Vu lan thắng hội

Vu lan là một trong những ngày lễ đặc biệt quan trọng của Phật giáo, là dịp để những người con thể hiện tấm lòng tri ân đến hai đấng sinh thành và tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên- một truyền thống văn hóa tốt đẹp của đạo Phật nói riêng và của người Việt Nam nói chung.

Lễ Vu lan ở chùa Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng. Ảnh chụp trước ngày 27.4.2021

Lễ Vu lan ở chùa Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng. Ảnh chụp trước ngày 27.4.2021

Người xưa thường dạy: “Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên, nhơn sanh do tổ do tông”, có nghĩa là cây có cội, nước có nguồn, còn con người thì có tổ tông. Hiếu thảo là một trong những đức tính hàng đầu được gia đình và trường học dạy dỗ từ lúc còn tấm bé.

Trong đạo Phật, hiếu thảo là một trong tứ đại trọng ân mà đức Phật đã dạy, đứng đầu là ân cha mẹ. Cho nên, hơn hết, với người con hiếu thảo, tháng bảy- mùa Vu lan là dịp để tri ân đặc biệt đến công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên.

Lễ Vu lan xuất phát từ việc Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi cõi ngạ quỷ. Về sau, lễ này hằng năm được cử hành để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên của kiếp này và nhiều kiếp về trước. Đây là ngày lễ quan trọng, mang ý nghĩa to lớn, có công đức thù thắng nên còn được gọi là “Vu lan thắng hội”.

Lễ Vu lan ở các chùa vùng Tây Ninh xưa và cho đến ngày nay không đồng loạt tổ chức vào ngày rằm mà được nhà chùa chọn một ngày trong tháng bảy âm lịch để tổ chức. Có nhiều chùa chọn một ngày cố định để hằng năm tổ chức và trở thành ngày truyền thống của tự viện, hoặc có những chùa mỗi năm đều chọn một ngày trong tháng bảy để tổ chức nhằm thuận tiện cho công tác Phật sự ở chùa.

Vào tháng bảy, người dân đến chùa ghi tên thân quyến đã quá vãng nhờ các vị sư tụng kinh siêu độ để người mất được siêu sanh về miền tịnh thổ. Cũng chính vì thế, vào mùng một tháng bảy âm lịch, các chùa tổ chức lễ khai kinh Vu lan và nghinh thỉnh cửu huyền thất tổ để hằng ngày cúng cơm và hồi hướng cầu siêu sau những thời khóa tụng kinh ở chùa. Người đến chùa với tấm lòng cung kính, hiếu thảo dần trở thành nét đẹp trong nếp sống truyền thống của người Việt Nam.

Khi xưa, lễ Vu lan thường diễn vào hai ngày, cho đến nay, vẫn còn những ngôi cổ tự duy trì theo nghi lễ xưa. Về sau này, các chùa tổ chức một ngày, thuận tiện cho việc không trùng ngày cúng ở nhiều chùa địa phương, để phật tử tiện đến tham gia và hỗ trợ công quả ở các chùa.

Vào 15 giờ ngày đầu cử hành nghi thức nhập tịch, đây là nghi thức vào đám mở đầu cho chương trình Vu lan thắng hội. Tiếp theo là khoa nghinh thỉnh đức Địa Tạng Vương Bồ tát- hay còn được gọi là khoa nghinh thần chủ. Tiếp là các khoa phát tấu, phần chỉ, khai xá.

Đến 18 giờ là nghi thức khai kinh đàn, sau nghi thức này, các vị sư và phật tử tụng kinh Vu lan và báo hiếu. Ngoài ra, ở một số chùa còn có nghi thức thượng phan và cũng nhân dịp này nhiều chùa tổ chức lễ quy y tam bảo cho phật tử. Đặc biệt, ở chùa Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng), lễ Vu lan thắng hội được tổ chức vào ngày húy kỵ tổ sư là Hòa thượng Tâm Hữu nên còn có nghi thức trình lục cúng.

Nghi thức cuối cùng của ngày lễ đầu tiên là chẩn tế. Đây là một trong những khoa nghi quan trọng trong chương trình lễ Vu lan thắng hội, trong đó “chẩn” được hiểu là cứu giúp, “tế” là tế độ muôn loài chúng sinh từ bờ mê sang đến bến giác ngộ.

Theo quan niệm của dân gian, tháng bảy âm lịch còn được gọi là tháng “Địa quan xá tội” hay được hiểu là thời gian cửa ngục được mở ân xá cho các vong nhân.

Trong số những vong nhân này có thể có những thân bằng quyến thuộc của mình ở đời này hoặc nhiều kiếp trước, nên với lòng thương tưởng đó, các chùa đã thiết lễ chẩn tế với ý nghĩa phổ đồng cúng dường, cho cô hồn, ngạ quỷ đến pháp hội lễ bái chư Phật, nghe thuyết pháp, nhận của bố thí và nương tựa công đức để được siêu sinh tịnh độ.

