Vũ khí khí đốt Nga có thực sự lợi hại?
Vũ khí hóa khí đốt Nga đang được áp dụng với mục đích ổn định nền kinh tế Moscow trước các lệnh trừng phạt đồng thời gây sức ép lên các quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Nhưng liệu nó có hiệu quả?
Trong một bài bình luận đăng tải trên Al Jazeera, tác giả Dimitar Bechev, học giả thỉnh giảng tại Trung tâm nghiên cứu Carnegie Europe có trụ sở ở Brussels (Bỉ), đồng thời là giảng viên tại Trường Nghiên cứu khu vực và toàn cầu Oxford, Đại học Oxford (Anh), đã phân tích sự tồn tại và ảnh hưởng của thứ "vũ khí" khí đốt của Nga.
Đo lường sức mạnh của khí đốt
Vũ khí hóa khí đốt được hiểu là sự phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga sẽ khiến các quốc gia khu vực Đông Âu và Đông Nam Âu phải thận trọng trong chính sách trước khi cân nhắc quyết định bất kỳ động thái nào đối với Moscow.
Theo đó, Điện Kremlin có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với một số quốc gia bằng cách đưa ra các điều khoản khắt khe đối với các giao dịch khí đốt hoặc thậm chí là cắt đứt hoàn toàn chuỗi cung ứng khí đốt.
Trái lại, những đồng minh thân cận với Nga sẽ là những quốc gia được hưởng lợi "hậu hĩnh" trước những cạnh tranh gay gắt này.
Một trường hợp điển hình đó là bản thỏa thuận nhiều lợi ích được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao cho Serbia, điều nhiều người tin rằng sự ra đời của bản thỏa thuận đã vô hình trung đảm bảo vững chắc cho “chiếc ghế” tái đắc cử của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.
Song, một số nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng sự tồn tại của thứ gọi là “vũ khí khí đốt” không thực sự rõ ràng.
Cụ thể, vào ngày 26/4, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga đã tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan. Động thái trên được đưa ra sau khi hai quốc gia này từ chối tuân thủ yêu cầu của Moscow về việc trả tiền mua khí đốt bằng Ruble.
Bỏ ngoài tai những thiệt hại được cảnh báo, cả hai nền kinh tế Bulgaria và Ba Lan hiện đều vận hành theo quỹ đạo trong tầm kiểm soát và dường như quyết định của Tổng thống Nga không hề tạo ra một sự hỗn loạn nào tại hai quốc gia này.
Động thái ngừng cung cấp khí đốt của Nga không những không gây ra khủng hoảng chính trị trong nước ở Bulgaria và Ba Lan, mà còn không tồn tại nguy cơ dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia này đối với Moscow.
Cho dù có thật sự đem tới sức tác động nào đi chăng nữa thì điều đó dường như cũng không đáng kể, hay nói cách khác là ngay giữa lúc khó khăn, chính phủ Bulgaria cùng Ba Lan đã tự vạch ra được đường đi nước bước thể hiện sự quyết tâm của mình.
Bulgaria, quốc gia ôn hòa, cũng thể hiện sự can đảm của mình. Cụ thể, vào ngày 28/4, chỉ vài giờ sau khi nguồn cung cấp khí đốt ngừng hoạt động, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã tới Kiev thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy xoay quanh việc Bulgaria có khả năng hỗ trợ Ukraine.
Mặc dù Bulgaria không chính thức gửi hỗ trợ về mặt quân sự cho Ukraine, nhưng có nguồn tin cho rằng một lượng đạn dược và vũ khí của các nhà sản xuất quốc phòng Bulgaria đang được chuyển giao thông qua bên thứ ba.
Mở ra những hướng đi mới
Đáng chú ý hơn cả là phản ứng của Bulgaria đối với sự gián đoạn nguồn cung khí đốt Nga. Trái ngược với Ba Lan, quốc gia vốn chỉ nhập chưa đến một nửa lượng khí đốt từ Nga, thì quốc gia Balkan này phụ thuộc vào Gazprom của Nga với hơn 90% nguồn cung cấp.
Không giống như những lần cắt giảm nguồn cung trước đó hồi năm 2006 và năm 2009, lần này Sofia đã triển khai một kế hoạch “đầu xuôi đuôi lọt”. Điển hình là việc công ty phân phối khí đốt tự nhiên lớn nhất Bulgaria, Bulgargaz, đã ký hợp đồng vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hiện nguồn hàng này đang được vận chuyển vào nước này thông qua nhà ga Revithoussa ở Hy Lạp. Phần lơns nguồn năng lượng bổ sung cũng sẽ cập cảng từ Romania, thông qua Đường ống xuyên Balkan, cho đến khi đường ống khí đốt tự nhiên chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, TurkStream, đi vào hoạt động năm 2021 nhằm hỗ trợ phục vụ Gazprom.
