Theo tờ Sina của Trung Quốc, truyền thông phương Tây thường cho rằng, vũ khí kiểu NATO là hết sức “hiện đại và thông minh”. Tuy nhiên, kết quả thực chiến của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chứng minh, hàng loạt vũ khí của NATO như xe tăng Leopard-2, xe chiến đấu bộ binh CV-90, Bradley… còn lâu mới đạt được hiệu quả như các nước NATO chào hàng.
Tuy nhiên những vũ khí như xe tăng Leopard-2, xe chiến đấu bộ binh CV-90, Bradley có thể đổ lỗi là sản phẩm của thời kỳ chiến tranh Lạnh. Vậy chiến đấu cơ tàng hình F-35 Lightning 2 Joint Strike Fighter thì sao? F-35 có thực sự mạnh như truyền thông Mỹ quảng cáo?
Gần đây, tờ "Quan sát quân sự" của Mỹ đưa tin, Quân đội Bỉ đã từ chối tiếp nhận lô máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên do Mỹ chuyển giao, vì có những vấn đề không đạt yêu cầu. Điều này cho thấy, máy bay chiến đấu F35 không “hoàn hảo” như dư luận của truyền thông Mỹ.
Năm 2018, Không quân Bỉ đã chọn chiến đấu cơ F-35 trước áp lực từ Pháp. Do nhiều quốc gia đặt hàng mua F-35, nên theo kế hoạch, từ năm 2023 đến 2028, Bỉ sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-35 với tốc độ 4 chiếc mỗi năm.
Máy bay chiến đấu F-35 là máy bay chiến đấu đa năng, được tối ưu hóa khả năng tấn công mặt đất, dựa trên các hệ thống trinh sát và quản lý chiến đấu tiên tiến và đặc biệt là thiết kế tàng hình. Tuy nhiên, hiệu quả không chiến của F-35 vẫn mạnh hơn so với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-15.
Nhưng ngay từ khi đưa vào sử dụng, F-35 đã phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau. Các lỗi mới liên tục lộ ra, nhưng tốc độ giải quyết vấn đề rất chậm; dẫn đến 800 lỗi của F-35 vẫn chưa được xử lý ở giai đoạn này.
Một số lượng lớn các khiếm khuyết đã khiến máy bay chiến đấu F-35 không thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu cường độ cao cho đến năm 2030. Quá nhiều lỗi cũng đã làm giảm đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu của F-35, làm tăng thêm hàng tỷ USD chi phí sửa chữa và nâng cấp.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ khoảng 30% số chiến đấu cơ F-35 đã đưa vào sử dụng có thể thực hiện các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Do lỗi sản xuất chậm được khắc phục, nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi đội F-35 trên toàn cầu.
Nhiều hỏng hóc khác nhau trên chiến đấu cơ F-35 cũng ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của các phi công, chẳng hạn như chiếc F-35B gặp nạn ngày 19/10/2022 do trục trặc phần mềm, khiến phi công không thể điều khiển máy bay.
Do các lỗi khác chưa thể khắc phục được, đã làm giảm sản lượng máy bay chiến đấu F-35 từ ước tính 156 chiếc xuống còn khoảng 100 chiếc. Do đó, hiệu suất chiến đấu của F-35 đã bị chỉ trích bởi cả giới quân sự và chính trị của Mỹ, cũng như khách hàng nước ngoài như Hàn Quốc.
Tờ Sina của Trung Quốc lại cho rằng, mặc dù tiêu tốn khoản ngân sách khổng lồ, nhưng F-35 là máy bay chiến đấu có những thiếu sót rất rõ ràng. Ví dụ tốc độ bay tối đa không thể vượt quá 1,3 Mach; nếu bay quá tốc độ này, lớp phủ tàng hình sẽ gặp phải vấn đề bóc tách rất nghiêm trọng.
Trong khi đó, trần bay tối đa của F-35 chỉ là 15.000 m, dẫn đến việc chịu lép vế trước chiến đấu cơ của đối phương, khiến F-35 khá yếu thế khi đối đầu với ưu thế trên không của các máy bay chiến đấu khác cùng thế hệ.
Hơn nữa, phiên bản F-35B là máy bay cường kích đa năng, không đặt ra yêu cầu quá cao về hiệu quả tác chiến trên không; trong đó quan trọng nhất là khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng.
Tuy nhiên hiệu suất chiến đấu đối không của F-35B thua xa các máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không cùng thế hệ; thậm chí chúng không thể so sánh với máy bay cường kích khác thế hệ về khả năng mang tải trọng vũ khí như Su-24, MIG-27 và Tornado.
Ưu điểm của F-35 ở tất các phiên bản đó chính là khả năng tàng hình, các cảm biến và hệ thống quản lý chiến đấu. Do vậy F-35 có thể đè bẹp các máy bay chiến đấu không tàng hình nhờ các tính năng trên. Trong truyền thông dư luận ở Mỹ, F-35 thực sự là một máy bay “chiến đấu hoàn hảo”.
Hơn nữa, trong truyền thông dư luận của Mỹ, nếu vũ khí loại xuất khẩu của các quốc gia khác hoạt động kém trong chiến đấu, thì nhất định là loại vũ khí này không tốt. Ví dụ xe tăng T-72 đã bị phá hủy với số lượng lớn trong Chiến tranh Iraq, điều này khiến T-72 trong truyền thông phương Tây là loại “vũ khí bại trận”.
Nhưng màn bay đầu của “siêu tăng” Leopard-2 trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến việc khoe khoang của truyền thông phương Tây trở thành “trò cười”. Nhưng nên nhớ vào năm 2017, xe tăng M1A2 Abram của Saudi Arabia cũng “cháy to”, nhưng truyền thông quốc tế, dưới sự dẫn dắt của truyền thông Mỹ, lại cho đó là “tai nạn nhỏ”.
Video Tiêm kích F-35 gặp nạn khi hạ cánh tại căn cứ quân sự ở bang Texas ngày 15/12/2022. Nguồn CNN
Tiến Minh (theo Sina, Military Watch)