Vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long: Giúp các nạn nhân ứng phó với sang chấn tâm lý thế nào?
Vụ tàu Vịnh Xanh 58 bị giông lốc đánh lật úp trên Vịnh Hạ Long chiều 19/7 khiến 36 người thiệt mạng, 3 người mất tích. Bên cạnh nỗi đau mất mát về người và tài sản, vụ tai nạn thảm khốc này còn để lại những sang chấn tâm lý nặng nề cho các nạn nhân, người thân và cả cộng đồng.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh thăm hỏi, động viên nạn nhân bị thương
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Viết Hiền - giảng viên trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có những chia sẻ về việc ứng phó với sang chấn tâm lý sau những cú sốc lớn như thế này.
Sang chấn tâm lý: Khi nỗi đau vượt ngưỡng chịu đựng
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Viết Hiền khẳng định, những người trải qua thảm họa như vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long phải đối mặt với một sự kiện chấn thương tâm lý cực lớn. Đây là một sự kiện bất ngờ, không có sự chuẩn bị từ trước và mức độ ảnh hưởng của nó vượt quá ngưỡng chịu đựng của họ. Ngay tại khoảnh khắc xảy ra sự kiện, não bộ của nạn nhân không kịp xử lý hết thông tin, dẫn đến tình trạng tê liệt hoặc gặp phải nhiều vấn đề tâm lý khác.
Quá trình sang chấn tâm lý thường trải qua 3 giai đoạn: Tiếp nhận sự kiện chấn thương, xử lý nhận thức và ứng phó và tăng trưởng sau sang chấn. Tuy nhiên, nếu không được trang bị kỹ năng ứng phó, những gợi nhắc về sự kiện gây sang chấn sẽ liên tục tái diễn. Thạc sĩ Hiền dẫn chứng, chỉ cần nghĩ đến vụ đắm tàu, nạn nhân có thể xuất hiện các triệu chứng về mặt cơ thể như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, hay gặp ác mộng. Những gợi nhắc này có thể đến từ âm thanh, ánh sáng, không gian, nhiệt độ, hoặc bất kỳ chi tiết nào liên quan đến khoảnh khắc kinh hoàng đó. Nếu không có phương thức ứng phó, họ sẽ liên tục trải nghiệm lại nỗi đau, dẫn đến Rối loạn stress sau sang chấn và cần điều trị trong thời gian dài.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền
Thạc sĩ Hiền nhấn mạnh sự khác biệt giữa phản ứng tâm lý bình thường sau mất mát và rối loạn tâm lý nghiêm trọng cần can thiệp. Với những mất mát có thể dự báo trước như người thân già yếu qua đời, con người có sự chuẩn bị tâm lý và có thể dần chấp nhận. Đây là một phản ứng tâm lý bình thường.
Tuy nhiên, với những trường hợp sang chấn không được xử lý, như tai nạn bất ngờ hoặc bị xâm hại, phản ứng tâm lý sẽ trở nên bệnh lý. Nạn nhân có thể bị quên phân ly, tức là não bộ tự động quên đi một phần ký ức để bảo vệ chính nó khỏi sự quá tải. Dù vậy, nỗi đau vẫn âm ỉ và biểu hiện ra bên ngoài cơ thể như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, gặp ác mộng, hoa mắt, ù tai, hoặc các bệnh lý thực thể khác mà không tìm ra nguyên nhân. Sức khỏe tâm thần của họ ngày càng đi xuống do những gợi nhắc nỗi đau liên tục tái lại.
Một biểu hiện khác đáng lo ngại là "đóng băng cảm xúc", tức là nạn nhân không khóc, không nói gì. Theo Thạc sĩ Hiền, việc gào khóc và kể ra được nỗi đau lại tốt hơn nhiều, vì nó giúp giải tỏa cảm xúc và thu hút sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Ngược lại, những người đóng băng thường im lặng, né tránh, và một mình gặm nhấm nỗi đau. Điều này khiến người thân khó lòng biết được họ đang trải qua điều gì, dẫn đến những vấn đề bên trong tích tụ và tác động tiêu cực đến não bộ, làm sức khỏe tâm thần của họ ngày càng nặng hơn.
