Vũ khí 'ngày tận thế' của Nga đã lên nòng
Bất chấp những nghi ngờ của phương Tây, siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga đã được hoàn tất và sẵn sàng gây ra những tổn thất khủng khiếp cho đối thủ được ví như 'ngày tận thế'.
Hãng tin TASS mới đây dẫn một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga cho biết siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon đã được hoàn tất và sắp tới tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng Belgorod sẽ được trang bị vũ khí này.
Trước đó, trong thông điệp liên bang ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai việc Nga phát triển một loại vũ khí mới. Các chuyên gia phương Tây khi đó cho rằng vũ khí mới mà ông Putin nói tới sẽ khó có thể trở thành hiện thực.
Đáng chú ý, khi nói về ngư lôi hạt nhân Poseidon, giới chuyên gia phương Tây còn nhiều thái độ hoài nghi. Phải chăng những tính năng thực sự khủng khiếp của loại vũ khí như ngày tận thế đã tạo ra hiện tượng này?
Theo một số nguồn tin đã được công bố, Poseidon là một thiết bị không người lái dưới nước, được trang bị đầu đạn và động cơ hạt nhân. Khi được phóng ra từ tàu ngầm mẹ, thiết bị này có thể vượt qua những khoảng cách rất lớn ở độ sâu cực đại. Vì vậy rất khó có khả năng phát hiện được loại vũ khí này.
Khi tới vị trí đã định, tàu ngầm hạt nhân Poseidon có thể tấn công cả một vùng duyên hải và để lại những hậu quả không thể bù đắp cho đối phương, trong đó bao gồm cả việc hủy diệt các căn cứ hải quân hoặc các nhà máy đóng tàu.
Điểm đáng chú ý ở đây là sơ đồ hoạt động của đầu đạn hạt nhân này chính là ý tưởng của viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Andrei Dmitrievich Sakharov – người đã nhận giải Nobel Hòa bình năm 1975.
Một số thông tin ít ỏi về ngư lôi hạt nhân Poseidon được hé lộ là chiều dài của ngư lôi 20m, đường kính 1,8m, trọng lượng gần 100 tấn, tức là nhiều gấp 30 lần so với ngư lôi thông thường, đây cũng chính là ngư lôi lớn nhất thế giới.
Ngư lôi hạt nhân Poseidon có thể lặn sâu dưới đáy đại dương tới một km trong khoảng thời gian lên tới 4 tháng.
Tàu ngầm mẹ thực hiện phóng Poseidon ở một thời điểm thích hợp, sau đó ngư lôi Poseidon tự kích hoạt tới mục tiêu. Nhờ có trang bị động cơ hạt nhân, mà cự ly di chuyển của Poseidon là không hạn chế. Tuy vậy, ngư lôi hạt nhân Poseidon được tin rằng chỉ là phương án dự bị trong nước cờ hạt nhân của Nga.
Tới thời điểm hiện tại, ngư lôi hạt nhân Poseidon được biên chế cho tàu ngầm hạt nhân Belgorod – 329. Ban đầu, tàu ngầm Belgorod được đóng theo dự án 949A “Antey”. Sau này được nâng cấp theo dự án 09852.
Ngày 8/7/2022, nhà máy đóng tàu Sevmash đã tổ chức lễ tiếp nhận và bàn giao tàu ngầm Belgorod phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học cho Hải quân Nga.
Buổi họp báo ngay sau đó đã chính thức đưa ra tuyên bố rằng tàu ngầm Belgorod có nhiệm vụ thực hiện các chức năng khác nhau trong công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, đồng thời cũng có thể sử dụng để vận chuyển các thiết bị cứu hộ không người lái dưới đáy sâu của đại dương.
Điểm cuối cùng của tuyên bố trên đặc biệt gây nhiều chú ý và lo ngại cho các nước thành viên trong khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Giới truyền thông của các nước phương Tây đã tích cực săn lùng thông tin và tỏ ra hân hoan khi dự án tàu ngầm Belgorod của Nga bị chậm tiến độ.
Những ngày đầu tháng 1/2023, hãng tin TASS thông báo thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân Belgorog đã hoàn thành các đợt phóng thử nguyên mẫu có khối lượng và kích thước tương ứng với ngư lôi hạt nhân Poseidon.
Kết quả của các đợt phóng sẽ là căn cứ để đánh giá khả năng phóng ngư lôi Poseidon của tàu ngầm Belgorod ở những độ sâu khác nhau.
Trước đó hồi tháng 7/2022, tại Hội nghị chuyên đề tổ chức tại Nebraska (Mỹ), đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, đã tuyên bố: “Chúng ta sắp được chứng kiến cuộc diễu hành của bộ ba hệ thống vũ khí mới, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat – loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được trang bị động cơ hạt nhân, thiết bị không người lái dưới nước – ngư lôi hạt nhân Poseidon và tên lửa siêu thanh”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-khi-ngay-tan-the-cua-nga-da-len-nong-213965.html