'Vũ khí mềm' của các nữ doanh nhân thời dịch Covid-19
Quản trị cảm xúc cá nhân, sống chậm lại để có sự bình an từ bên trong; sự yêu thương của người mẹ, người chị, đoàn kết gắn bó đối với cán bộ nhân viên trong công ty; trung thực và có trách nhiệm với đối tác và người tiêu dùng… là những chân giá trị và cũng chính là sức mạnh nội lực riêng có của nữ doanh nhân trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
"Chỉ khi chính bạn trở thành hiện thân của các giá trị ngay trong đời sống thì cuộc sống và công việc mới trở nên hài hòa, và cảm nhận về hạnh phúc của người nữ doanh nhân mới càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết", đó là thông điệp quý giá nhất được cộng đồng nữ doanh nhân đưa ra tại tọa đàm “Quản trị khủng hoảng và vai trò nữ doanh nhân” do TheLEADER kết hợp với Hội nữ doanh nhân TP. HCM (HAWEE) tổ chức.
Sống chậm lại sẽ thấy được niềm lạc quan
Từng nắm giữ vị trí chủ tịch nhiều tập đoàn lớn, trở thành Tổng giám đốc năm 31 tuổi, hơn 20 năm ở vị trí quản lý cấp cao, Chu Thị Hồng Anh - nữ giám đốc Chu Thị TV có những phương thức riêng để vượt qua khó khăn.
Theo chị không có cuộc khủng hoảng nào kéo dài mãi, điều quan trọng là mỗi người phải tập luyện cho mình có một sức đề kháng tối ưu nhất, để sau cơn ốm dậy, cơ thể lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không đợi khủng hoảng xảy ra, muốn tồn tại trên thương trường phải có tầm nhìn xa và chiến lược phát triển trong 5-10 năm.
Khi đảm nhận vị trí chủ tịch doanh nghiệp, bên cạnh việc đưa ra nhiều chiến lược phát triển, chị đều hoạch định những tình huống khủng hoảng và xây dựng sẵn kịch bản đối phó chi tiết. Nếu sự cố xảy ra sẽ không bị động và nhanh chóng đưa ra được cách thức xử lý phù hợp nhất.
"Việc chuẩn bị kỹ càng cho tình huống xấu nhất chỉ có thể làm cho doanh nghiệp suy giảm đôi chút chứ không dẫn tới phá sản. Có những năm Chu Thị không sinh lời, tôi vẫn giải quyết chế độ lương thưởng đầy đủ cho nhân viên. Để làm được như vậy, những năm kinh doanh có lời chị luôn giữ lại một phần tích lũy”, Hồng Anh nói.
Với chị, dù là doanh nhân thì bản năng làm vợ, làm mẹ vẫn luôn còn đó, không có chuyện tập trung cho sự nghiệp mà quên mất thiên chức của mình. Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, việc tập trung nguồn lực để giải quyết khủng hoảng là điều cần thiết. Bên cạnh đó, việc phân bổ lại quỹ thời gian cũng cần xem xét. Những dự định công việc dang dở, thay vì buồn phiền, các nữ doanh nhân có thể dành thời gian đó cho gia đình, cũng là một bước đệm nghỉ ngơi cho cuộc chiến lâu dài trước mắt.
Dịch bệnh này không kết thúc trong ngày một ngày hai, người chủ doanh nghiệp phải sẵn sàng sức khỏe, thể chất và tinh thần ở mức cao nhất để có sức chiến đấu mạnh mẽ như một chiến binh. Không chỉ hoàn thành tốt vai trò làm mẹ, làm vợ, nữ doanh nhân còn phải là người truyền cảm hứng tích cực cho toàn xã hội.
