Vũ khí laser: Cuộc xung đột trong tương lai tràn ngập 'ánh sáng chết người'?
Vũ khí laser chứng minh tính hiệu quả và khả năng thay đổi sâu sắc các cuộc không chiến trong tương lai, cho phép tăng khả năng sống sót của các máy bay trước tên lửa phòng không nguy hiểm.
Tia laser có tiềm năng trở thành vũ khí không đối không và không đối đất nhờ vào lợi thế tốc độ rất nhanh, khả năng bắn chính xác cao và băng đạn hầu như không giới hạn. Tuy nhiên, vũ khí laser đòi hỏi nhiều năng lượng để duy trì uy lực liên tục trong khoảng cách xa, và có thể bị giảm hiệu quả phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh, cũng như cần làm mát khi tia laser tích tụ nhiệt từ hệ thống nguồn điện cồng kềnh.
Nhiều ưu điểm
Đầu tiên, tia laser có độ chính xác cao, hoạt động tương đương tốc độ ánh sáng và hầu như không bị ảnh hưởng bởi trọng lực. Đây là vũ khí lý tưởng để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ chẳng hạn như tên lửa và đạn pháo đang bay tới. Độ chính xác của tia laser phát huy hiệu quả bằng cách vô hiệu hóa các phương tiện trên mặt đất hoặc trên biển mà không làm chết người trên xe. Quan trọng nhất, chi phí phát triển vũ khí laser rẻ hơn nhiều so với các vũ khí khác. Súng lazer có thể thay các các hệ thống phòng thủ tên lửa đương đại cực kỳ đắt tiền để đối phó cuộc tấn công hàng loạt của UAV vũ trang và tên lửa của đối phương. Hệ thống phát ra tia laser được kết nối với máy phát điện - “nguồn cung cấp đạn dược” gần như không giới hạn sử dụng.
Về mặt lý thuyết chỉ cần một tia laser tương đối yếu cũng có thể làm gián đoạn hoặc phá hủy nhanh chóng các hệ thống dẫn đường quang học nhạy cảm của tên lửa đang bay tới. Các tia laser mạnh hơn có thể làm hỏng các cánh điều khiển bay của tên lửa, hoặc thậm chí kích hoạt đầu đạn nhiệt. Các tia laser cực mạnh sẽ là vũ khí tấn công dễ dàng nhắm vào các máy bay khác và thậm chí cả các mục tiêu trên mặt đất. Vì tia laser có khả năng làm nhiệm vụ kép như các hệ thống cảm biến, cho phép thời gian tương tác rất nhanh.
Tất nhiên, phạm vi hiệu quả và thời gian "đốt cháy" duy trì cần thiết để đạt được hiệu ứng hủy diệt sẽ là những yếu tố quan trọng. Hơn nữa, một tia laser chỉ có thể tấn công một mục tiêu tại một thời điểm và yêu cầu thiết kế sao cho nó tạo được đường bắn thẳng trực tiếp vào mục tiêu.
Tia laser có thể làm tăng đáng kể khả năng sống sót của máy bay chiến đấu tàng hình và không tàng hình khi hoạt động trong vùng trời giao tranh, buộc kẻ thù phải sử dụng nhiều tên lửa hơn để phòng thủ. Cụ thể, vũ khí laser có thể cung cấp một lớp bảo vệ chặt chẽ cần thiết cho các máy bay ném bom tàng hình chiến lược như B-2 Spirit hoặc B-21, nếu lắp đặt các tháp pháo laser lên máy bay, máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu và máy bay yểm trợ có thể cho phép những máy bay có kích thước lớn và dễ bị tổn thương này, nâng cao cơ hội sống sót sau các cuộc tấn công bất ngờ từ tên lửa.
Không ít nhược điểm
Tuy nhiên, vũ khí laser có những nhược điểm cản trở chúng chậm phát triển trong nhiều thập kỷ. Trước hết, năng lượng laser có xu hướng bung tỏa hoặc khuếch tán trong bầu khí quyển, phạm vi tối đa cũng bị giới hạn bởi vật cản trong không gian như khi bị che khuất bởi cát, khói hoặc sương mù.
Hơn nữa, tia laser có thể gặp khó khăn khi đốt cháy qua các vật liệu dày và thường mất vài giây tiếp xúc liên tục để gây ra thiệt hại đáng kể. Tùy thuộc vào công suất và phạm vi tương tác cũng như tốc độ của mục tiêu, vật liệu quá dày có thể khiến laser không đủ thời gian để vô hiệu hóa các loại đạn hạng nặng. Trên thực tế, việc phát triển các vật liệu và biện pháp đối phó với tia laser đã tiến triển nhanh chóng mặc dù vũ khí laser vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.
Một tia laser bắn ra, cần dùng máy phát điện cực mạnh và nhiên liệu hóa học nguy hiểm, cũng như hệ thống làm mát và thùng điện cồng kềnh. Những hạn chế này, gây ra những trở ngại nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc phóng ra laser trên chiến trường. Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong công nghệ phát triển laser trạng thái rắn có thể giải quyết phần nào những khó khăn đó, đồng thời giảm kích thước nguồn điện.
Ngoài ra việc sử dụng vũ khí laser cũng vấp phải nhiều hạn chế pháp lý. Theo Nghị định thư năm 1995 về vũ khí gây chói mắt, thuộc Công ước của Liên hợp quốc quy định vũ khí nêu rõ: cấm sử dụng tia laser “chói lóa” làm mù vĩnh viễn thị lực của kẻ thù. Tia laser chiếu vào máy bay là một hình thức quấy rối phổ biến và nguy hiểm đối với các phương tiện bay quân sự và cả dân sự. Vì chiếu tia laser vào buồng lái máy bay có thể làm phi hành đoàn mất phương hướng và mù tạm thời, đồng thời có thể gây thương tích ở mắt lâu dài cho phi công.
(theo National Interest)