toàn tỉnh có 10.519 cơ sở lập mã QR code từ hệ thống tờ khai y tế để người dân đăng ký (check-in) bằng ứng dụng Bluezone. Theo thống kê từ Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế, tổng số lượt khai báo y tế tại Bắc Ninh đến ngày 1-6 là 1.059.179, trong đó từ ngày 1-5 đến ngày 1-6 là 824.862 lượt khai báo. Đối với đối tượng là công nhân, Ban quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp với Sở TT và TT xây dựng phần mềm quản lý thông tin của toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp, giúp cho việc quản lý, giám sát, truy vết một cách nhanh chóng khi có ca bệnh tại khu công nghiệp; đồng thời cung cấp dữ liệu kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Với sự hỗ trợ của Cục CNTT (Bộ Y tế), tỉnh Bắc Giang cũng đã thành lập Tổ giám sát, truy vết điện tử gồm 15 thành viên. Các thành viên của Tổ được cấp tài khoản, tập huấn khai thác dữ liệu từ Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế để giám sát, truy vết. Tính đến ngày 1-6, Tổ đã thực hiện 3.976 cuộc gọi cho người dân khai báo y tế có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ, hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng người hoặc chuyển thông tin cho tuyến xã, huyện tiến hành xác minh, xử lý trực tiếp. Dựa trên thông tin của hệ thống, Tổ đã phát hiện 66 ca F1 hiện đang cách ly tại nhà và đã chuyển thông tin cho tuyến huyện quản lý theo quy định. Tính đến ngày 31-5, tỉnh Bắc Giang có 480.306 người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, chiếm 26,63% dân số tỉnh, đứng thứ 9 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đối với những tờ khai y tế có triệu chứng (sốt/ho/khó thở...) hoặc có yếu tố dịch tễ (tiếp xúc với người bệnh, đi về từ vùng dịch...) nhân viên y tế sẽ gọi điện trực tiếp cho người dân, tiến hành xác minh thông tin và có những hướng dẫn phù hợp. Những trường hợp cần thiết, nhân viên y tế tuyến xã sẽ trực tiếp đến tận nơi để xử lý. Đối với một số điểm nóng như Bắc Ninh, Bắc Giang đều có Tổ thông tin được thành lập và một trong những nhiệm vụ của Tổ là gọi điện trực tiếp cho người dân để xác minh thông tin khai báo y tế có triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ; xác minh các phản ánh của người dân. Những trường hợp cần thiết xử lý trực tiếp, Tổ sẽ chuyển thông tin xuống tuyến huyện, tuyến xã để xử lý, theo dõi.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay, việc thần tốc truy vết F0, lập danh sách F1, F2 là rất quan trọng nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Đối với các địa bàn có số ca bệnh ít, nhân viên y tế và các lực lượng khác có thể truy vết được, tuy nhiên khi số ca bệnh tăng cao, sẽ không đủ nhân lực để thực hiện việc truy vết trực tiếp tại địa bàn. Lúc này, giải pháp công nghệ là lựa chọn tối ưu. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch, một trong những mục đích quan trọng của quyết định này là hỗ trợ thực hiện khai báo y tế điện tử giúp quản lý, theo dõi y tế và phát hiện sớm ca bệnh phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth. Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở, địa điểm... chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết. Nếu như người dân và các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì khi có ca bệnh F0, việc truy vết, lập danh sách F1, F2 sẽ rất nhanh chóng, kịp thời.
Từ tình hình thực tế dịch ở Bắc Giang (khác rất nhiều so với những ổ dịch tại các địa phương trước đó kể cả về quy mô, mức độ lẫn thời gian diễn biến) mới đây nhóm chuyên gia của Bộ Y tế đã ứng dụng CNTT xây dựng kế hoạch khung về lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát, truy vết. Từ kế hoạch khung, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, các huyện tiếp tục phát triển và xây dựng kế hoạch lấy mẫu chi tiết theo từng ngày; từ kế hoạch lấy mẫu, nhóm chuyên gia tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang xây dựng sơ đồ lấy mẫu tại thực địa. Theo sơ đồ này, việc tổ chức lấy mẫu tại các địa bàn được diễn ra quy củ, khoa học. Khu vực lấy mẫu phải bảo đảm về mặt giãn cách phòng, chống dịch, tránh lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên y tế lẫn người dân, bảo đảm luồng đi một chiều, thông suốt... Đến nay, hệ thống quản lý mẫu xét nghiệm do nhóm chuyên gia của Bộ Y tế xây dựng đã góp phần giúp tỉnh Bắc Giang về cơ bản giải quyết được bài toán quá tải mẫu, thiếu thông tin về mẫu và chậm trả kết quả xét nghiệm trong giai đoạn đầu của đợt dịch.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vu-khi-cong-nghe-chong-dich-covid-19-649485/