Vu Lan năm nay với nhiều suy nghĩ?
Vu lan là chữ viết tắt của “Vu lan bồn (盂蘭盆), tiếng Phạn là Ô – lam – bà – noa (烏藍婆拏). Dịch là "Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực”
Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.
Tóm tắt: Hằng năm mỗi độ Thu về lá vàng rơi, như báo hiệu một mùa lễ hội Vu lan – báo hiếu trong lòng mỗi người dân đất Việt. Một nét đẹp văn hóa truyền thống hiếu hạnh lan tỏa và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với con người trong xã hội. Nỗi nhớ của hàng triệu trái tim về lòng biết ơn, hiếu thảo đối với đấng sinh thành dưỡng dục, mà suốt cuộc đời làm sao tri ân và báo ân cho hết ơn nghĩa sinh thành trong muôn một.
Cùng với đó, là sự hòa lẫn tâm trạng đón Vu lan năm nay trong nỗi buồn man mác ẩn chứa trong tim với bao suy nghĩ, lo lắng của mọi người đang đứng trước những hiện tượng xảy ra trên không gian mạng và sự chọn lựa giữa “ngã ba lòng” của một niềm tin trong đời sống tâm linh. Nó nhưng một lát cắt vào tim giữa mùa đông giá lạnh, để lại trong tâm nhiều người sự suy nghĩ về một điểm tựa của tương lai.
Bài viết tập trung trình bày: Nhớ về truyền thống hiếu hạnh; Vu lan trong “giông bão”. Mục đích của bài viết nhằm tri ân và báo ân đấng sinh thành nhân dịp lễ Vu lan, đồng thời bày tỏ tâm trạng suy nghĩ của nhiều người trước hiện tượng “giông bão” hiện nay.
Từ khóa: Nhớ về hiếu hạnh, Vu lan, Báo hiếu, Vu lan nhiều suy nghĩ, giông bão.
Từ ngàn xưa, hiếu hạnh đã trở thành nếp sống lâu đời của người dân đất Việt, là truyền thống văn hóa dân tộc và được gìn giữ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Con người Việt luôn luôn đề cao, phát huy những giá trị quý báu về lòng tri ân và báo ân đối với các đấng sinh thành dưỡng dục, tri ân đến tổ tiên, ông bà, giống nòi đất Việt: “Việc tế tự tổ tiên không phải là chỉ cốt cho linh hồn tổ tiên khỏi khổ mà còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, là nhớ ơn sinh thành của tổ tiên (phục bản phản thủy), và lưu truyền nòi giống mãi mãi về sau (vĩnh truyền tôn thống)” [1].
Do đó, hằng năm mỗi độ Thu về lá vàng rơi, như báo hiệu một mùa lễ hội Vu lan – báo hiếu trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Một nét đẹp của lòng hiếu hạnh như làn gió dịu mát lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với con người trong xã hội. Nỗi nhớ của hàng triệu trái tim về lòng biết ơn, lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành dưỡng dục, lòng tri ân và báo ân đối với những anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.
Như rồi, hòa lẫn với nỗi nhớ da diết đó, là những tâm trạng của nỗi buồn man mác ẩn chứa trong tim với bao suy nghĩ, lo lắng của mọi người đang đứng trước những hiện tượng xảy ra trên không gian mạng và sự chọn lựa giữa “ngã ba lòng” về một niềm tin trong đời sống tâm linh. Nó nhưng một lát cắt vào tim giữa mùa đông giá lạnh, để lại trong tâm của nhiều người sự suy nghĩ, một kỳ vọng trông chờ vào một điểm tựa đáng tin cậy của tương lai.
1. Nhớ về truyền thống hiếu hạnh
Khi nói đến đạo hiếu, chúng ta cần phải khách quan về sự đóng góp của học thuyết đạo đức của Nho giáo và sự ảnh hưởng sâu rộng của nó trong xã hội phong kiến ở nước ta. Mặc dù vậy, với tinh thần tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo, dần dà Nho giáo đã trở thành một trong những yếu tố văn hóa của người Việt.
