Vụ kiện da cam: Bà Trần Tố Nga kháng cáo quyết định của Tòa án Evry - Pháp

Đảng Cộng sản Đức ra tuyên bố ủng hộ các nạn nhân dioxin Việt Nam.

Ngày 10.5.2021, Tòa đại thẩm (Tribunal de grande instance) Evry đã quyết định bác bỏ đơn của bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty sản xuất chất Da Cam mà bà là nạn nhân trong những năm cuối thập niên 1960 (khi bà có mặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ, kết thúc vào 1973 sau Hiệp định Paris về Việt Nam).

Bản quyết định chưa được công bố toàn văn, nhưng theo các hãng thông tấn, Tòa án Evry cho rằng mình không có "thẩm quyền" phán xét "hành động quốc phòng" (ý nói chiến tranh hóa học) của chính quyền một nước khác, và các công ty bị khởi tố đã "bắt buộc phải tuân lệnh chính quyền (Mỹ)".

Bà Trần Tố Nga trong một hoạt động đòi công lý cho nạn nhân Da Cam Dioxin tại Pháp. Ảnh: TLNV

Bà Trần Tố Nga trong một hoạt động đòi công lý cho nạn nhân Da Cam Dioxin tại Pháp. Ảnh: TLNV

Quyết định của Tòa Evry chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng nghiêm khắc của công luận Pháp và thế giới. Trước mắt, chỉ cần nêu ra một nhận xét: nó hầu như xóa bỏ những nguyên tắc cơ bản của Tòa án quốc tế Nuremberg 1945, nêu rõ "trách nhiệm cá nhân" và bác bỏ luận điểm "phải tuân phục lệnh trên" (điều 7 và điều 8 của Quy chế Tòa án Nuremberg (Xem Le Figaro: https://bit.ly/3eAE5NB).

Ngay tức khắc, ba luật sư William Bourdon, Amélie Lefèbvre và Bertrand Repolt, theo yêu cầu của bà Trần Tố Nga đã ra thông báo tuyên bố kháng cáo.

Như ba luật sư (từ 7 năm qua đã nhận bảo vệ miễn phí cho bà Trần Tố Nga trong vụ kiện này) nhấn mạnh, công lý thuộc về bà Trần Tố Nga và các nạn nhân chất da cam. Bà Trần Tố Nga là người có song tịch Pháp và Việt Nam. Bà tiến hành vụ kiện này hoàn toàn không chỉ cho riêng bản thân mình mà coi đó là cuộc đấu tranh đến cuối đời của bà nhằm đòi công lý cho tất cả các nạn nhân chất Da Cam có chứa độc tố Dioxin.

Dưới đây là toàn văn bản dịch tiếng Việt từ nguyên tác tiếng Pháp nội dung thông báo tuyên bố kháng cáo:

Thông cáo của các luật sư Bourdon, Lefèbvre, Repolt - luật sư của bà Trần Tố Nga

Những luật sư ký tên dưới đây xác nhận rằng thân chủ của đã tức khắc chỉ thị cho họ kháng án quyết định vừa công bố.

Thật vậy, quyết định của Tòa tư pháp Evry trong đó tuyên bố không chấp nhận đơn kiện của bà Trần Tố Nga là áp dụng một định nghĩa lạc hậu về nguyên tắc miễn tố, đi ngược lại những nguyên tắc hiện đại của pháp lý quốc tế và quốc gia.

Người ta chỉ có thể ngạc nhiên khi Tòa án thừa nhận rằng các công ty dường như đã hành động dưới sự cưỡng bách của chính quyền Mỹ, sự thực là họ đã tham gia đấu thầu và hoàn toàn có quyền không tham gia.

Nghiêm trọng hơn nữa, các chủ trương của chính quyền Mỹ không đặt ra yêu cầu làm ra một sản phẩm có liều lượng dioxin cao như Chất Da Cam. Đây hoàn toàn do sáng kiến có chủ quyền và tự do của các công ty hữu quan.