"Tôi chủ trương sống chậm lại để bình an hơn. Quan trọng nhất là phải giữ tinh thần lạc quan, dành thời gian cho những kế hoạch khác, những thứ muốn làm, ấp ủ từ lâu mà chưa có thời gian thực hiện. Sống chậm lại một chút, đặt an toàn và bình an của gia đình cũng như doanh nghiệp lên hàng đầu. Bởi còn người là còn của, giàu nghèo có thể tính sau…
Trước đây cuộc sống khó khăn, mọi người vẫn vui vẻ chan hòa với nhau, khi nền kinh tế thị trường phát triển, mối quan hệ giữa người với người bị ảnh hưởng nhiều. Con cái xa cách cha mẹ, bữa cơm gia đình bị trì hoãn, những dịp thăm nom người thân ít đi. Đây chính là thời điểm để củng cố lại các mối quan hệ này, tìm lại nguồn cảm hứng cũng như sức mạnh vượt qua chặng đường tiếp theo. Bên cạnh đó, mọi người nên chia sẻ, nắm tay nhau cùng vượt qua khó khăn. Chỉ có gắn kết cả xã hội, suy thoái mới có thể đẩy lùi nhanh nhất”, giám đốc Chu Thị TV chia sẻ.
Đề cập đến kinh nghiệm xử lý khủng hoảng cá nhân, Hồng Anh cho rằng, cuộc đời ai cũng có lúc khủng hoảng về công việc, gia đình, tình cảm…, mức độ đau khổ mỗi khủng hoảng khác nhau, phải có phương thức đối phó phù hợp nhất.
“Tôi không bao giờ để đau khổ đẩy mình đi quá xa, mà luôn dùng lý trí phân tích và giải quyết vấn đề. Mỗi lần gặp sự cố, tôi cho mình một khoảng thời gian sống chậm lại, bình tĩnh hơn, có thể buông bản thân trượt một chút, nhưng không được phép trượt dài đến mức không đi lên được. Khi sức mạnh tinh thần chữa lành, ta sẽ được tiếp thêm nghị lực để vượt qua trắc trở đó. Quan trọng hơn cả, mỗi người phải tự tập cho mình cơ chế phản vệ trước những khó khăn, bởi người có sức đề kháng mạnh luôn phục hồi nhanh hơn người yếu.
Bên cạnh đó, không để những bàn tán xung quanh tác động, mình hiểu bản thân mình nhất. Khi mạnh mẽ quay lại và đạt được những thành tựu nhất định, không còn ai quan tâm đến thất bại trước đây cả. Tôi mong rằng mỗi chị em sẽ phát huy hết tất cả khả năng của mình, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, và hạnh phúc hơn. Trong trường hợp bất khả kháng không thể thay đổi hoàn cảnh, vậy hãy làm tốt nhất trong hoàn cảnh đó.
Giữ vững tinh thần nữ doanh nhân trong thời khủng hoảng, lạc quan là điều tối quan trọng. Giữ cho mình một cái đầu lạnh, một trái tim bao dung để thích nghi với thời cuộc. Không có cuộc khủng hoàng nào kéo dài mãi, điều chỉnh nhu cầu bản thân về mức độ cơ bản, bước từng bước chậm mà chắc, rồi khó khăn nào cũng sẽ qua đi”, Hồng Anh thổ lộ
“Đã là nữ doanh nhân, phải biết cứng biết mềm”
Tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế vận tải biển tại Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2003, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường đại học về các lĩnh vực chứng khoán, pháp luật kinh tế, Trần Thị Thanh Hằng - Chủ tịch Viện đào tạo Doanh Chủ, thành viên HĐQT Công ty nội thất D'FURNI,người phụ nữ nhỏ nhắn đầy bản lĩnh ấy lại quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh.
Tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nội thất, dược phẩm, đầu tư… trong vai trò thành viên HĐQT, chị có đóng góp lớn vào việc xây dựng văn hóa công ty, phương pháp quản lý kinh doanh cũng như đối nội, đối ngoại. Bí quyết của chị là hiểu được sức mạnh của bản thân, tập thể và biết cách tạo động lực làm việc cho mọi thành viên của tổ chức
Thương trường là chiến trường không phân biệt nam nữ, già trẻ, mới cũ, bài toán khó nhất đối với doanh nghiệp thời điểm nóng bỏng này là doanh thu và chi phí, nhưng điều quý giá nhất của doanh nghiệp lại chính là con người.
Là người luôn sát cánh cùng đội ngũ, người truyền lửa, trong vai trò chủ nhiệm CLB doanh nhân 2030 cũng như vai trò quản lý, Thanh Hằng luôn là điểm sáng thu hút mọi nguồn lực, khích lệ mọi người hướng về mục tiêu chung, vừa phát huy được sở trường.
