Xe tăng Nga luôn là một trong những câu chuyện “kinh dị” chính của phương Tây. Khi Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một trong những vũ khí chính, trong gói viện trợ quân sự cho Kiev từ phương Tây, đó là vũ khí chống tăng.
Đã có ít nhất 2.000 tên lửa NLAW (dùng một lần) đã được chuyển từ Anh, 100 NLAW từ Luxembourg, vài trăm tên lửa Javelin từ Mỹ và Estonia. Các chuyên gia quân sự phương Tây gọi NLAW và Javelin là một trong những loại tên lửa chống tăng cơ động tiên tiến nhất.
NLAW có tầm bắn hiệu quả lên tới 1 km, trong khi Javelin có tầm bắn hiệu quả tối đa lên tới 4,5 km. Tên lửa Javelin đắt hơn nhiều so với NLAW, với giá một tên lửa khoảng 80.000 USD.
Nhưng chính các chuyên gia cũng thừa nhận rằng, những tên lửa này không thể xoay chuyển hoàn toàn hình thái chiến trường, bất chấp giá trị của chúng, do số lượng không đủ và chiến thuật sử dụng vũ khí chống tăng, ở một địa hình quá bằng phằng như Ukraine, khó có thể đem lại lợi thế lớn.
Nhưng không thể phủ nhận, việc sử dụng số tên lửa chống tăng mà phương Tây viện trợ, chúng vẫn có thể mang lại một số lợi thế cho quân đội Ukraine; do những tên lửa chống tăng di động, được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt xe tăng chiến đấu chủ lực.
Theo nhà phân tích quân sự người Australia James Dwyer, Quân đội Nga sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực ở Ukraine, được thiết kế với công nghệ giáp hiện đại và rất khó tính toán số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Nga ở Ukraine.
Dwyer phân tích, xe tăng Nga đều được trang bị lớp giáp nổ bên ngoài, nhưng đây không phải là trở ngại đối với tên lửa chống tăng hiện đại. Tên lửa Javelin được thiết kế để tấn công xe tăng từ trên cao, theo kiểu “đột nóc”; tức là từ trên cao lao xuống nóc tháp pháo xe tăng, nơi có lớp giáp mỏng nhất.
Ngoài ra, Dwyer còn cho biết, tên lửa chống tăng có thể được sử dụng ở chế độ ngắm bắn trực tiếp vào bất kỳ phương tiện cơ giới và tòa nhà nào. Điều này biến chúng thành một vũ khí hỏa lực rất linh hoạt và nguy hiểm cho Quân đội Ukraine.
Những ưu điểm của tên lửa NLAW và Javelin đó là trọng lượng nhẹ (chỉ từ 10 đến 25 kg) và kết cấu theo kiểu modul; đồng thời chúng rất dễ sử dụng; do vậy, cho phép một người lính chỉ cần qua khóa huấn luyện tối thiểu, cũng có thể sử dụng.
Những vũ khí khí chống tăng như vậy, thường biên chế cho các đội chống tăng chuyên trách, thường có quân số ít, bí mật và rất cơ động. Xét cho cùng, tên lửa như Javelin hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên”, người lính khóa và phóng tên lửa, sau đó di chuyển khỏi vị trí. Tên lửa tự lái đến mục tiêu.
Do đó, lực lượng xe tăng và xe cơ giới của quân đội Nga, đã phải đối mặt với mối đe dọa khá nguy hiểm ở Ukraine, đó là việc sử dụng tên lửa chống tăng hiện đại; bởi các tổ chống tăng cơ động của Quân đội Ukraine hoặc dân quân theo tư tưởng cực hữu.
Tuy nhiên Quân đội Nga đã có những kinh nghiệm đối phó với tên lửa chống tăng qua cuộc chiến tại Syria. Nên nhớ trong giai đoạn đầu, tên lửa chống tăng TOW được phương Tây và các quốc gia Arab viện trợ cho phiến quân, đã làm “tuyệt chủng” xe tăng của Quân đội Syria trên chiến trường.
Nhưng sau này, Quân đội Syria đã phát huy triệt để ưu thế về phương tiện trinh sát mặt đất, trên không; trước khi cho xe tăng bước vào chiến đấu, họ cho UAV lùng sục kỹ, nếu phát hiện nghi vấn, cho pháo binh bắn phá sau đó mới cho xe tăng xung trận. Chiến thuật này đã làm hạn chế đáng kể, khả năng của tên lửa chống tăng của phiến quân.
Với Quân đội Nga, không giống như quân đội Ukraine, họ không dựa nhiều vào vũ khí chống tăng. Các lực lượng vũ trang Nga đang sử dụng ưu thế tuyệt đối trên không, để phát hiện và tiêu diệt các khu vực tập trung các thiết bị quân sự của Ukraine.
Hỏa lực của Quân đội Nga gồm không quân, trực thăng vũ trang, pháo binh, xe tăng, khiến quân đội Nga mạnh hơn rất nhiều trong tình hình hiện nay. Đặc biệt Quân đội Nga dựa nhiều vào trực thăng vũ trang, đây là khắc tinh của tên lửa chống tăng.
Còn trên thực tế, sẽ không có nguồn cung cấp tên lửa chống tăng nào từ phương Tây có thể thay đổi tình hình, mặc dù chúng có thể mang lại một số thiệt hại cho quân đội Nga. Điều này cũng được chính các chuyên gia phương Tây ghi nhận.
Tiến Minh