Điều lạ là Tòa án đã luận chứng vội vã, bỏ qua những yếu tố hội tụ cho thấy biên độ tự do hành động của các công ty, loại trừ mọi lô gic của sự bó buộc.

Trước phiên Tòa xét xử vụ kháng cáo này, sẽ cần phải có những sáng kiến chủ động nhằm biết rõ toàn bộ các thông báo được trao đổi giữa các công ty và chính quyền Mỹ, điều mà cho tới nay chỉ được thực hiện một phần một cách chật vật, để Tòa án có thể truy cập toàn bộ các trao đổi, chứ không phải chỉ những trích đoạn được các công ty tùy cơ tuyển chọn.

Các luật sư ký tên dưới đây cho rằng công lý đứng về bên thân chủ của mình. Họ hy vọng rằng bà Trần Tố Nga sẽ có đủ sức khỏe chống chọi với những căn bệnh đang giày vò bà, để có thể chiến đấu tới tận cùng.

Làm tại Paris ngày 10 tháng 5 năm 2021.

Trong diễn biến liên quan, như Người Đô Thị đã đưa tin, ngày 8.5.2021, tại Đường Sách TP.HCM đã diễn ra Triển lãm và Tọa đàm “Một nguyên đơn, triệu nạn nhân” nhằm mục đích hệ thống đầy đủ thông tin quá trình đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất Da Cam chứa độc tố Dioxin tại Việt Nam và một số quốc gia khác, trong đó vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với 14 công ty hóa chất sản xuất chất Da Cam là tiêu điểm.

Tham gia tọa đàm có nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Ủy ban Hòa bình TP.HCM, Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da Cam Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Quyền – Trưởng khoa Công nghệ sinh học Đại học Văn Lang, chị Mỹ Quyên – nạn nhân chất độc Da Cam, nhân viên Phòng tuyển dụng Đại học Hoa Sen.

Tất cả các vị diễn giả trong tọa đàm đều khẳng định: cuộc đấu tranh tuy còn khó khăn và lâu dài, nhưng trên các căn cứ khoa học và pháp lý rất rõ ràng, công lý nhất định sẽ phải thuộc về các nạn nhân chất độc Da Cam Dioxin.

Kiến Văn

Đảng Cộng sản Đức ra tuyên bố ủng hộ các nạn nhân dioxin Việt Nam

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 10.5, Đảng Cộng sản Đức (DKP) đã ra tuyên bố ủng hộ vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga cũng như các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với 14 tập đoàn hóa chất đa quốc gia.

Trong tuyên bố gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin, Đảng Cộng sản Đức nêu rõ: “Ngày 10.5, một tòa án ở Paris đã phán quyết rằng Tòa án không đủ thẩm quyền để xử vụ kiện của người phụ nữ gốc Việt Trần Tố Nga đối với 14 tập đoàn đa quốc gia, trong đó có tập đoàn Dow Chemical và Bayer (Monsanto), vì những tổn hại mà các tập đoàn này đã gây ra do sử dụng chất độc da cam/dioxin trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam."

"DKP nhận thấy phán quyết này một lần nữa bỏ mặc hàng triệu người dân Việt Nam cho đến nay vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ thực hiện trong cuộc chiến Việt Nam."

Đảng Cộng sản Đức nhấn mạnh sẽ tiếp tục thông tin về các thủ phạm gây ra những đau thương cho người dân Việt Nam, đồng thời nêu rõ: "Chúng tôi khẳng định tình đoàn kết sâu sắc của chúng tôi với bà Trần Tố Nga và tất cả các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam."

Tuyên bố của Đảng Cộng sản Đức cho thấy sự quan tâm chia sẻ của những người cộng sản Đức đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cũng như tình đoàn kết quốc tế cao cả của những người cộng sản.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vu-kien-da-cam-ba-tran-to-nga-khang-cao-quyet-dinh-cua-toa-an-evry-phap-28524.html