Hệ thống hỗ trợ tâm lý sau biến cố: Cần được chuẩn bị kịp thời
Thạc sĩ Hiền bày tỏ lo ngại về những sang chấn tâm lý sẽ xảy ra đối với những người sống sót và người thân sau vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long. Thạc sĩ Hiền nhấn mạnh rằng sang chấn không nhất thiết phải là người trực tiếp trải nghiệm sự kiện, mà việc chứng kiến, nhìn thấy, nghe thấy, hoặc nghe người khác kể lại cũng có thể gây chấn thương tâm lý.
Chuyên gia này cho rằng, việc hỗ trợ tinh thần ngay tại thời điểm xảy ra biến cố là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp đắm tàu, hỗ trợ tâm lý cần được ứng phó ngay lập tức. Mô hình hỗ trợ cần bắt đầu bằng việc tiếp xúc và đo lường mức độ tổn thương của từng cá nhân để đưa ra chương trình can thiệp phù hợp. Bên cạnh hỗ trợ cá nhân, hỗ trợ nhóm cũng có thể áp dụng cho những trường hợp khó khăn ở mức độ trung bình. Hỗ trợ nhóm thường kéo dài 8-12 phiên, mỗi phiên 60-90 phút. Với hỗ trợ cá nhân, mỗi phiên kéo dài 60 phút và diễn ra một tuần 1 lần.

Đoàn công tác Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đến thăm hỏi, động viên nạn nhân trong vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long
Thạc sĩ Hiền thừa nhận, việc tiếp cận và hỗ trợ các nạn nhân sang chấn tâm lý ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Một phần là do việc tiếp cận thường muộn, khi nạn nhân đã di tản hoặc sau một thời gian dài. Hơn nữa, tâm lý chung của người Việt là ngại chia sẻ thông tin riêng tư, nỗi đau với người lạ, khiến họ từ chối tiếp nhận hỗ trợ như một cách tự bảo vệ.
Tuy nhiên, chị tin rằng nhận thức về sức khỏe tâm thần đang ngày càng được nâng cao ở Việt Nam, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Nhiều chương trình tập huấn về liệu pháp trị liệu tâm lý đã được đưa vào Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế. Thạc sĩ Hiền hy vọng trong tương lai, Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh và các cơ quan chức năng sẽ xây dựng một hệ thống hỗ trợ tâm lý có tính pháp lý hơn, kịp thời hơn cho các nạn nhân.
Đối với việc hỗ trợ từ cộng đồng, Thạc sĩ Hiền khuyên không nên đơn giản nói "cố lên". Thay vào đó, chúng ta cần nâng cao năng lực nhận thức của nạn nhân về vấn đề sức khỏe tâm thần và sang chấn. Việc giúp họ nhận diện vấn đề, hiểu rằng đây là những biến cố không mong muốn và bất kỳ ai cũng có thể trải qua, sẽ giúp họ chủ động tìm hiểu các phương thức hỗ trợ hoặc liên hệ với chuyên gia tâm lý khi cần.
Thời gian hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân sang chấn có thể kéo dài tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự kiện, mức độ tổn thương cá nhân, thời gian chịu đựng và kỹ thuật can thiệp. Thông thường, tối thiểu là 8-12 phiên và có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm.
Về phía gia đình, nhà trường và những người xung quanh nạn nhân, Thạc sĩ Hiền khuyến nghị cần quan sát kỹ lưỡng những biểu hiện của họ, đặc biệt là ở trẻ em. Cần đặt ra giả thuyết rằng họ có thể bị sang chấn và quan sát các triệu chứng để kịp thời liên hệ với chuyên gia tâm lý. Ngoài ra, việc hỗ trợ về học tập, xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh, và hỗ trợ tài chính trong khả năng cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, điểm yếu còn nằm ở việc cộng đồng, gia đình và nhà trường chưa thực sự đặt ra giả thuyết về khả năng hình thành bệnh lý tâm lý và thiếu kiến thức để nhận diện các dấu hiệu, dẫn đến việc chậm trễ trong việc hướng dẫn nạn nhân đến các chuyên gia điều trị.