Các quan điểm đạo đức về “Tam cương”, “Ngũ thường” của Nho giáo, trên cơ sở truyền thống đạo lý của dân tộc Việt, là nguyên tắc và chuẩn mực tu dưỡng thân tâm và giáo dục xây dựng con người Đại Việt phát triển toàn diện về nhân cách, lý tưởng, lối sống, khuôn mẫu đạo đức; từ đó xây dựng, củng cố mối quan hệ dân với nước, vua với tôi, lấy chữ “trung” làm đầu và đề cao đạo làm con lấy chữ “hiếu” làm trọng, nhằm duy trì trật tự xã hội và rộng lớn hơn là bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc.
Đạo hiếu đã trở thành nếp sống, đạo lý làm người của tất cả mọi người từ giới bình dân, tăng lữ, giới quý tộc, quan quyền, vua chúa, không một ai có thể xem nhẹ tinh thần hiếu đạo. Người xưa xem đạo hiếu như là một lời thệ lớn lao, bắt buộc con người phải tuân thủ và thực hiện nó như một bổn phận, trách nhiệm đối với các đấng sinh thành.
Nếu chúng ta sinh ra không bắt nguồn từ cha mẹ, thì có lẽ chúng ta sẽ ít cảm nhận được tình thương của cha mẹ đối với mình, sẽ không hiểu rõ nỗi cực khổ, nhọc nhằn, sớm hôm tần tảo, vất vả nuôi con khôn lớn. Song, tất cả mọi người chúng ta đều sinh ra từ cha mẹ và chúng ta được nuôi dưỡng, dạy dỗ, đùm bọc, truyền dạy tri thức đầu đời từ mẹ cha.
Vì vậy, công đức sinh thành to lớn đến độ, người xưa cho rằng “phụ mẫu tại tiền như Phật tại thế”, để bày tỏ công đức to lớn, sánh ngang với đức Phật. Sự bất hiếu đối với đấng sinh thành, không chỉ pháp luật trừng trị, con người ghét bỏ, xa lánh, mà nó còn động đến lòng căn ghét của các vị “thánh thần”, không chấp nhận cho hành động đối xử tệ bạc với cha mẹ và sẵn sàng ra tay giết chết kẻ bất hiếu.
Năm 1229, vua Trần Thái Tông tuyên bố điều khoản minh thệ, theo lệ cũ của triều Lý, họp triều thần ở đền Đồng Cổ và cùng thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết” [2].
Như vậy, đủ cho chúng ta hiểu rằng đạo hiếu ở Việt Nam nói riêng, các nước phương Đông nói chung đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với con người trong xã hội, nó cũng là một trong những quan điểm về phẩm chất đạo đức của chúng ta, trong quan niệm về lối sống, nhân cách sống, đạo lý làm người của cá nhân để trở thành người tốt trong cộng đồng, xã hội.
Một cá nhân, quan chức, tăng lữ, vua chúa không thể được đánh giá là hoàn hảo, mẫu mực, đức hạnh…khi bản thân họ không làm tròn đạo hiếu của một người con, hiếu với nhân dân, trung thành với tổ quốc.
Do đó, vấn đề của đạo hiếu ở đây không còn nằm trong phạm vi nhỏ hẹp nữa, mà nó còn được nâng lên một tầm cao mới của lòng trung – hiếu. Nó được thể hiện ở lòng trung thành với nước, một dạ hiếu kính với quần chúng nhân dân, nghĩa là phải lo cho dân cơm no, áo ấm, bảo vệ lợi ích của dân, cần phải biết báo đáp bốn ân đức, quan điểm đó được tìm thấy trong tư tưởng của Trần Nhân Tông khi bàn về đạo hiếu, ông viết: “1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn sư trưởng; 3. Ơn quốc vương; 4. Ơn thí chủ.
Sữa pháp khó đền” [3]. Ông xem đạo trung – hiếu là một trong những đạo lý làm người của dân tộc Đại Việt; ông khuyên mọi người dù sống ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải biết tôn thờ chữ “trung - hiếu”.