Sang ngày thứ hai, vào lúc 9 giờ thực hiện nghi thức cúng Phật hay còn gọi là cúng ngọ. Đây là nghi thức cúng dường Phật, bát cơm dâng Phật có ý nghĩa biểu trưng cho tấm lòng thành kính hướng về chư Phật, ngoài ra trong nghi thức cúng ngọ còn phổ đồng cúng dường đến chư hiền thánh và chúng sinh trong lục đạo. Với những chùa tổ chức lễ Vu lan vào ngày kỵ tổ, sau phần cúng Phật là nghi thức tiến sư.

Đến giờ ngọ, cử hành lễ Vu lan. Đây là phần lễ chính đặc biệt quan trọng để những người con hiếu đối trước sự chứng minh của chư sơn thiền đức tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục và bày tỏ tình cảm đến hai đấng sinh thành.

Ý nghĩa lễ Vu lan, công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ được nêu lên trong buổi lễ. Đặc biệt trong buổi lễ này là nghi thức cài hoa hồng, nghi thức này xuất phát từ một phong tục của người Nhật được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đưa về nước ta từ những năm 1960.

Đây là một phong tục đẹp, được người Việt tiếp nhận và làm theo trong mùa báo hiếu. Hoa hồng tượng trưng cho niềm hạnh phúc, cài hoa hồng lên ngực để tỏ lòng tôn kính, mến yêu cha mẹ. Người nào còn đủ cả cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ tươi, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài hoa hồng màu nhạt hơn, người nào mất cả cha mẹ thì cài hoa hồng trắng.

Người xuất gia cài hoa hồng vàng, bởi màu vàng là màu của vô thượng phước điền y, tuệ giác, của sự giải thoát giác ngộ và là màu của đất; người tu sĩ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để trên cầu sự giải thoát, báo Phật ân đức, dưới cứu độ chúng sanh.

Chư tôn đức tăng/ni cử hành nghi thức quá đường. Trước khi thọ trai, cử hành nghi thức cúng dường tam bảo, quán tưởng tam đề, ngũ quán và sau đó giữ chính niệm trong lúc ăn, đây là nghi cách đặc biệt trong việc tri ân và báo ân ngay trong bữa ăn chốn thiền môn.

Với những vị tỳ kheo trở lên, khi hoàn thành khóa an cư kiết hạ sẽ được tính thêm một tuổi đạo. Cũng vào dịp này, các chùa tổ chức lễ khánh tuế đến thầy bổn sư, mừng thầy thêm một tuổi đời và một tuổi đạo.

Đây chính là dịp để môn đồ đệ tử tưởng nhớ đến ân giáo dưỡng của thầy tổ, cũng tương tự như ân đức sinh thành của cha mẹ. Lúc này, thầy bổn sư ban lời huấn từ sách tấn, khuyên bảo các hàng đệ tử trên bước đường tu nhơn học Phật.

Lễ Vu lan ở chùa Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng. Ảnh chụp trước ngày 27.4.2021

Lễ Vu lan ở chùa Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng. Ảnh chụp trước ngày 27.4.2021

Cũng trong mùa Vu lan báo hiếu, các chùa tổ chức tặng quà đến những mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống nhằm thực hiện theo lời đức Phật dạy “bố thí chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Phong trào này ngày càng được lan tỏa, thể hiện tinh thần nhập thế độ sanh, tấm lòng từ bi của nhà Phật và cũng là một việc làm ý nghĩa mang đến công đức thù thắng trong mùa hiếu hạnh.

Vu lan là một trong những ngày lễ đặc biệt quan trọng của Phật giáo, là dịp để những người con thể hiện tấm lòng tri ân đến hai đấng sinh thành và tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên- một truyền thống văn hóa tốt đẹp của đạo Phật nói riêng và của người Việt Nam nói chung.

Đặc biệt, trong những ngôi chùa xưa ở Tây Ninh và cả Nam bộ, Vu lan thắng hội là dịp để các nhà sư hoằng pháp độ sanh theo như lời đức Phật dạy trong kinh Vu lan “Như sau đệ tử xuất gia, Vu lan bồn pháp dùng mà độ sanh…”, bằng những nghi lễ cổ truyền thể hiện được tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha của nhà Phật cùng hòa quyện với truyền thống, văn hóa tốt đẹp của tổ tiên, hướng con người đến sự an vui, hạnh phúc, biết tri ân, báo ân và tiến đến sự giác ngộ, giải thoát.

Phí Thành Phát

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/vu-lan-thang-hoi-a136073.html