Vụ kiện của cô giáo Hoài Thanh và công tác điều chuyển giáo viên
Chính những lỗ hổng về mặt pháp lý trong công tác quản lý của những người có thẩm quyền ngành giáo dục huyện Cái Nước đã góp phần đẩy cô giáo vào sự tuyệt vọng
Như tin đã đưa, trong thời gian chưa tròn một năm (từ ngày 08/8/2017 đến ngày 22/8/2018), cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh nguyên giáo viên Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã bị chuyển trường tới 02 lần, đồng thời cô giáo Thanh cũng bị ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau thi hành kỷ luật 02 lần với hình thức “buộc thôi việc” (?)
Sau khi bị kỷ luật buộc thôi việc, cô giáo Hoài Thanh đã khởi kiện “Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại”.
Theo đơn khởi kiện, cô Hoài Thanh yêu cầu ông Phạm Bá Quyển bồi thường tổng các chi phí với số tiền là 83.867.000 đồng (Tám mươi ba triệu, tám trăm sáu mươi bảy nghìn đồng);
Yêu cầu Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông nhận cô Hoài Thanh trở lại làm việc và phân công đúng chuyên môn nghiệp vụ;
Yêu cầu hủy quyết định số 14/QĐ-THCSTHĐ, ngày 14/12/2018 của ông Phạm Bá Quyển đã ký và yêu cầu ông Quyển công khai xin lỗi trước tập thể và đăng 03 kỳ báo.
Bị đơn là ông Phạm Bá Quyển, Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Trong vụ việc này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng đề cập đến rất nhiều những “lỗ hổng” và những yếu tố sai pháp luật của ngành Giáo dục huyện Cái Nước trong công tác điều chuyển nhân sự cũng như phân công công tác đối với cô giáo Hoài Thanh.
Chính những lỗ hổng về mặt pháp lý trong công tác quản lý của những người có thẩm quyền ngành giáo dục huyện Cái Nước đã góp phần xô đẩy cô giáo vào sự tuyệt vọng của sự phản kháng và kết cục cuối cùng là những quyết định kỷ luật mà cô giáo Thanh phải nhận một cách đắng cay.
Và nay, trước khi vụ kiện của cô giáo Hoài Thanh được đưa ra xét xử, ngày 01/11/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước đã ban hành công văn số 319/PGD-ĐT về việc tiếp tục sắp xếp đội ngũ giáo viên năm học 2019-2020.
Công văn số 319/PGD-ĐT đã có những chuyển biến mang tính chất tích cực trong việc thực hiện công tác sắp xếp đội ngũ giáo viên của ngành giáo dục huyện này.
Cụ thể, công văn số 319/PGD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục sắp xếp phân công đội ngũ phù hợp chuyên môn nghiệp vụ, sở trường công tác.
Sau khi phân công theo Thông tư quy định mà vẫn còn thừa không sắp xếp được thì lập danh sách giáo viên cùng bản tự nguyện đăng ký của giáo viên gửi về Phòng Giáo dục chậm nhất ngày 08/11/2019. Phòng giáo dục sẽ tổng hợp chung trong huyện và điều động cho phù hợp.
Đáng chú ý, công văn số 319/PGD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải thực hiện công tác sắp xếp giáo viên đảm bảo công khai, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ ở nơi làm việc.
Đồng thời, công văn số 319/PGD-ĐT chỉ đạo phải “giảm đến mức thấp nhất tình trạng điều chuyển giáo viên sang làm nhiệm vụ khác trong nhà trường.
Thực hiện chế độ làm việc kiêm nhiệm đối với các vị trí còn thiếu để đảm bảo chế độ, chính sách đối với giáo viên”.
Tuy nhiên, công văn số 319/PGD-ĐT yêu cầu: “trường hợp giáo viên không đồng ý đi dạy trường khác mà muốn ở lại trường thì phải có đơn tự nguyện chuyển sang vị trí khác trong trường (?)
Chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Quốc Trí, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước – người ký văn bản số 319/PGD-ĐT để tìm hiểu rõ hơn về nội dung “trường hợp giáo viên không đồng ý đi dạy trường khác mà muốn ở lại trường thì phải có đơn tự nguyện chuyển sang vị trí khác trong trường” nhưng ông Trí từ chối trả lời và yêu cầu trao đổi trực tiếp với Trưởng Phòng Giáo dục vì ông chỉ có trách nhiệm thừa lệnh ký chứ không phát ngôn về công tác tổ chức (?).
Có thể nói, nhìn chung, việc ngành Giáo dục huyện Cái Nước ban hành văn bản số 319/PGD-ĐT về việc hướng dẫn cách sắp xếp đội ngũ nhà giáo như trên là tín hiệu đáng mừng trong công tác quản lý nhân sự cũng như thực hiện việc phân công công tác cho nhà giáo của huyện này.
Và, nếu các cơ sở giáo dục của huyện Cái Nước thực hiện tốt những vấn đề như văn bản số 319/PGD-ĐT đã nêu, ngành giáo dục sẽ không còn tình trạng nhà giáo bị bố trí sai việc làm, không còn tình trạng nhà giáo bị điều chuyển tùy tiện dẫn tới bức xúc phản ứng tiêu cực và phải bị kỷ luật buộc thôi việc như trường hợp của cô giáo Hoài Thanh.