Vụ lừa đảo 88 tấn ruốc khô: Trả hồ sơ vì bị hại không nhận được KLĐT
Ngày 14-7, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm (lần 3) vụ lừa đảo 88 tấn ruốc khô. Đây là vụ án có nhiều tình tiết ly kỳ, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tuy nhiên, sau hơn một buổi mở phiên xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ vì bị hại và luật sư của bị hại không nhận được thông báo kết luận điều tra, chưa sao chụp được cáo trạng, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị hại.
Vụ lừa đảo hơn 95 tấn ruốc khô đã xét xử nhiều lần, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và vi phạm tố tụng nghiêm trọng (Báo Công an TP.HCM đã có bài phản ánh).
Trước đó, ngày 14-3-2016, tại trụ sở TAND tỉnh Kiên Giang, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang, chuyển hồ sơ về cơ quan chức năng TPHCM thụ lý.
Theo hồ sơ vụ án, Mai Thị Tuyết Linh (SN 1985, ngụ Trà Vinh) hành nghề mua bán thủy sản, cuối năm 2012, do thiếu nợ nhiều người, trong đó có bà Trần Thị Dung (SN 1966, ngụ P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu) nên Linh bỏ lên TP.HCM lánh mặt.
Không liên lạc được với Linh, bà Dung nhờ gia đình Linh nhắn tin giùm. Sau đó, Linh gọi điện thoại cho bà Dung. Thông qua bà Dung, Linh biết ông Nguyễn Văn Sinh (ngụ thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), là Giám đốc Công ty Trang Ngọc Phát có hơn 100 tấn ruốc khô đang gửi tại kho lạnh Con Gấu ở Q.7, TP.HCM.
Sau đó Linh dùng sim điện thoại không đăng ký gọi cho ông Sinh, xưng là Trang, “vẽ” ra mình là giám đốc Công ty Khánh Hòa Trung ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) có nhu cầu mua ruốc khô. Sau khi trao đổi, ông Sinh đồng ý bán số ruốc khô của mình cho Linh.
Sau khi mua hơn 134 tấn ruốc khô của ông Sinh, Linh mang đi bán cho nhiều công ty khác và thương lái ở các chợ với giá thấp hơn nhiều so với giá mua. Số tiền thu được, Linh chỉ trả cho ông Sinh một ít (Linh còn nợ ông Sinh trên 4,7 tỷ đồng, tương đương khoảng 88 tấn con ruốc khô), số còn lại Linh dùng trả cho bà Dung 1 tỷ đồng và một số chủ nợ khác. Sau đó Linh bỏ trốn cho đến khi bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang bắt tại một nhà trọ ở Q7, TP.HCM.
Hai lần xét xử sơ thẩm (1 lần ở TAND tỉnh Kiên Giang, 1 lần tại TAND TPHCM), bị cáo Mai Thị Tuyết Linh đều bị tuyên 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc phải trả cho ông Sinh số tiền mà Linh đã chiếm đoạt. Đối với bà Trần Thị Dung, tòa nhận định chưa đủ cơ sở chứng minh là đồng phạm với Linh trong vụ lừa đảo này.
Không đồng ý với phán quyết của các cấp tòa và cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, ông Nguyễn Văn Sinh đã làm đơn kháng cáo, cho rằng bà Dung có liên quan đến việc Linh lừa đảo 95 tấn ruốc khô của ông. Trong suốt quá trình theo đuổi vụ án, ông Sinh vẫn giữ vững quan điểm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và đã bổ sung nhiều tài liệu, chứng cứ cho Cơ quan điều tra cũng như tại tòa (các phiên xét xử trước đó). Ông Sinh cũng cho biết sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc và mong cơ quan thực thi pháp luật làm rõ và xử đúng người, đúng tội.
Ngày 7-12-2018, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm lần hai đã tuyên hủy bản án sơ thẩm hình sự của TAND TPHCM, trả hồ sơ để điều tra lại.
Sau quá trình điều tra lại và có kết luận điều tra chính thức, ngày 16-3-2020, Viện KSND TPHCM đã ban hành cáo trạng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 14-7, ông Sinh và luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông đều trình bày với HĐXX rằng không hề nhận được thông báo kết luật điều tra vụ án, chưa sao chụp được cáo trạng.
Từ trình bày của phía bị hại, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, HĐXX sau khi hội ý đã quyết định trả hồ sơ để cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục theo luật định đối với bị hại, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại và tính minh bạch của phiên tòa.