Trong gia đình thì phải hiếu để, kính trọng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, kính trên nhường dưới; đối với xã tắc phải biết kính trọng bậc bề trên, những người đại diện cho quốc gia làm tròn sứ mệnh của mình trên ngôi vị hoàng đế, cũng như những người lãnh đạo của đất nước trong thời đại ngày nay, được nhân dân ủng hộ, tín nhiệm, đại diện cho tiếng nói của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế, chúng ta phải có lòng trung thành với Nhà nước, thông qua đó người dân được bảo vệ chính đáng quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Do đó, tiêu chuẩn trượng phu hay bậc quân tử theo xã hội phong kiến, đó là những người “ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu” [4]. Thước đo về tiêu chuẩn của người trượng phu được thể hiện ở sự trung thành với nước với vua, tôn kính bậc bề trên, biết lấy chữ hiếu làm đầu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Song, đạo hiếu không chỉ có đối với những người dân sinh sống ngoài xã hội, mà đối với giới tăng lữ, tôn giáo đạo Nho, đạo Lão hay đạo Phật đều xem tinh thần hiếu đạo là một trong những phẩm chất đạo đức cần được duy trì và phát huy sâu rộng trong đời sống tâm linh.
Trần Nhân Tông khuyên người xuất gia, tại gia luôn luôn giữ đúng vai trò của người đệ tử tôn kính, quý trọng các bậc thầy, sư trưởng, thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với thầy của mình “học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo” [5].
Tuy nhiên, vấn đề hiếu thảo của con người không chỉ dừng lại ở việc hiếu kính cha mẹ, ông bà, sư trưởng, mà nó phải được nâng cao hơn của tinh thần đạo hiếu, đó là gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc, gắn trách nhiệm, bổn phận của người dân, của bậc thiền sư, đấng trượng phu với sự tồn vong của dân tộc, với sự hưng suy của đất nước, với cơ đồ và sự nghiệp của non sông.
Nếu chúng ta chỉ biết hiếu kính mang tính cá nhân đó chỉ là “tiểu hiếu”. Do đó, phải đặt lợi ích tập thể, cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, thì đó mới là “đại hiếu”, cũng như Trần Nhân Tông, ông cho rằng làm con người sống trong xã hội mà không giúp ích gì cho đời, đó là điều đáng hổ thẹn của người trượng phu:
“Thương yêu mọi người như nhau là ân đức của thiên tử,
Sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu.” [6]
Tiếp nối, kế thừa tinh thần đạo hiếu truyền thống dân tộc, nhiều hoạt động tri ân và báo ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người anh hùng dân tộc đã được tổ chức hằng năm. Trong đó, điểm nhấn của nó thể hiện qua các lễ hội Vu lan – báo hiếu trong các chùa Phật giáo nhân dịp rằm tháng bảy.
Tháng bảy đã trở thành tháng đáng nhớ, không thể quên trong lòng mọi người, luôn luôn in sâu và khắc ghi ngày hội “Vu lan – báo hiếu”, ngày hội của lòng “tri ân và báo ân”, dù họ sống xa quê hương thì ngôi chùa cũng là nơi họ hướng về để cầu nguyện cho tổ tiên, cha mẹ nhiều đời, thể hiện tấm lòng tri ân và báo ân với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Mặc dù vậy, hòa lẫn với nỗi nhớ tri ân và báo ân của mùa Vu lan – báo hiếu năm nay, là những nỗi buồn man mác của mọi người, Phật tử, khi trong lòng có nhiều sự tác động, ảnh hưởng bởi thực trạng hiện nay trên không gian mạng về Phật giáo, nó đặt ra nhiều suy nghĩ về niềm tin trong mùa Vu lan đầy “giông bão”?
