Vũ khí viện trợ đến Ukraine theo đường nào?

Trước kia, máy bay có thể tự do chở vũ khí từ phương Tây tới Kyiv. Nhưng khi đường không vận không còn an toàn giữa chiến sự, biên giới Ba Lan trở thành tuyến đường chính.

Từ năm 2014, nhiều nước viện trợ các khí tài quân sự không sát thương cho Ukraine. Tới năm 2017, Mỹ đồng ý cung cấp vũ khí sát thương. Tháng 4/2018, Ukraine đón lô vũ khí đầu tiên, bao gồm 210 tên lửa Javelin và 37 bệ phóng.

Trước khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2, những trang thiết bị quân sự ấy có thể được dễ dàng vận chuyển bằng máy bay tới thủ đô Kyiv. Hiện tại, công tác vận tải khó khăn hơn rất nhiều, vì máy bay chở theo vũ khí có nguy cơ bị bắn rơi.

 Binh sĩ Ukraine luyện tập sử dụng tên lửa M141 Bunker với sự hướng dẫn của binh lính Mỹ. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Ukraine luyện tập sử dụng tên lửa M141 Bunker với sự hướng dẫn của binh lính Mỹ. Ảnh: Reuters.

Tuyến đường bộ qua Ba Lan

Không phận của Ukraine lúc này không còn an toàn vì tiêm kích Nga có thể đánh chặn những lô khí tài viện trợ. Nhưng từ khi giao tranh bắt đầu, những chuyến hàng chở vũ khí vẫn chảy vào Ukraine qua đường bộ, DW dẫn lời quan chức phương Tây.

Tuy tuyến đường vào Ukraine được giữ bí mật, một trong những cửa chính là thông qua Ba Lan - nước có chung đường biên giới dài hơn 500 km với Ukraine ở phía tây. Vì thế, Ba Lan từ trước đã đóng vai trò là một cầu nối quan trọng.

Trong quá khứ, quân đội Mỹ thường đưa lực lượng và khí tài qua Ba Lan. Đến nay, súng ống, tên lửa đang từ Đức, Mỹ và các nước khác đổ vào Ukraine, trong lúc phụ nữ và trẻ em Ukraine đi sơ tán theo chiều ngược lại, theo Economist.

“Tất cả vật tư này về cơ bản đều đang được tập trung trên biên giới Ba Lan”, ông Ed Arnold, một nghiên cứu viên về an ninh châu Âu thuộc Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, nói với DW.

 Ukraine tiếp giáp Ba Lan về phía tây. Đồ họa: DW.

Ukraine tiếp giáp Ba Lan về phía tây. Đồ họa: DW.

“Dù có muốn, Slovakia (một nước thành viên NATO cũng giáp Ukraine) cũng khó trở thành đường vận chuyển vì có các rặng núi chạy từ đây xuống Romania”, ông Arnold nói. “Vì thế có hai đường: Một là gần biên giới Belarus, đường còn lại là hơi chếch về phía nam (tức Ba Lan)”.

Hungary cũng là một nước NATO tiếp giáp Ukraine nhưng chính phủ nước này không cho phép vũ khí sát thương được trung chuyển qua lãnh thổ. Nguyên nhân là Hungary lo ngại “những chuyến hàng như vậy có thể trở thành mục tiêu của các hành động quân sự đối địch”.

Một cách khác để vũ khí phương Tây tới được tiền tuyến là binh sĩ Ukraine có thể trực tiếp sang Ba Lan để nhận đồ và chuyển qua biên giới, nhưng con số này sẽ không lớn, ông Arnold nói.

Vũ khí có sớm đến tay quân đội Ukraine?

Việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine không chỉ là vấn đề tuyến đường. Liệu số khí tài của phương Tây có thể đến được tay binh sĩ Ukraine đủ sớm để tạo ra sự khác biệt hay không còn chưa chắc chắn, theo New York Times.

Thách thức đầu tiên là việc mua sắm khí tài. Ngành công nghiệp quốc phòng thường di chuyển chậm vì các yếu tố như giới hạn ngân sách hàng năm và nghĩa vụ hợp đồng. Do đó, những lô vũ khí trước mắt đến Ukraine nhiều khả năng là hàng đã được phê duyệt, lên đơn, thanh toán và sẵn có.

 Binh sĩ Lithuania bốc xếp hệ thống tên lửa Stinger và áo chống đạn lên máy bay để chở đến Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Lithuania.

Binh sĩ Lithuania bốc xếp hệ thống tên lửa Stinger và áo chống đạn lên máy bay để chở đến Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Lithuania.

Chẳng hạn Mỹ sẽ có nhiều khí tài dôi dư còn lại từ thời chiến tranh Afghanistan mà chưa tìm được mục đích sử dụng tiếp theo.

Một yếu tố khác là thời gian. Đối với lực lượng Ukraine tại Kyiv và Kharkiv - hai thành phố đang chứng kiến giao tranh ác liệt, thời gian là tài sản ngày một cạn kiệt.

Theo ông Arnold, thời gian là một yếu tố đặc biệt then chốt đối với lực lượng Ukraine ở chiến tuyến miền Đông.

“Họ nhiều khả năng sẽ bị cô lập nếu không sớm di chuyển về bờ tây của sông Dnieper”, ông Arnold nói. “Họ cần được tiếp tế, vì tham gia các trận đánh ác liệt nhất cũng là lực lượng tinh nhuệ nhất của Ukraine từ Lữ đoàn Dù 95”.

Chiến lược viện trợ khí giới cho Ukraine cũng chứa đựng rủi ro cho phương Tây vì họ có thể chịu đòn trả đũa từ Nga.

Theo New York Times, Tổng thống Vladimir Putin đã cho rằng NATO mong muốn đe dọa Nga bằng cách hỗ trợ Ukraine, thể hiện qua nội dung những bài phát biểu gần đây. Chiến sự ở Ukraine có thể cuốn NATO vào trong, theo những cách ngoài ý muốn.

Người dân Ukraine: Tôi ở lại để sẵn sàng chiến đấu Trong lúc khoảng một triệu người đang sơ tán khỏi Ukraine, ông Andriy Novikov, sống tại thành phố Lviv, nói sẽ trụ lại đất nước lâu nhất có thể và sẵn sàng cầm súng chiến đấu.

Quốc Đạt

Theo New York Times, DW

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-khi-vien-tro-den-ukraine-theo-duong-nao-post1300153.html