Mặt khác, tình trạng gián đoạn nguồn cung này xảy ra vào mùa Hè khi kết thúc mùa sử dụng máy sưởi, nên cũng giúp chính quyền Bulgaria dễ dàng xoay sở hơn.
Điều đáng nói là đường ống liên thông bị trì hoãn từ lâu của Bulgaria với Hy Lạp (ICGB) sẽ đi vào hoạt động vào ngày 30/6 tới. Sau khi đi vào hoạt động, Bulgaria sẽ nhập khẩu 1 tỷ mét khối (bcm), tương ứng với khoảng 1/3 nhu cầu hàng năm từ Azerbaijan, khi ICGB kết nối với Đường ống xuyên biển Adriatic (TAP).
Tới cuối năm 2023, LNG sẽ cập bến Bulgaria xuất phát từ các bến cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ từ một cơ sở lưu trữ nổi và tái định hóa (FSRU) bên cạnh thành phố cảng Alexandroupolis, Đông Bắc Hy Lạp. Ngày 3/5 vừa qua, Thủ tướng Petkov đã chứng kiến lễ khởi động các công việc về FSRU cùng với người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel.
Có thể thấy, cuộc xung đột ở Ukraine vô hình trung đã mở ra con đường thuận lợi, đa dạng hóa các dự án cơ sở hạ tầng mới trong quá trình vận chuyển khí đốt đến bán đảo Balkan, đồng thời thiết kế lại các tuyến đường cung cấp.
Tuy nhiên, việc trước mắt cần làm của Bulgaria là duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Mặc dù bị Gazprom quay lưng, song Bulgaria vẫn duy trì dòng chảy từ Nga sang Serbia và Hungary thông qua TurkStream. Bằng cách đó, Sofia tạo ra nguồn thu từ các chuyến hàng của Nga đi qua, không làm hỏng mối quan hệ với Budapest và Belgrade, đồng thời thể hiện thiện chí trong nghĩa vụ hợp đồng của mình đối với Moscow giữa bối cảnh vụ kiện trọng tài từ Nga về năng lượng đang rình rập.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, Đông Nam Âu thực ra không quá phụ thuộc vào khí đốt Nga. Nguyên nhân chính là do các quốc gia trong khu vực này tiêu thụ khối lượng hạn chế, chỉ 3 bcm mỗi năm đối với Bulgaria, Serbia và 6 bcm đối với Hy Lạp. Riêng Romania, một thị trường lớn với nhu cầu hàng năm ở mức 12 bcm hầu như không nhập khí đốt từ Nga.
Do đó, với các liên kết cơ sở hạ tầng phù hợp, Gazprom có thể được thay thế ở khu vực Đông Nam Âu.
Điều này lý giải vì sao Hy Lạp và Bắc Macedonia đang cùng tiến hành nghiên cứu một đường ống kết nối có thể được mở rộng đến Kosovo. Bulgaria và Serbia cũng vậy. Nhiều kế hoạch lâu dài được triển khai cho một nhánh của TAP tiến vào phía Tây của bán đảo Balkan, điển hình như Đường ống Ionian-Adriatic phục vụ Albania, Montenegro và Bosnia.
Hiện thời, điện cũng có khả năng thay thế khí đốt, đặc biệt nếu giá cả thay đổi theo hướng có lợi cho khí đốt. Nhờ công suất dự phòng lớn, Bulgaria và Romania đều đã xuất khẩu điện sang các quốc gia như Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhu cầu vượt nguồn cung.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là “sự chuyển đổi xanh”. Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo đồng thời sử dụng năng lượng một cách hiệu quả là ưu tiên hàng đầu mà EU luôn hướng tới với mong muốn định hình tương lai Đông Nam Âu.
Đường ống dẫn khí đốt của Nga dựa trên các hợp đồng dài hạn và được phân bổ thành dầu mỏ đang rẻ hơn nhiều so với giá thị trường thanh toán ngay khi bán, điều này phản ánh cung - cầu, chi phí. Sự đa dạng hóa nguồn cung khí đốt trước mắt có thể sẽ gây ra một số khó khăn nhưng sẽ có những tác động tích cực lâu dài.
(theo Al Jazeera)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-khi-khi-dot-nga-co-thuc-su-loi-hai-183783.html