Vũ kịch 'Múa Kiều' tái diễn ở Nhà hát TP.HCM
Được giới chuyên môn và khán giá đánh giá có những sáng tạo nghệ thuật mới, mạch chuyện nhân văn, giàu cảm xúc, vũ kịch 'Múa Kiều' sẽ tái diễn vào 20 giờ ngày 22.6 tại Nhà hát TP.HCM.
So với hai lần công diễn vào năm 2018 nhận được phản hồi tích cực, vũ kịch "Múa Kiều" của biên đạo múa người Hàn Quốc Yoo-oh Chun trong lần tái diễn này vẫn giữ nguyên tinh thần vở diễn đã được biên đạo trước đây. "Nhưng chắc chắn cảm xúc biểu đạt của diễn viên sẽ khác bởi càng tiếp xúc, càng diễn, nghệ sĩ sẽ càng thấm tinh thần tác phẩm", biên đạo Yoo-oh Chun chia sẻ.
Ngoài ra, trong lần tái diễn này còn có một khác biệt lớn về diễn viên. Nếu các phiên bản trước chỉ có một nàng Kiều, thì nay ê kíp thực hiện dựng đến ba nàng Kiều, đại diện cho Đời thực của Kiều, Linh hồn của Kiều và Tương lai của Kiều nhằm truyền tải rõ hơn cuộc sống lưu lạc phong trần và sự truân chuyên của kiếp hồng nhan, do ba nghệ sĩ đảm trách: Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang và Phan Tiểu Ly.
Phần âm nhạc vẫn là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, được thể hiện bởi NSND Thanh Hoài (ca trù), Cao Hồ Nga (đàn T’rưng), Trần Khánh Tường (sáo trúc), Nghiêm Thu (đàn tỳ bà) và nghệ sĩ nhạc dân tộc người Hàn Quốc Kang Kwon Soon...
Múa Kiều gợi cho người xem liên tưởng đến thân phận của những “nàng Kiều” thời hiện tại, những cô dâu Việt ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... khi họ không thể đến với hôn nhân từ tình yêu. Ảnh: Sơn Trần
Như Người Đô Thị từng thông tin, từ nguyên tác khoảng 3.254 câu thơ trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, thể hiện nhiều khía cạnh cuộc sống: sự nhân đạo, lòng hiếu thảo, tự do yêu đương, thiện ác, luật nhân quả… tác giả Sun – Goo Jung đã chuyển thể thành tác phẩm vũ kịch dài khoảng một tiếng “Múa Kiều”, chia thành các chương về cuộc đời của một biểu tượng “hồng nhan bạc phận” Thúy Kiều.
Chuyển tải tính cách nhân vật bằng ngôn ngữ cơ thể, "Múa Kiều" tập trung vào miêu tả những mâu thuẫn nội tâm cùng các cung bậc cảm xúc của một số nhân vật quan trọng trong tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du.
Vì muốn truyền tải rõ hơn cuộc sống lưu lạc phong trần và sự truân chuyên của kiếp hồng nhan, thay vì chỉ để mỗi nàng Kiều xuất hiện trên sân khấu,vở múa xây dựng thêm các phân cảnh để làm tăng các cung bậc cảm xúc thông qua các nhân vật: Từ Hải, Kim Trọng; cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Kiều và Đạm Tiên...
“Múa Kiều” là tác phẩm tâm huyết của biên đạo Yoo-Oh Chun, người đã có nhiều năm gắn bó và cống hiến cho người yêu múa Việt Nam nhiều tác phẩm ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao và mang đậm hơi thở nghệ thuật múa đương đại. Bà từng tốt nghiệp Trung học nghệ thuật Sunhwa và Đại học nữ sinh Ewha, nghiên cứu bậc tiến sĩ với chuyên ngành nghệ thuật...
“Kieu’S Story” là tác phẩm múa thứ 4 bà thực hiện, dựa trên những truyền thuyết, lịch sử, văn học Việt Nam. Bằng tình yêu đặc biệt với Việt Nam và niềm đam mê về múa, bà Yoo-Oh Chun đã thực hiện các vở: Cây Nỏ Thần (2015), 800 năm hẹn ước (2015-2017), Huyền Thoại Nữ Nhân (2016)...
Với “Múa Kiều” cũng là lần đầu tiên, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được chuyển thể sang loại hình vũ kịch. Đặc biệt hơn, tác phẩm này còn là một sự hợp tác đầy tâm huyết, trân trọng, bền vững và dài lâu giữa nữ biên đạo Hàn Quốc Yoo-oh Chun của Công ty Y.O Saigon Dance Ensemble (YOSDE) và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), cùng các nghệ sĩ Việt Nam.
NSƯT - Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, giám đốc HBSO nhận định bà Yoo-Oh Chun đã đưa câu chuyện của nàng Kiều lên sân khấu của nghệ thuật múa đương đại bằng một góc nhìn mới mẻ về câu chuyện cổ điển. Bà muốn gởi gắm những ước vọng hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc ở hiện tại và tương lai.
Tham gia với tư cách đạo diễn huấn luyện và cố vấn chuyên môn, đồng thời đảm trách một vai diễn trong “Múa Kiều”, biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng nhận xét: “Có thể nói đây là một vở múa đầu tiên lấy cốt truyện từ nguyên tác "Truyện Kiều", được thực hiện trên sân khấu múa, thời lượng cả tiếng đồng hồ.
Tác phẩm độc đáo hơn khi cuộc đời của nàng Kiều cũng như câu chuyện văn hóa xã hội của Việt Nam được người nước ngoài cảm nhận, chuyển tải. Đó sẽ là một điều rất lạ với người chưa biết về tác phẩm, nhưng vẫn không quá nhàm chán hay quen thuộc với người đã am tường tác phẩm.
Các nghệ sĩ múa được tự do thể hiện điều họ cảm nhận từ sâu trong tâm trí, trong trái tim qua các động tác múa, chuyện động cơ thể, ánh mắt, biểu cảm của gương mặt, để người xem tự nối dài cảm xúc để có những cảm nhận cho riêng mình”.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vu-kich-mua-kieu-tai-dien-o-nha-hat-tp-hcm-19085.html