Vũ khí mới của Nga bảo vệ tàu chiến trước cuộc tấn công của tên lửa và UAV
Tờ Izvestia của Nga cho biết, Moscow đang phát triển một hệ thống tác chiến điện tử mô-đun (EW) mới để bảo vệ tàu chiến và tàu hỗ trợ khỏi các cuộc tấn công của tên lửa và máy bay không người lái (UAV).
Theo Izvestia, hệ thống EW mới sẽ được lắp đặt trong các container tiêu chuẩn dài 12m trên biển hoặc gắn trên boong các loại tàu mặt nước của Hải quân Nga, trong đó có tàu kéo, tàu vận chuyển… Izvestia cho biết, những container gắn EW có thể bảo vệ tàu thuyền khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của đối phương bằng cách gây nhiễu các thiết bị điện tử.
Các nguồn tin quân sự của Nga tiết lộ, những tàu tuần tra thuộc Đề án 22160 sẽ là những phương tiện đầu tiên của Hải quân Nga được tiếp nhận hệ thống tác chiến điện tử mới. Đây là những con tàu có kích thước lớn, được thiết kế tuần tra, giám sát và bảo vệ các vùng biển.
Tàu thuộc Đề án 22160 cũng sẽ được sử dụng để bảo vệ bờ biển và các căn cứ ven biển trong một cuộc xung đột. Ngoài ra chúng có thể hộ tống tàu và các nhóm tàu, tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn hay chống cướp biển. Quan trọng hơn, chúng có cấu trúc mô đun, nghĩa là có thể tích hợp nhiều hệ thống vũ khí và trang thiết bị để phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Phát biểu với Izvestia, cựu Tham mưu trưởng hải quân Nga Valentin Selivanov nói rằng, sự hiện diện của các phương tiện tác chiến điện tử sẽ giúp nâng cao sức mạnh của các hạm đội trong lực lượng hải quân. Ông Valentin Selivanov cho biết: “Các tàu tuần tra trong khu vực ven biển có thể phát hiện và chống lại những cuộc tấn công từ trên biển. Nhưng các cuộc không kích có thể diễn ra bất ngờ. Nếu có phương tiện tác chiến điện tử mạnh mẽ, chúng có thể chống lại máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và tên lửa. Những phương tiện tác chiến điện tử có thể vô hiệu hóa máy bay không người lái bằng cách buộc chúng thả đạn dược hoặc hạ cánh ở một nơi khác".
Ông Valentin Selivanov cho biết thêm, các lực lượng vũ trang Nga đã có kinh nghiệm sử dụng thiết bị tác chiến điện tử trong điều kiện chiến đấu tại Ukraine.
Cách thức EW định hình cuộc xung đột
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, các bên tham chiến chủ yếu tập trung vào việc sử dụng tên lửa, đạn pháo và máy bay. Tuy vậy, tác chiến điện tử cũng đóng một vai trò không hề nhỏ trong cuộc chiến này. Tác chiến điện tử đã trở thành yếu tố quan trọng hơn rất nhiều trong các cuộc giao tranh ác liệt ở vùng Donbass, song năng lực của Nga hay Ukraine trong lĩnh vực này vẫn là ẩn số.
Các hệ thống EWW mà Nga triển khai tại Ukraine bao gồm tổ hợp tác chiến điện tử RB-341В Leer-3, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái Orlan-10, hệ thống chế áp điện tử tiên tiến nhất Borisoglebsk-2 RB-301B, hệ thống tình báo tín hiệu SB-636 Svet-KU, cùng các hệ thống RB-109A “Bylina” và Tirada-2.
RB-341В “Leer-3” kết hợp với máy bay không người lái Orlan-10 sẽ chặn tín hiệu định vị vệ tinh, thông tin liên lạc 3G, 4G và tin nhắn văn bản.
RB-301B “Borisoglebsk-2” dùng để làm nhiễu trận địa quân sự Ukraine và các tín hiệu vô tuyến tần số cao (HF) và tần số siêu cao (UHF).
RB-636 “Svet-KU”, có vai trò xác định vị trí và chặn tín hiệu vô tuyến. Còn RB-109A “Bylina” và Tirada-2 được sử dụng để làm suy giảm và làm nhiễu đường truyền thông tin liên lạc vệ tinh. Thiết bị gây nhiễu R-934B “Sinitsa” cũng có thể làm gián đoạn, thậm chí phá hủy hệ thống liên lạc và dẫn đường của vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) trong trường hợp cần thiết.
Nga được cho là có lợi thế rõ ràng trong lĩnh vực tác chiến điện tử. Tuy nhiên, sức mạnh tác chiến điện tử của Nga hầu như không được phát huy trong giai đoạn đầu chiến sự khi các lực lượng của Moscow tấn công gần thủ đô Kiev của Ukraine.
Sau khi trọng tâm cuộc chiến chuyển sang phía Đông và phía Nam Ukraine, gần lãnh thổ của Nga và Bán đảo Crimea, năng lực tác chiến điện tử của Nga dường như được phát huy đáng kể, đặc biệt khi đối phó với máy bay không người lái của Ukraine.
Gây nhiễu UAV của đối phương
Trong những ngày đầu của xung đột Nga - Ukraine, UAV trở thành phương tiện mang lại hiệu quả bất ngờ cho lực lượng của Ukraine trong việc tấn công các mục tiêu Nga. Một số video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, UAV tấn công xe tăng, hệ thống phòng không, trực thăng và xe tải tiếp nhiên liệu của Nga. Tuy vậy, xu hướng này đã thay đổi sau khi Nga tập trung giành quyền kiểm soát tại khu vực Donbass.
Một số báo cáo cho biết, quân đội Nga đã tăng cường sử dụng EW vì các tuyến đường tiếp tế ngắn hơn và dễ bảo vệ hơn, cho phép thiết bị tác chiến điện tử của Nga được triển khai gần tiền tuyến hơn. Ở giai đoạn đầu cuộc chiến, các đoàn xe quân sự của Nga gặp khó khăn khi di chuyển do thiếu nhiên liệu và những thách thức về hậu cần.
Tiến sỹ Thomas Withington, học giả chuyên về tác chiến điện tử và liên lạc quân sự tại Mỹ cho rằng, địa hình ở miền Đông Ukraine rất khác với Kiev. Miền Đông có địa hình trống trải, bằng phẳng giúp EW phát tín hiệu gây nhiễu dễ dàng hơn so với khu vực thành thị nơi có nhiều tòa nhà lớn.
Vào tháng 6 vừa qua, một quan chức tình báo Ukraine tiết lộ, Nga đã gây nhiễu máy thu GPS trên các UAV mà Ukraine sử dụng để xác định vị trí đối phương và làm gián đoạn đường truyền thông tin. Báo cáo tương tự cũng được đưa ra ở khu vực miền Nam– nơi quân đội Ukraine đang tiến hành cuộc phản công tại Kherson. Các binh sỹ Ukraine tham gia cuộc chiến tại Kherson cho biết, Nga đã tấn công mạng các máy bay không người lái, khiến các nhà điều hành UAV của Ukraine bất lực.
Tuy vậy, vẫn không thể có được bức tranh rõ ràng và toàn cảnh về hiệu quả của các hệ thống tác chiến điện tử mà Nga đang sử dụng do tình trạng sương mù chiến tranh. Hơn nữa, tác chiến điện tử là một lĩnh vực khó nắm bắt, trong khi các thông tin sẵn có không có nhiều./.