Vụ kiện khó xử liên quan lá đơn đề nghị công nhận liệt sỹ
Một số giấy tờ xác nhận cha và anh của ông Đoan qua đời khi đang làm nhiệm vụ trong thời kháng chiến chống Mỹ, tuy nhiên địa phương cho rằng đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của cán bộ và nhân dân địa phương, nhưng một số ý kiến cho rằng cha con cụ Thất qua đời trong lúc đi sơ tán thì bị trúng bom chứ không phải khi đang làm nhiệm vụ.
Cha con người chèo đò tử vong khi đưa người dân đi sơ tán?
Ông Nguyễn Công Đoan (SN 1962, trú tại thôn Đại Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho hay, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình ông sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Thạch Hãn. Lúc đó gia đình có hai chiếc thuyền gắn máy F4, một chiếc có trọng tải 3 tấn, một chiếc có trọng tải 2 tấn để 8 thành viên trong nhà mưu sinh.
Chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Thành cổ Quảng Trị, từ tháng 3/1972 - 6/1972, khi được cách mạng động viên, cha của ông là cụ Nguyễn Văn Thất và người anh trai đầu là Nguyễn Văn Luyện đã dùng thuyền gắn máy chở bộ đội, vũ khí, lương thực thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác... và chở dân sơ tán.
Ngày 11/6/1972, trong lúc đang làm nhiệm vụ đưa dân đi sơ tán, thuyền của gia đình ông bị trúng bom từ trường nên cả cha và anh trai của ông đều tử vong, không tìm thấy xác, còn chiếc thuyền bị hỏng nặng. “Mặc dù chịu mất mát quá lớn, khi cùng lúc mất đi hai người thân, lại là những trụ cột của gia đình, thế nhưng khi các cán bộ chiến sỹ đến chia buồn, đồng thời điều động chiếc thuyền gắn máy còn lại phục vụ tiếp cho cuộc kháng chiến, gia đình tôi vẫn sẵn lòng nhất trí”, ông Đoan kể.
Những đóng góp cho cách mạng của gia đình ông được Nhà nước ghi nhận. Gia đình ông cũng còn lưu giữ “Giấy xác nhận thành tích” do ông Lê Vấn (Trưởng ban tự quản thôn Đại Lộc năm 1972, người trực tiếp điều động, giao nhiệm vụ) chứng nhận vào năm 1983.
Còn có “Bản khai của nhân dân” với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng khen thưởng xã Triệu Thuận, Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận, UBND huyện Triệu Hải về gia đình cụ Trương Thị Chơn (vợ cụ Nguyễn Văn Thất) đều nhất trí với nội dung: “Bà Chơn có 3 tháng (3/1972 - 6/1972) cả người và thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí. Đưa bộ đội, cán bộ qua sông, chuyển dân sơ tán ra Bắc. Trong lúc làm nhiệm vụ địch thả bom gia đình chết 2 người và hỏng thuyền tải trọng 3 tấn có gắn máy F4”. Hai người qua đời đó là cụ Nguyễn Văn Thất và con trai Nguyễn Văn Luyện.
Ngày 20/12/1984, cụ Chơn cùng chồng là cụ Nguyễn Văn Thất được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.
Sự việc còn chưa rõ ràng đến bao giờ?
Mặc dù trong các giấy tờ trên ghi nhận rõ là cha con cụ Thất trực tiếp phục vụ chiến đấu và tử vong trong lúc làm nhiệm vụ, nhưng nhiều năm qua, ông Đoan nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND xã Triệu Thuận cùng các cấp ban ngành để đề nghị truy tặng liệt sỹ cho cha và anh, mà vẫn không được cơ quan chức năng giải quyết.
Lý giải điều này, chính quyền xã Triệu Thuận cho rằng phía xã cũng đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của cán bộ và nhân dân địa phương. Trong đó, ngày 26/4/2017, xã đã tổ chức buổi làm việc, với thành phần gồm Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và một số người trong thôn sống ở thời điểm đó. Theo đó, hai cha con cụ Thất “chết trong lúc tự đi sơ tán thì bị trúng bom chứ không phải khi đang làm nhiệm vụ. Vì thế căn cứ các văn bản quy định hiện hành thì trường hợp này chưa đủ cơ sở pháp lý để đề nghị cấp có thẩm quyền suy tôn liệt sỹ”.
Còn tại Công văn trả lời đơn thư công dân của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Triệu Phong thì cho rằng, tại Huy chương Kháng chiến hạng Nhất không ghi “Liệt sỹ” mà chỉ ghi “Huy chương kháng chiến hạng Nhất”. Thêm nữa, ở địa phương không có danh sách, giấy tờ, hồ sơ lưu về trường hợp hy sinh của cụ Nguyễn Văn Thất và ông Nguyễn Văn Luyện. Vì vậy, không đủ căn cứ để xác nhận liệt sỹ theo quy định hiện hành.
Ông Đoan phản bác: “Cha và anh tôi bị trúng bom trong lúc đang làm nhiệm vụ đưa dân đi sơ tán theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nhưng mọi người đánh đồng luôn với chuyện cha và anh tôi đi sơ tán”.
Không đồng tình với quyết định trên, cuối năm 2018, gia đình ông Đoan đã làm đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong và Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận lên TAND tỉnh Quảng Trị về việc chính quyền xã không căn cứ vào Bản khai của nhân dân năm 1983 mà lại lấy ý kiến của các cơ quan, cá nhân làm chứng hiện nay để kết luận không đủ căn cứ là chưa thỏa đáng. Vì trong tất cả những người được mời làm chứng không có ai trực tiếp chứng kiến mà chỉ nghe nói lại.
Ngay sau đó, UBND huyện Triệu Phong và xã Triệu Thuận hủy bỏ và thu hồi các quyết định trên với lý do trong quá trình giải quyết khiếu nại thực hiện chưa đảm bảo về một số quy trình thủ tục, vì vậy tòa đình chỉ vụ kiện.
“Giấy tờ được lưu trữ chứng nhận từ năm 1983 của người có trách nhiệm, thẩm quyền và xác nhận của những người trong cuộc, từng công tác, cùng được điều động thực hiện nhiệm vụ, trực tiếp chứng kiến sự việc đều khẳng định cha và anh tôi chết trong khi làm nhiệm vụ. Thế nhưng, chính quyền địa phương vẫn dựa vào biên bản được lập sau gần nửa thế kỷ với thành phần hội đồng không có người nào trực tiếp chứng kiến khi xảy ra sự việc, không có người nào có thẩm quyền giao nhiệm vụ với cha và anh tôi, là thiếu thuyết phục”, ông Đoan cho biết gia đình sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ sự việc.