2. Vu lan trong “giông bão”
Những người hiếu hạnh, luôn luôn canh cánh trong lòng ơn nặng ngàn cân của đấng sinh thành và khi tiết trời tháng bảy mưa rơi, họ chạnh lòng nhớ lại ân sâu, nghĩa nặng, đi chùa cầu nguyện, đón lễ Vu lan, cài bông hồng trên ngực áo, tỏ bày hiếu kính hoài niệm về tổ tiên, cha mẹ.
Vu lan là chữ viết tắt của “Vu lan bồn (盂蘭盆), tiếng Phạn là Ô – lam – bà – noa (烏藍婆拏). Dịch là Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực” [7]. Lễ Vu lan - báo hiếu thường tổ chức vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống của Phật giáo (Bắc tông), cũng là phong tục tập quán của người Việt Nam, Trung Hoa.
Theo tín ngưỡng dân gian, nhiều người cho rằng, tháng bảy là tháng “cô hồn”, xá tội vong nhơn, cần phải cúng chẩn tế, cúng thí thực cho các vong linh, cầu nguyện cho các vong linh được vãng sanh về cõi an lành, giải thoát nỗi khổ bị “treo ngược” của người đã mất.
Đó là một câu chuyện hiếu hạnh, mà Ngài Mục Kiền Liên là hình mẫu về tấm gương Đại hiếu của con người trong cuộc sống. Tôn giả Mục Kiền Liên, khi nhìn thấy cảnh đau lòng, xót dạ, bị đói khát, chịu khổ cảnh “treo ngược” của người mẹ, Ngài đã cầu cứu đến đức Phật mở lòng Từ bi cứu độ cho mẹ Ngài thoát cảnh đọa đày. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây được đặt ra là, tại sao phải làm lễ vào ngày rằm tháng bảy? Ngài Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất, sao không vận thần thông, giải cứu mẹ mình thoát khỏi chốn đọa đày?
Cho nên, vấn đề quan trọng của tháng bảy, có một ý nghĩa cao siêu; bởi vì, là ngày “tự tứ” của chư Tăng an cư kiết hạ sau ba tháng tu tập với đầy đủ nguồn năng lượng nội tâm của cá nhân, tập thể Tăng già. Đây được xem là ngày lành, là ngày chư Tăng, chư Thánh, chư Phật hoan hỷ. Trong kinh Vu lan, đức Phật cũng đã nói rõ về ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ của chư Thánh tăng xuất hiện:
“Vì ngày ấy Thánh tăng đều đủ, Dầu ở đâu cũng tụ hội về, Như người thiền định sơn khê, Tránh điều phiền não chăm về Thiền – na” [8].
Muốn cứu độ vong linh thì cần phải quy tụ tất cả nguồn lực hiện có để hồi hướng, chỉ dẫn hương linh sám hối tội lỗi của chính mình và hướng về Tam bảo tu tập, phát khởi thiện căn, chính nhờ sức chú nguyện của Thánh – phàm tăng, mà vong linh nhận thức được nghiệp lực của chính mình.
Đức Phật dạy cho Ngài Mục Kiền Liên về giá trị của năng lực tập thể, Tăng già có sức mạnh thúc đẩy vong linh quay về chánh đạo, một người dù thần thông của mình cao siêu đến đâu cũng không đủ sức xoay chuyển nghiệp thức, mà cần phải có sự trợ duyên, giúp sức của tất cả mọi nguồn lực, đặc biệt là sự gia hộ của Thánh tăng.
Do vậy, với năng lực và đạo hạnh của các vị Thánh hiền, Bồ tát, giúp cho vong linh nhận thức được con đường cần phải hướng về, lo tu tập để giải trừ nghiệp chướng một cách tốt nhất. Cũng như trong kinh doanh, buôn bán, dù cho chúng ta có nguồn lực kinh tế dồi dào, như nếu không có sự trợ giúp, không có mối quan hệ hợp tác, đôi bên cùng có lợi với các đối tác kinh tế, thì chắc chắn việc kinh doanh sẽ có nhiều khó khăn và trở ngại.