Chia sẻ về bí quyết tìm người và giữ người tài, chị cho biết: “Điều tiên quyết phải chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ kế thừa một cách thường xuyên, vận hành theo quy trình không lệ thuộc bất cứ một nhân sự nào. Khen thưởng đúng, hợp lý, tạo động lực cho nhân sự, cho họ thấy rõ sự thăng tiến và công nhận nỗ lực họ mang lại cho công ty. Cho nhân viên thấy quan điểm “Nhân viên càng giỏi, sếp càng khỏe”, tư vấn, định hướng cho nhân sự thấy rõ sự thăng tiến và phát triển trong sự nghiệp của mình.
Nhân sự là một vấn đề sống còn nhưng phức tạp nhất của bất cứ doanh nghiệp nào. Tôi quan niệm giữ người bằng tình, không phải bằng tiền, vì đơn giản tiền không bao giờ là đủ. Vậy, nhân sự vào công ty phải là những con người cùng văn hóa, cùng đam mê, đồng hướng về mục tiêu chung. Mọi ứng xử đều phải thật lòng và chân tình”.
Từng trải qua những thách thức tưởng chừng không vượt qua nổi trong kinh doanh và cả đời sống riêng tư, cuộc hôn nhân đầu không trọn vẹn. Cuối cùng hạnh phúc đã mỉm cười với chị. Cuộc hôn nhân với anh Vũ Tiến Thập - CEO D’FURNI là sự cộng hưởng nhiều giá trị sống quý giá vì cộng đồng.
Nhìn lại những cú sốc khủng hoảng đã trải qua, Thanh Hằng chia sẻ: “Giai đoạn phải đứng giữa việc đóng cửa doanh nghiệp hay tiếp tục bỏ vốn vào gây dựng lần thứ 2 có thể là giai đoạn khó khăn nhất vì khi đó chính tôi phải tự mang những đồng vốn liếng tích lũy cuối cùng của mình để gửi gắm toàn bộ tâm huyết và đặt cược vào kinh doanh, đó cũng là thời điểm khi tôi còn chưa có nhiều trải nghiệm kinh doanh, vì vậy mức độ thiệt hại có thể nhiều hơn.
Nhờ gốc rễ công ty nhỏ với kiểu quản lý bằng tình đã giúp tôi vượt quả khủng hoảng của mình với chi phí thấp hơn dự kiến. Ngay lúc khủng hoảng thì tôi tập trung đầu tư nhiều hơn cho kiến thức quản lý để nâng cao trình độ và tư duy, để tập luyện cho mình có những quyết định có cơ sở hơn, bài bản hơn, giúp công ty phát triển tốt hơn. Trong gia đình, nữ doanh nhân còn phải dạy con cái cách biết tự chăm sóc bản thân, hỗ trợ công việc nội trợ, phân công công việc như một mô hình công ty thu nhỏ, mỗi người phải đảm nhiệm một phần việc nhà và ý thức, trách nhiệm với công việc của mình. Điều này giúp cho tôi có thể an tâm vừa đảm việc nhà, vừa tròn việc công ty”.
Đề cập đến vai trò nữ giới trong việc góp phần hình thành những giá trị sống cho thế hệ kế thừa, cho các con của mình và xã hội, Thanh Hằng nói: “Nữ giới là nhóm người nhẹ nhàng, thấu cảm và thường nghĩ cho người khác nhiều hơn chính mình, cách quản lý thường có xu hướng dùng quyền lực mềm nhiều hơn, đây cũng là lý do họ luôn là nhóm người giải quyết các mâu thuẫn bất hòa tốt hơn.
Vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng vậy, nếu vợ chồng cùng kinh doanh, phụ nữ thường là người dành nhiều thời gian chăm lo hơn cho gia đình. Họ luôn làm đẹp cho đời và giữ một nhiệm vụ không thể thiếu trong xã hội. Phải biết cứng biết mềm, quyết đoán và chịu trách nhiệm với những gì mình hành động, có chính kiến và bảo vệ lập luận của chính mình. Tuy nhiên không được phép cố chấp, từng quyết định phải lắng nghe sẻ chia từ đồng nghiệp, bạn bè để có cái nhìn tổng quát hơn, như thế mới có quyết định chuẩn xác".
