Vũ khí mới chống Covid-19

Liệu pháp kháng thể từ hãng dược phẩm Mỹ Regeneron đã cải thiện tỉ lệ sống sót của các bệnh nhân Covid-19 và mang đến hy vọng mới về thuốc điều trị những ca bệnh nặng nhất.

Kết quả nghiên cứu tại các bệnh viện của Anh cho thấy, Regen-Cov đã cứu sống nhiều trường hợp trong số những người không thể tự tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Những người có “huyết thanh âm tính” như vậy chiếm khoảng 1/3 trong tổng số 9.785 bệnh nhân được nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị bằng Regen-Cov (màu đỏ) đã giảm tải lượng virus nhanh hơn những bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp tiêu chuẩn (màu xanh). Đồ họa: news-medical.net

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị bằng Regen-Cov (màu đỏ) đã giảm tải lượng virus nhanh hơn những bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp tiêu chuẩn (màu xanh). Đồ họa: news-medical.net

So với nhóm đối chứng được điều trị tiêu chuẩn (hoặc bằng thuốc steroid có tên gọi dexamethasone hoặc đối với những người ốm yếu nhất là thuốc kháng viêm tocilizumab), hơn 20% bệnh nhân đã sống sót. Regen-Cov cũng giảm thời gian nằm viện trung bình từ 17 ngày xuống còn 13 ngày.

Lý do thuyết phục sử dụng liệu pháp kháng thể

Theo tạp chí The Economist, Regen-Cov là sự kết hợp của hai kháng thể đơn dòng, được biết đến với tên gọi casirivimab và imdevimab. Các kháng thể là những protein của hệ thống miễn dịch, vô hiệu hóa mầm bệnh bằng cách khóa chặt chúng. Cả casirivimab và imdevimab đều bám dính vào các vị trí khác nhau trên protein “gai” của virus corona, ngăn không cho virus lây nhiễm sang các tế bào. Sử dụng hai kháng thể thay vì một làm giảm nguy cơ virus tiến hóa kháng thuốc.

Cho đến gần đây, các thử nghiệm vẫn chưa mang đến một lí do thuyết phục cho việc sử dụng rộng rãi các liệu pháp kháng thể trong điều trị Covid-19.

Một vấn đề gặp phải là các nhà nghiên cứu không xác định được rõ ràng nhóm bệnh nhân nào có thể hưởng lợi từ những phương pháp điều trị tốn kém này. Nghiên cứu tại Anh là công trình đầu tiên đủ lớn để chỉ ra rằng, một liệu pháp như vậy làm giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân Covid-19 nặng phải nhập viện. Một năm trước, thử nghiệm tương tự của hãng Recovery do các nhà khoa học Anh thực hiện cũng từng phát hiện, dexamethasone sẽ cứu sống bệnh nhân.

Hai kháng thể đơn dòng tạo nên Regen-Cov có tác dụng bám dính vào các vị trí khác nhau trên protein “gai” của virus corona, ngăn không cho virus lây nhiễm sang các tế bào.

Hai kháng thể đơn dòng tạo nên Regen-Cov có tác dụng bám dính vào các vị trí khác nhau trên protein “gai” của virus corona, ngăn không cho virus lây nhiễm sang các tế bào.

Regen-Cov đã được cấp phép khẩn cấp sử dụng ở Mỹ, Brazil, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ, nhưng vẫn là loại thuốc đang trong vòng kiểm tra ở Anh và các nơi khác. Dẫu vậy, ngay cả khi nhiều quốc gia khác cấp phép lưu hành, việc tiếp cận thuốc nhiều khả năng vẫn vô cùng hạn chế.

Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết kết quả nghiên cứu là một tin tốt lành, nhưng bà cảnh báo việc tiếp cận với các loại thuốc kháng thể đơn dòng "bị hạn chế trên toàn cầu”. Một nghiên cứu gần đây của tổ chức y tế từ thiện Anh Wellcome Trust và tổ chức Sáng kiến thuốc chủng ngừa AIDS quốc tế IAVI đã chỉ ra tình trạng không sẵn có của những loại thuốc này ở nhiều nơi trên thế giới.

Hơn 3/4 thị trường dành cho họ là ở Mỹ, Canada và châu Âu. Đến nay, Mỹ và Đức đã mua lượng lớn sản phẩm Regen-Cov. Vào tháng 1, Mỹ đã đồng ý mua tới 1,25 triệu liều với giá 2,6 tỷ USD, trong khi Đức đã chi 487 triệu USD để mua 200.000 liều thuốc. Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được điều trị bằng Regen-Cov khi ông bị nhiễm Covid-19 hồi tháng 10/2020.