Điều đó, cũng là một trong những lý do tại sao đức Phật khuyên Ngài Mục Kiền Liên phải nhờ sự trợ giúp của chư Thánh - phàm tăng trong ngày tự tứ để giải trừ nghiệp chướng cho người mẹ bị đọa đày. Chính vì vậy, tháng bảy Vu lan đã trở thành điểm tựa tinh thần cho mọi người về tấm gương hiếu hạnh, tri ân và báo ân đấng sinh thành về vật chất cũng như tinh thần.
Nếu cha mẹ còn hiện tiền thì phải biết cung phụng, dưỡng nuôi, hiếu thảo với cha mẹ; như khi mất đi, thì phải biết hướng về Tam bảo cầu nguyện siêu độ cho cha mẹ, để linh hồn của cha mẹ được sưởi ấm tình thương yêu, sự hiếu thảo của con cái.
Tuy nhiên, mùa Vu lan – Báo hiếu năm nay, với điểm tựa của niềm tin và ý nghĩa thiêng liêng của đời sống tâm linh đã gánh chịu nỗi buồn man mác, ảnh hưởng đến sự suy nghĩ, lo lắng, ưu tư của nhiều người về chỗ dựa của đời sống tinh thần. Bản chất sự thiêng liêng của Phật giáo về đời sống tâm linh không thay đổi, nhưng sự nương tựa về con người thực hành lễ nghi của Phật giáo đã bị hoài nghi về điều đó.
Những hiện tượng tiêu cực, những phát ngôn “gây sốc”, những việc làm mang màu sắc mê tín, dị đoạn…đã tạo nên những cái nhìn không tốt về Phật giáo hiện nay, gây nên những phản ứng trái chiều, làm xuất hiện thuyết “âm mưu” về điểm tựa của niềm tin trong Phật giáo.
Chính những hiện tượng trên không gian mạng, khiến cho người phật tử, những người có thiện cảm về Phật giáo, ít nhiều cũng bị sốc “phản vệ niềm tin”, còn những người mới hướng về Phật giáo sẽ đứng giữa “ngã ba lòng” khi chọn cho mình một con đường hướng về đời sống thánh thiện, gây áp lực lớn cho sứ mệnh của Giáo hội. Có lẽ mùa Vu lan năm nay ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và mờ nhạt trong lòng tín đồ?
Mặc dù, có một số người hiện nay cho rằng tăng sĩ không có giới hạnh, vì vậy sinh lòng khinh nhờn, không tin Tam bảo, không muốn cầu tiến trên con đường tu tập giác ngộ, giải thoát, không muốn báo hiếu siêu độ vong linh quá cố. Những suy nghĩ đó liệu có đúng chăng? Trong “Khải tín tạp thuyết” Tục Tạng kinh, quyển 62, có giai thoại vua Đường Thái Tông đã bày tỏ suy nghĩ của mình cũng như những cảm nghĩ của nhiều người về vai trò, đức hạnh của tăng sĩ lúc bấy giờ và được ngài Huyền Trang – một cao Tăng đắc đạo giải đáp một cách đầy ý nghĩa thâm thúy:
“Trẫm muốn thiết trai cúng dường chư Tăng, nhưng nghe rằng ngày nay chư Tăng phần nhiều không có giới hạnh, vậy trẫm phải làm sao?
Ngài Huyền Trang trả lời rằng: “Trong núi Côn Lôn có ngọc, nhưng ngọc nằm hỗn tạp với bùn và cát; ở trong sông Lệ giang có vàng, nhưng chả lẽ trong sông không có cát sỏi? Khúc gỗ kia khi đẽo thành tượng La Hán, rồi chúng ta cung kính đảnh lễ, đồng sắt nung chảy, đúc thành tượng để chiêm bái lễ lạy, nếu chúng ta phá hủy tượng thì nhất định mang tội. Rồng đất tuy không thể tạo ra cơn mưa, nhưng muốn cầu mưa chúng ta phải dựa vào rồng đất. Phàm tăng tuy không thể ban phước, nhưng muốn sanh phước thì phải biết cung kính phàm tăng”.