Quan trọng nhất là quản trị cảm xúc cá nhân
Chị Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo cho rằng, những biến động của tự nhiên như dịch bệnh thì ngày càng trở nên nguy hiểm và khó lường. Nhiều doanh nghiệp đang lao đao, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài thêm khoảng 3 tháng nữa thì phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Doanh giới đang hoang mang. Là công ty trong ngành bao bì thuộc FDI, với số lao động gần 300 con người, trong đó lao động nữ chiếm 25%, công ty may mắn vẫn duy trì việc sản xuất kinh doanh từ sau ngày tân niên. Nhưng theo chị Nhan Húc Quân, vẫn còn một khía cạnh khác cần được quản trị, rất cần, đó là quản trị cảm xúc cá nhân.
Trong cuộc sống, bất kể một sự thay đổi nào cũng đều tác động đến cảm xúc con người, tích cực hoặc tiêu cực. Cảm xúc tích cực sinh ra năng lượng tích cực và ngược lại. Những trạng thái của cảm xúc tiêu cực như phẫn nộ, tức giận, ghen tị, lo lắng bất an, sợ hãi, cảm giác tội lỗi, xấu hổ… nếu không được kiểm soát hay chế ngự sẽ sinh ra năng lượng tiêu cực, làm xói mòn ý chí con người.
"Tôi nhớ mãi một câu chuyện mình từng trải qua. Giữa cái nắng gắt buổi trưa hè khi đang làm công tác kiểm đếm và ghi chép số liệu hàng hóa lên xuống xà lan, người đại diện cho các thương gia nước ngoài bước tới, trên tay cầm chai nước suối và kiêu hãnh nói: “Nước suối này dành cho bọn chủ tụi tao uống!”. Tôi và những anh em đội bốc xếp cảng Ba Son lúc bấy giờ nhìn nhau và chắc ai cũng sẽ có một suy nghĩ rằng: “Chúng tôi đâu có xin mà vội từ chối!”.
Một cảm xúc phẫn nộ thoáng qua và lập tức tôi chuyển thành lời cầu nguyện với Chúa Trời: “Xin Chúa ban phước để tôi trở thành người chủ và khi ấy mọi người sẽ được uống nước suối”. Lời cầu nguyện ấy của tôi đã trở thành hiện thực.
Là một phụ nữ, gần hai thập kỷ ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, tôi hiểu, kiểm soát và chế ngự cảm xúc tiêu cực là điều hết sức quan trọng, nếu không sẽ gây ra hậu quả xấu không chỉ với bản thân mình mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh, tạo ra những sang chấn tinh thần cho người khác. Tôi tin rằng việc chế ngự được tâm trạng phẫn nộ trước thái độ của người đại diện thương mại kia để không phản ứng lại, và chuyển hóa thành kỳ vọng bản thân có thể mang lại lợi ích cho người khác bằng lời cầu nguyện Chúa Trời, tôi đã có thêm năng lượng tích cực để đạt được nguyện vọng của mình", Nhan Húc Quân chia sẻ.
Phụ nữ thời xưa đa phần trong vai trò nội trợ, nhưng phụ nữ trong doanh giới thời nay chính là những nữ tướng thời bình. Bởi họ vừa phải chăm lo con cái ăn học đến nơi đến chốn, vừa phải quán xuyến việc gia đình, xây dựng và củng cố các mối quan hệ trong công ty và ngoài xã hội, thế nên bắt buộc phải duy trì nếp sống kỷ luật và đặc biệt phải biết cách cân bằng hoặc chuyển hóa những áp lực trong cuộc sống và công việc sao cho thân tâm trí được khỏe, an yên và lạc quan.
“Đoàn kết chính là sợi dây gắn kết để mỗi người vượt qua những hạn chế của bản thân và làm được những việc có giá trị. Sự hãnh diện không đến từ những thứ mình muốn, mà từ những gì mình xứng đáng được nhận”, chị nói.
