Vũ khí của Triều Tiên đã vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của Mỹ?
Vũ khí được cho là tên lửa do Triều Tiên thử nghiệm cuối tuần trước đã đi vào tầng bình lưu và bay ở một khoảng cách đủ xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, hôm 7-5, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) không cho biết Triều Tiên đã bắn gì ra khỏi bờ biển phía Đông của họ hôm 4-5. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng ít nhất một tên lửa đạn đạo đã được phóng đi. Ngoài ra, nhiều tên lửa tầm ngắn cũng được bắn trong khoảng thời gian từ 9 giờ 6 phút đến 10 giờ 55 phút (giờ địa phương).
Người phát ngôn JCS Kim Joon-rak cho biết chúng bay được quãng đường 70-240 km nhưng từ chối xác nhận đó là tên lửa. Điều này có nghĩa là vũ khí mà Triều Tiên vừa thử nghiệm đủ sức tấn công một khu vực trải dài từ thủ đô Seoul đến TP Daejeon – Hàn Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, giáo sư quốc phòng Kim Ki-ho đến từ Trường ĐH Kyonggi (Hàn Quốc) nhận định Triều Tiên dường như đang tìm cách "vượt qua các tên lửa đánh chặn của Mỹ".
Washington hiện sở hữu Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có thể đánh chặn tên lửa bay ở độ cao từ 40 km trở lên và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để tiêu diệt tên lửa tầm thấp.
GS Kim cho biết vũ khí mới nhất được Triều Tiên thử nghiệm bay quá thấp nên THAAD không thể đánh chặn và quá nhanh để Patriot có thể tiêu diệt. Vì vậy, các vũ khí dẫn đường chiến thuật này của Bình Nhưỡng có thể vô hiệu hóa các hệ thống THAAD và Patriot của Washington.
Khi được hỏi về khả năng đánh chặn tên lửa, Bộ quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố họ đang đánh giá toàn diện vấn đề, trong khi Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc không bình luận.
Dựa vào hình ảnh do Bình Nhưỡng công bố cùng với ảnh vệ tinh của Công ty Planet Labs Inc, bà Melissa Hanham – Giám đốc Dự án Datayo thuộc Quỹ Vì tương lai trái đất – nói rằng Triều Tiên dường như đã bắn một tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn tương tự tên lửa Iskander (Nga).
Lần cuối cùng Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo là vào tháng 11-2017 giữa thời điểm căng thẳng với Mỹ leo thang.