Chính vì vậy, chúng ta sẽ không biết được trong số các phàm tăng đó là sự tiềm ẩn của các Thánh tăng. Bởi vì, sự xuất hiện của Thánh tăng không phải “vì danh, vì lợi, vì tiền”, cho nên các Ngài ẩn thân trong chiếc áo của phàm tăng mà chúng ta không thể biết được, với mục đích vì lợi ích của con người đang gặp nhiều khó khăn về mặt tinh thần, cũng như những khó khăn về vật chất trong đời sống, các Ngài sẽ cứu độ họ bằng nhiều phương tiện, cách thức khác nhau mà chúng ta không thể biết hết được.
Trong Kinh Vu lan, đức Phật nói: “Hoặc chư Bồ tát mười phương, hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh” [9]. Do đó, nếu chúng ta vì một lẽ thường tình thế gian, vì những hiện tượng “không đáng có” của một số người trong Tăng già, mà đánh mất niềm tin Phật giáo, bỏ đi con đường hướng thiện phía trước, liệu có hợp lý chăng? Nếu vì lẽ đó, mà chúng ta từ bỏ đến chùa làm lễ Vu lan – báo hiếu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ quá cố nhiều đời, suy nghĩ đó có đúng chăng?
Tóm lại, đạo hiếu là truyền thống lâu đời của người dân Việt, luôn luôn duy trì và giữ gìn trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa của dân tộc. Đó cũng là hạnh hiếu của nhà Phật được lưu truyền từ đời nay sang đời khác thông qua các lễ hội Vu lan – báo hiếu.
Lễ hội Vu lan là dịp để chúng ta hoài niệm về ân đức, báo đáp ân sâu dày của cha mẹ, thể hiện lòng hiếu thảo của mình không những đối với ông bà, cha mẹ lúc còn hiện tiền, mà còn đối với người quá cố, nhớ đến những anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc.
Tuy nhiên, mùa Vu lan - báo hiếu năm nay cũng đặt ra nhiều suy nghĩ, thách thử về thời “giông bão” của Phật giáo; về vai trò và trách nhiệm của người tu sĩ trong thời đại mới. Nhận thức về Vu lan mang tính chiều sâu, chứ không phải là hình thức của lễ hội được tổ chức rầm rộ, nó phải phản ánh được “chất” chứ không phải “lượng”.
Đây cũng là thời khắc đặt ra nhiều suy nghĩ cho cá nhân và tập thể, hãy nhìn lại để củng cố “tuyến phòng thủ của niềm tin” trong cuộc sống và tự cá nhân mỗi người hãy “phản quang tự kỷ” trong quá trình tu tập. Có như thế, thì mùa Vu lan – báo hiếu của Phật giáo sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người, như lời dạy ẩn chứa triết lý tinh hoa của đức Phật: “Trước là trả nghĩa sinh thành, sau là cứu vớt chúng sanh muôn loài”.
Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang
*** CHÚ THÍCH
[1] Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hóa sử cương, NXB. Bốn Phương, 205.
[2] Viện Sử học (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB. Văn hóa thông tin ,tr.438.
[3] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.547.
[4] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.507.
[5] Sđd, tr.507.
[6] Sđd, tr.477.
[7] Phân viện Nghiên cứu Phật học(2012), Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, Tr, 1546.
[8] HT. Thích Huệ Đăng (dịch)(2012), Kinh Vu lan và Báo hiếu, NXB. Tôn giáo, tr. 17.
[9] Sđd, tr. 17.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB. Bốn Phương, 1938. 2. HT. Thích Huệ Đăng (dịch), Kinh Vu lan và Báo hiếu, NXB. Tôn giáo, 2012. 3. Hương Giang, Ca dao và tục ngữ Việt Nam, NXB. Văn học, 2002. 4. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, 2012. 5. Tục tạng kinh, quyển 26. 6. Viện Sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, II. NXB. Văn hóa thông tin, 2004. 7. Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập II, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988. 8. Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2008.
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vu-lan-nam-nay-voi-nhieu-suy-nghi.html