Có hai lí do dẫn đến sự thâu tóm nói trên và chúng có liên quan đến nhau là số lượng và giá cả. Chẳng có mấy cơ sở sản xuất liệu pháp kháng thể đơn dòng. Và nhìn chung, chỉ những nước giàu có mới có đủ khả năng chi trả. Giá của mỗi liều Regen-Cov lên tới hàng nghìn USD.

Theo tiến sĩ Swaminathan, cần phải thành lập nhiều nhà máy sản xuất kháng thể đơn dòng hơn trên khắp thế giới để các phương pháp điều trị như vậy trở nên dễ tiếp cận và có giá cả phải chăng. Việc thiếu nguồn cung Regen-Cov có thể sẽ trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của những người có quan điểm rằng, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các công nghệ liên quan đến đại dịch.

Hy vọng cho bệnh nhân huyết thanh âm tính

Cho đến nay, các thử nghiệm đối với liệu pháp kháng thể Covid-19 nhìn chung gây thất vọng, nên tin tức về thành công của Regen-Cov có thể sẽ làm hồi sinh sự quan tâm đến chúng.

Liệu pháp kháng thể của Eli Lilly, LY-CoV555 đã không mang lại lợi ích cho các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện trong một thử nghiệm hồi tháng 12 năm ngoái. Vào ngày 15/6, một loại thuốc tương tự của AstraZeneca cũng gây thất vọng khi được cho dùng thử nghiệm ở những người đã phơi nhiễm virus. Song, những loại thuốc này có thể hữu ích nếu chúng được dùng cho nhóm bệnh nhân hẹp hơn, đã được cuộc thử nghiệm của Recovery nhận diện.

Tuy nhiên, nếu nhu cầu đối với Regen-Cov tăng lên, vẫn chưa rõ nguồn cung có thể được cải thiện nhanh chóng như ra sao, ngay cả ở những quốc gia có đủ tiền để chi trả cho chế phẩm.

Mỹ, Canada và châu Âu chiếm hơn 3/4 thị trường thuốc kháng thể năm 2018, trong khi nhu cầu của thế giới đối với loại chế phẩm được dự báo tăng 4,25% trong năm 2020 và tăng 7% trong giai đoạn 2019 - 2024 lên 54,55 tỷ USD. Ảnh: The Economist, Technavio

Mỹ, Canada và châu Âu chiếm hơn 3/4 thị trường thuốc kháng thể năm 2018, trong khi nhu cầu của thế giới đối với loại chế phẩm được dự báo tăng 4,25% trong năm 2020 và tăng 7% trong giai đoạn 2019 - 2024 lên 54,55 tỷ USD. Ảnh: The Economist, Technavio

Các dây chuyền sản xuất kháng thể đơn dòng đang được sử dụng để sản xuất thuốc điều trị ung thư và viêm khớp, cũng rất cần thiết. Hơn nữa, nguồn cung ứng trang thiết bị cần thiết như túi sinh học, các bộ lọc và thiết bị khử trùng đã bị kéo căng do nhu cầu từ các nhà sản xuất vắc xin. Đầu năm nay, hai công ty dược phẩm đã than phiền về việc bị cản trở khả năng tạo ra kháng thể đơn dòng vì thiếu thiết bị, do sự thúc đẩy sản xuất vắc xin trên toàn cầu.

Vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng nguồn cung kháng thể đơn dòng trong những tháng tới đều có thể dẫn đến sự cạnh tranh với hoạt động sản xuất vắc xin. Viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA), Mỹ đang ngăn chặn xuất khẩu phần lớn nguồn cung thiết bị và nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vắc xin. Nếu Washington chọn sử dụng DPA để hỗ trợ sản xuất kháng thể đơn dòng, điều đó có thể có tác động đến sản xuất vắc xin ở các nước như Brazil, Anh và Ấn Độ.

Nghiên cứu của Recovery dường như cũng giải quyết một cuộc tranh luận khoa học về việc liệu có nên áp dụng các liệu pháp kháng virus cho những bệnh nhân Covid-19 khi họ phải nhập viện hay không. Câu trả lời là có. Trước đây, các chuyên gia từng cho rằng, vào thời điểm bệnh nhân được đưa vào viện, chỉ thuốc kháng viêm, vốn điều trị tổn thương do virus gây ra, nên được dùng.

Việc những bệnh nhân huyết thanh âm tính có thể được hưởng lợi từ các liệu pháp kháng virus mở ra thêm các hướng nghiên cứu về chế phẩm này. Trong thử nghiệm của Recovery, những bệnh nhân huyết thanh âm tính không được điều trị có nguy cơ tử vong cao gấp đôi những người có thể tạo ra phản ứng kháng thể.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/vu-khi-moi-chong-covid-19-768714.html