Vụ kiện uống thuốc lao hỏng mắt: bệnh nhân sai?
Ông Hoàng Châu Kỳ khẳng định, vì bác sĩ kê cho ông uống thuốc chữa lao Mekomucosol nên bị hỏng mắt, trong khi bệnh án bác sĩ Bệnh viện Lao phổi Hà Nội không kê thuốc này.
Để tìm hiểu rõ sự thực, PV đã tìm đến tận nhà gặp ông Kỳ để xem đơn thuốc ông đang giữ.
Thuốc có tác dụng phụ gây giảm thị lực
Trong đơn được kê từ Phòng Lao quận Hai Bà Trưng (sau khi kết thúc điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao Phổi Hà Nội, ông Hoàng Châu Kỳ được chuyển đến Phòng Lao quận Hai Bà Trưng và phường Cầu Dền).
Tìm kỹ tên thuốc, chúng tôi thấy có hai loại thuốc là Ethambutol và Rimifon, không có thuốc Mekomucosol mà ông Kỳ ghi trong đơn "kêu cứu".
Ông Kỳ xác nhận lại là mình ghi nhầm tên thuốc trong "đơn kêu cứu", thực chất thuốc kê trong đơn mới là thuốc uống thường xuyên từ khi nằm Bệnh viện Lao Phổi Hà Nội và uống tiếp theo đơn kê của Phòng Lao quận Hai Bà Trưng.
Thuốc Mekomucosol được ghi trong đơn của ông Kỳ quả thật có tác dụng phụ làm giảm thị lực. PGS.TS Nguyễn Chi Lăng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư) cho biết: "Trong các thuốc chữa bệnh lao có thuốc Ethambutol có tác dụng phụ gây giảm thị lực. Bệnh nhân điều trị lao có dùng Ethambutol mà giảm thị lực thì dừng ngay, đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân giảm thị lực...".
Hỏi ông Kỳ tại sao trong quá trình uống thuốc thấy thị lực giảm mà không đi khám ngay, ông trả lời: Không một bác sĩ nào khi kê thuốc cho tôi nói về tác dụng phụ của thuốc chữa lao mà tôi uống có thể gây hại mắt; chỉ dặn "uống thuốc đúng giờ, không được bỏ ngày nào. Tôi cứ uống và đâu ngờ sau 8 tháng, vừa kết thúc điều trị thì mắt mờ hẳn, gần như không nhìn thấy gì.
Ông Kỳ bức xúc vì bác sĩ tắc trách, để giờ ông hỏng mắt thì ai chịu trách nhiệm?
Bác sĩ bảo "có", bệnh nhân bảo "không"!
Sáng ngày 8/8/2013, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo điện tử Kiến thức về việc bệnh nhân phản ánh phải uống thuốc chữa lao gây hại mắt; uống từ khi ở Bệnh viện Lao Phổi Hà Nội tới khi chuyển ra Phòng Lao quận Hai Bà Trưng mà không bác sĩ nào khuyến cáo về tác dụng phụ...
BS Nguyễn Cao Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao Phổi Hà Nội đã thông tin lại như sau: Tại bệnh án của ông Kỳ khi điều trị tại Bệnh viện Lao Phổi Hà Nội, ban đầu ông Kỳ được dùng thuốc theo phác đồ 1 (không có Ethambutol), nhưng sau đó ông không tiêm được Streptomycin (do bị dị ứng) nên phải dùng Ethambutol. Phòng Lao quận Hai Bà Trưng thì khẳng định có tư vấn các vấn đề về mắt cho ông Kỳ, đồng thời cho biết: Khi biết ông Kỳ có phản ứng với mắt, Phòng Lao đã không cho ông Kỳ dùng Ethambutol nữa.
Tuy nhiên, ông Kỳ vẫn tiếp tục khẳng định: "Không một ai tư vấn cho tôi. Tôi là người cầm thuốc uống hằng ngày, sổ ngoại trú của tôi kê đơn thuốc có Ethambutol từ tháng 7/2012 - 15/1/2013 - tức là thời điểm dừng điều trị sau 8 tháng".
Xem lại cuốn sổ điều trị ngoại trú của ông Kỳ, chúng tôi thấy lần kê thuốc cuối cùng (ngày 15/1/2013), thuốc Ethambutol vẫn được kê nhưng lại có chữ "bỏ" ở bên cạnh; có lẽ ở lần đi khám cuối cùng, ông Kỳ mới được khuyên bỏ thuốc này.
TS Vũ Quốc Lương, Bệnh viện Mắt T.Ư chia sẻ: "Ở thời điểm này, có thể tác dụng phụ của thuốc chống lao trên mắt đã xác định và không hồi phục; bệnh nhân có thể dùng các thuốc tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng cho thị thần kinh nhưng thường kết quả hồi phục thị lực là không chắc chắn. Bệnh nhân cần đến khám thêm tại cơ sở khám và điều trị bệnh mắt để có thể đưa ra kết luận cuối cùng".
Tuy nhiên, theo chúng tôi, qua trường hợp này, mong rằng các bác sĩ điều trị lao dặn dò bệnh nhân kỹ lưỡng hơn về tác dụng phụ của thuốc (tất nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ phải cân nhắc về việc điều trị chính với tác dụng phụ; đôi khi bệnh nhân phải chấp nhận tác dụng phụ để điều trị bệnh chính, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng). Về phía bệnh nhân, mỗi người cũng nên chủ động hỏi kỹ, tìm hiểu kỹ về loại thuốc mình dùng điều trị.