Chị Nguyễn Thị Bích Hà - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nữ doanh nhân TP. HCM (HAWEE), đại diện chương trình Giáo dục các Giá trị sống tại Việt Nam đã đúc kết lại câu chuyện quản trị khủng hoảng và vai trò nữ doanh nhân bằng những lời tâm huyết: “Chính trong giai đoạn này, những giá trị sống lại càng hiện rõ hơn bao giờ hết, đặc biệt là tấm gương của các nữ doanh nhân".
Nổi bật nhất là giá trị bình an từ bên trong! Chỉ những doanh nhân có được tâm an mới giữ được sự bình tĩnh, vững vàng và sáng suốt giữa cơn lốc nCovy, để cùng đồng sự nhìn rõ giữa nguy có cơ, vạch ra những bước đi cần thiết cho doanh nghiệp như tiết kiệm chi phí, giảm bớt đầu tư, tập trung bán hàng online,…
Đó là giá trị đoàn kết! Khi tập thể quản lý và công nhân đồng lòng, giải quyết vấn đề khó trong sản xuất chỉ trong 3 ngày thay vì 7 ngày như thông thường, để nhanh chóng đưa hàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đó là giá trị trung thực! Khi doanh nghiệp quyết định không tăng giá sản phẩm dù khối lượng đặt hàng tăng vọt. Đây chính là thời điểm vàng để xây dựng và khẳng định uy tín với đối tác và người tiêu dùng. Chính sự trung thực trong kinh doanh, không phải chỉ đến mùa dịch mới thấy rõ, mà đã thể hiện qua cách làm ăn của doanh nghiệp ngày thường, đã khiến các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn liên lạc chặt chẽ và có thông tin thường xuyên, nhờ đó giúp doanh nghiệp có sự chủ động trong các bước kế tiếp.
Đó là giá trị trách nhiệm! Với đối tác và xã hội khi công ty biết phân đều sản lượng cho mọi đối tác để giữ cho thị trường quân bình dù hàng khan hiếm; trách nhiệm với người lao động và cộng đồng qua việc kiểm tra thân nhiệt công nhân ngay trước khi họ vào đến Sài Gòn, chăm sóc sức khỏe và truyền thông nội bộ về nguy cơ và cách phòng tránh. Một chủ doanh nghiệp từng hiếm khi xuất hiện tại công ty thì nay lại có mặt gần như toàn thời gian để nâng cao tinh thần cho đội ngũ.
Đó là giá trị yêu thương của người mẹ, người chị khi giám đốc xác định việc bảo toàn sức khỏe cho các thành viên của công ty là mục tiêu hàng đầu, sẵn sàng đi mua khẩu trang, nước rửa tay đang khan hiếm cho nhân viên và những người thân trong gia đình họ.
Kể không hết những giá trị từ những người chị, người bạn, người em của tôi. Những giá trị sống đích thực không cần phải được kiến tạo và xây dựng. Nó đã ở sẵn bên trong mỗi con người, đặc biệt là từ mỗi người phụ nữ Việt Nam.
"Hãy dùng ngày 8/3, không còn là ngày để phụ nữ vùng lên nữa, mà là ngày ghi nhận những giá trị bên trong của người phụ nữ, ngày để khơi dậy các giá trị trong mỗi người và lan tỏa các giá trị sống ra cộng đồng, đặc biệt là thông qua những hoạt động và chương trình của giáo dục các giá trị sống cho thế hệ tương lai", chị Bích Hà khẳng định.
Với HAWEE, mục tiêu nâng cao sức mạnh nội tâm và hướng đến các giá trị đích thực cho các thành viên đã được triển khai qua nhiều chương trình trong 5 năm qua. Các khủng hoảng trong cuộc đời mỗi con người ai ai cũng có. Để rèn luyện bản lĩnh nữ doanh nhân, bên cạnh tư duy lãnh đạo và những kỹ năng quản trị, rất cần thiết phải quay về với các giá trị sống, hiểu rõ các giá trị cốt lõi là gì, chân thành học hỏi các giá trị từ những tấm gương cụ thể, những câu chuyện thực tế trong cuộc sống, kiên trì thực hành với bản thân, tạo dựng bầu không khí dựa trên các giá trị cho đội ngũ và tổ chức.